Trong khi đó, luật sư cho rằng, cần có cơ chế cấm cửa đối với những doanh nghiệp cố tình vi phạm như vậy.
Ngang nhiên huy động vốn trái phép
Phản ánh đến Báo Giao thông, bà L.T.H cho biết, ngày 31/7/2019, bà ký hợp đồng mua bán căn hộ A2.5.13, tháp A2, Khu liên hợp thể dục thể thao và khu dân cư Tân Thắng (tên thương mại Celadon City) tại phường Sơn Kỳ, TP.HCM do Công ty Cổ phần (CTCP) Gamuda Land làm chủ đầu tư với giá 4,5 tỷ đồng.
Thời gian cam kết bàn giao căn hộ là quý II/2021. Sau đó, hai bên ký phụ lục gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đến quý II/2022 và thời gian chậm bàn giao không quá 90 ngày.
Hết thời gian cam kết, bà H. không nhận được thông báo bàn giao căn hộ nên đã thông báo chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bồi thường theo quy định của hợp đồng.
Sau khi 2 bên làm việc, đến 9/1/2023, bà H. mới nhận được email thông báo bàn giao căn hộ và yêu cầu đóng 45% giá trị căn hộ. Bức xúc, bà H. khởi kiện CTCP Gamuda Land ra TAND quận Tân Phú để giải quyết, chấm dứt hợp đồng đã ký; yêu cầu chủ đầu tư trả lại tiền đã đóng và các khoản bồi thường theo hợp đồng hơn 7 tỷ đồng.
Tương tự là trường hợp của bà N.T.N.B, người mua căn hộ A2.5.08. Trong đơn kiện gửi TAND quận Tân Phú, bà B. cho biết, từ tháng 10/2018 - 7/2020 đã ký nhiều hợp đồng mua căn hộ. Tuy nhiên, Gamuda chưa thực hiện đầy đủ các hợp đồng đã ký.
Trước đó, ngày 12/1, TAND TP.HCM cũng xử phúc thẩm đơn khởi kiện của ông V. - khách mua căn hộ P1.2.02 (khối đế P1) về việc Gamuda Land chậm bàn giao căn hộ, bán nhà khi chưa đủ điều kiện. Toà đã tuyên hợp đồng vô hiệu, yêu cầu Gamuda Land hoàn trả chủ căn hộ số tiền ứng trước 1,7 tỷ đồng và buộc thanh toán cho người mua nhà số tiền lãi chậm trả tiền gốc hơn 10 triệu đồng.
Không chỉ toà nhà A2, toà A5 của Gamuda Land cũng để xảy ra vi phạm tương tự, nên đã bị Sở Xây dựng TP.HCM xử phạt 900 triệu đồng do huy động vốn không đúng quy định.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT TP.HCM còn cho biết, Gamuda Land chưa đóng 514 tỷ đồng truy thu thuế theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, khiến 927 căn hộ chưa được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản trên đất (sổ hồng).
Dự án khủng, hạ tầng dang dở
Dự án Khu liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng lúc đầu có diện tích 908.000m2, thuộc phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú. Ban đầu, dự án được UBND TP.HCM giao cho Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) đầu tư. Đến tháng 7/2010, TP cho phép Sacomreal chuyển vốn cho Công ty Gamuda Land (Malaysia) 60% vốn điều lệ. Năm 2015, 40% vốn còn lại cũng được Sacomreal và các cổ đông khác bán lại cho Gamuda Land.
Dự án nằm tại khu đất đắc địa của quận Tân Phú khi 4 mặt dự án nằm trên đường N1, đường D2 và đường Bờ Bao Tân Thắng, được quy hoạch thành 2 phân khu chính: khu căn hộ và khu tiện ích. Khu căn hộ gồm: Ruby, Emerald, Diamond Alnata, Diamond Alnata Plus, Diamond Brilliant, Diamond Centery và The Glen (Condo Villa), trong đó Ruby, Emerald đã được bàn giao cho khách hàng và cư dân vào ở từ cách đây 4- 5 năm.
