Sai phạm tại dự án xây dựng cầu đường nối Bình Dương với Tây Ninh?

Thanh tra Chính phủ nêu nhiều sai phạm tại dự án xây dựng cầu và đường bắc qua sông Sài Gòn nối Bình Dương với Tây Ninh.

cau-ket-noi-1684731812.jpg Dự án xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh

Tuyến đường và cầu kết nối giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh đã chính thức khánh thành đưa vào sử dụng từ ngày 26/12/2022, đánh dấu bước tiến mới trong hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng. Việc hoàn thành tuyến đường và cầu này có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương và huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.

Tuy nhiên, mới đây Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án này về Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu cũng như Nghị định của Chính phủ.

Theo hồ sơ, ngày 23/7/2018, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Văn bản số 3363/UBND-KTTH giao cho Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh này làm chủ đầu tư và tổ chức lập báo cáo chủ trương đầu tư.

Ngày 30/11/2018, HĐND tỉnh Bình Dương thông qua tại Nghị quyết 26/NQ-HĐND.

Sau khi được thông qua, tháng 10/2020, tỉnh Bình Dương đã tiến hành khởi công xây dựng dự án.

Thanh tra Chính phủ kết luận, dự án được Bình Dương triển khai nhưng không nằm trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020, vi phạm quy định tại Điều 16 Luật Đầu tư công năm 2014.

Ngoài ra, dự án vi phạm quy định tại Điều 15 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, vi phạm tiếp Khoản 1, Điều 62 của Luật Đấu thầu năm 2013.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng kết luận dự án này lập chủ trương đầu tư, quyết định dự án không có trong quy hoạch ngành giao thông.

“Công trình Đường và cầu kết nối Tây Ninh - Bình Dương không chỉ là kết nối giữa tỉnh Tây Ninh và tỉnh Bình Dương, mà mở ra một hướng kết nối mới, không gian phát triển mới cho khu vực đến các trung tâm kinh tế, chính trị, đầu mối giao thông lớn của vùng, đến các cửa khẩu Quốc tế đi Campuchia và các nước Asean. Tây Ninh mở ra một hướng mới để tiếp cận các trung tâm vận tải thủy, bộ và hàng không như: hệ thống cảng biển, trong tương lai là sân bay quốc tế Long Thành… Đặc biệt, tuyến hình thành một hành trình mới giúp chia sẻ vận chuyển hàng hóa trong vùng thuận lợi vì không phải đi qua thành phố Hồ Chí Minh hiện đang quá tải về giao thông.

Link nội dung: https://biztoday.vn/sai-pham-tai-du-an-xay-dung-cau-duong-noi-binh-duong-voi-tay-ninh-517034.html