Khu tiện ích gồm: Công viên cây xanh, trung tâm thương mại AEON Mall Tân Phú, khu phức hợp thể thao cùng hệ thống trường học, làng văn hóa.
Ghi nhận của PV, Toà nhà A5, A6 vừa bị phạt 900 triệu đồng mới cất nóc. Trong khi đó, hạ tầng xã hội như trường học, khu thể dục thể thao, khu làng văn hoá, trường quốc tế Á Châu đang bỏ hoang.
Dọc đường N1 trong nội khu của Celadon, khu vực Diamond Alnata và Diamond Brilliant đã cơ bản hoàn thiện. Nhân viên bán hàng tên D.L cho biết, khu vực này có 13 tầng đã bắt đầu bàn giao cho khách hàng vào ở. Một số hộ đã nhận nhà và trang trí nội thất. Giá một căn hộ 85m2 với 2 phòng ngủ dao động 4,5 tỷ đồng ở khu vực Diamond Alnata và khoảng 5,3 tỷ đồng cho khu vực Diamond.
Đối diện bên kia đường là khu Diamond Alnata Plus đang được quây rào để thi công, vừa hoàn thành cất nóc tầng 13, đang sơn bên ngoài. Theo các nhân viên bán hàng ở đây, chủ đầu tư đang hoàn thiện nội thất bên trong, dự kiến quý III/2023 sẽ bắt đầu bàn giao cho khách hàng.
PV Báo Giao thông đã đến phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú để nắm về việc quản lý tại địa bàn. Tuy vậy, bộ phận hành chính của phường này trả lời lãnh đạo bận đi họp nên để lại công văn và sẽ trả lời sau.
Báo Giao thông cũng đã gửi văn bản đến gửi Sở Xây dựng để nắm thông tin về việc vì sao dự án được giao đất nhưng không thu tiền sử dụng đất đối với hạng mục đất giao thông, công viên; dự án chưa đủ điều kiện bán nhưng Sở lại cấp giấy phép xây dựng… Tuy nhiên, đến nay chúng tôi chưa nhận được câu trả lời.
Cần cấm cửa chủ đầu tư nhờn luật
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, quy định về mua bán, huy động vốn trái phép, chiếm dụng vốn của người mua nhà... đều đã có quy định rõ trong Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.
Tuy nhiên, với doanh nghiệp bất động sản lớn, tài sản hàng nghìn tỷ, việc phạt 1 tỷ đồng với hành vi huy động, mua bán khi chưa đủ điều kiện là quá nhỏ so với số tiền doanh nghiệp thu được từ hoạt động huy động trái phép. Điều này dẫn đến hiện tượng nhờn luật, biết trái luật vẫn cố tình vi phạm.
Do đó, luật sư cho rằng, để siết chặt hiện tượng huy động vốn trái quy định, bán nhà khi chưa đủ điều kiện, chậm thực hiện giao nhà theo hợp đồng, nợ thuế như Gamuda, cần có chính sách chấm điểm năng lực, uy tín và đóng góp của chủ đầu tư với xã hội. Từ đó làm cơ sở lựa chọn chủ đầu tư cho các dự án bất động sản mới.
Khi sửa đổi Luật Đất đai tới đây, cần có cơ chế cấm cửa chủ đầu tư năng lực yếu, cố tình vi phạm pháp luật nơi sở tại, gây ra những rủi ro cho người mua nhà, nguy cơ thất thoát ngân sách, bảo vệ thị trường bất động sản lành mạnh.
“Bên cạnh đó, cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương thiếu quản lý, giám sát dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng quyền lợi chính đáng cho người mua nhà”, luật sư nói.
Link nội dung: https://biztoday.vn/thay-gi-tu-vu-gamuda-huy-dong-von-trai-phep-514792.html