Thanh tra Chính phủ kết luận sai phạm EVN
Năm 2014, Thanh tra Chính phủ công bố kết quả thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Theo kết luận, bên cạnh những ưu điểm, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra những khuyết điểm, vi phạm của Tập đoàn này như công ty mẹ EVN đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ hơn 45.000 tỷ đồng; đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán không đúng quy định hơn 1.900 tỷ đồng…
“EVN chưa thực hiện đúng quy định của Thông tư số 117/2010/TT – BTC và Quyết định số 1876/QĐ – BTC. Hiệu quả đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp chưa mang lại hiệu quả kinh tế ” – Thanh tra Chính phủ kết luận.Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, năm 2011, hệ số giữa nợ phải trả và vốn điều lệ của Công ty mẹ EVN là 2,741 lần, hệ số nợ giữa nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ EVN là 3,246 lần, Công ty mẹ EVN chưa cân đối được nguồn vốn để trả các khoản nợ quá hạn thanh toán.
Tại thời điểm thanh tra, Công ty mẹ EVN và các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ EVN chưa nộp về Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng Trung ương và địa phương tiền phí dịch vụ môi trường rừng với số tiền hơn 533,1 tỷ đồng. Số tiền này, trong quá trình thanh tra, Công ty mẹ EVN đã nộp về Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng Trung ương.
Thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng tài sản tại các đơn vị thành viên, kết luận cũng chỉ ra hàng loạt các vi phạm như: Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia không bảo toàn được vốn nhà nước trong năm 2011; chỉ định thầu chưa đúng quy định tại gói thầu với tổng trị giá 299,4 tỷ đồng; chưa thực hiện phạt chậm tiến độ đối với các dự án theo quy định…; Tổng Công ty Điện lực Hà Nội không bảo toàn được vốn trong năm 2011, vốn đầu tư của chủ sở hữu giảm 328,7 tỷ đồng; Tổng Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc và Tổng Công ty Điện lực Miền Nam đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính với tổng số tiền lên tới gần 400 tỷ đồng; Tổng Công ty Điện lực Miền Trung trích thiếu dự phòng phải thu khó đòi số tiền hơn 3,4 tỷ đồng…
Hay, đối với việc đầu tư vào EVN Telecom, đến thời điểm bàn giao tài sản cho Viettel, EVN đã đầu tư vào công ty này hơn 2.425 tỉ đồng và EVN Telecom đã lỗ đến gần 3.000 tỉ đồng dẫn đến việc mất vốn nhà nước toàn bộ số tiền đã đầu tư. Nguyên nhân thua lỗ được xác định do lãnh đạo EVN và EVN Telecom đã có khuyết điểm trong việc tổ chức nghiên cứu đánh giá, lựa chọn công nghệ, mô hình tổ chức kinh doanh chưa phù hợp, các tổng công ty điện lực vừa kinh doanh điện vừa kinh doanh viễn thông nên không chuyên nghiệp.
Mặc dù thua lỗ như vậy, đáng ra EVN phải làm hết sức mình để cắt giảm thua lỗ, bù lại những thiệt hại cho Nhà nước trong việc chuyển giao EVN Telecom nhưng EVN không thực hiện như vậy mà còn thỏa thuận không thu phí trong vòng 30 năm đối với toàn bộ hệ thống cáp viễn thông chuyển giao sang Viettel, các tuyến cáp của Viettel đã, đang và sẽ triển khai trong toàn bộ hệ thống cột điện của EVN trong hiện tại và tương lai.
Thỏa thuận này đã tạo điều kiện cho Viettel giảm được giá thành dịch vụ viễn thông, tăng doanh thu tương ứng trên 354 tỉ đồng/năm (hơn 10.628 tỉ đồng trong 30 năm). Cũng trong việc thực hiện việc chuyển giao EVN Telecom, tính đến thời điểm thanh tra, Viettel chưa chi trả cho EVN khoản công nợ theo các cam kết của hợp đồng đã ký với số tiền hơn 11.000 tỉ đồng. Theo thỏa thuận này, Viettel phải chi trả trong năm năm, vào ngày 31/3 hằng năm. Như vậy, EVN “biếu không” Viettel gần 10.000 tỷ đồng.
Và trong công tác đào tạo, EVN và khoa sau đại học, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký hợp đồng đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh cho 164 cán bộ thuộc EVN. Số tiền đã thanh toán cho khoa sau đại học là 1,648 triệu USD, các chi phí khác phục vụ việc đào tạo gần 500 triệu đồng. Thực tế, khoa sau đại học, Đại học Quốc gia Hà Nội lại giao cho Trung tâm Công nghệ đào tạo và hệ thống việc làm (ETC) thực hiện hợp đồng. ETC liên kết với Đại học Griggs của Mỹ đào tạo và cấp bằng. Toàn bộ số tiền đào tạo đều đã được chuyển cho ETC và Đại học Griggs. Tuy nhiên, bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của trường này cấp chưa được cơ quan nhà nước của Việt Nam công nhận.
Tổng giám đốc và nguyên Chủ tịch EVN cùng bị kỷ luật
Năm 2012, Thủ tướng đã ký quyết định về việc thi hành kỷ luật Tổng giám đốc và nguyên Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Cụ thể, tại văn bản 2093/QĐ-TTg, Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Phạm Lê Thanh, Thành viên Hội đồng Thành viên kiêm Tổng giám đốc EVN vì có vi phạm trong việc để Công ty Viễn thông Điện lực (EVN Telecom) kinh doanh thua lỗ gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại văn bản 2094/QĐ-TTg, Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Đào Văn Hưng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN vì có vi phạm trong việc để EVN Telecom kinh doanh thua lỗ gây hậu quả nghiêm trọng. Trước đó, tháng 2/2012, Thủ tướng đã ký quyết định miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch EVN đối với ông Đào Văn Hưng, quyết định sau đó được Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam lý giải là một phần do liên đới đến kết quả sản xuất kinh doanh tại EVN Telecom.
Trước đây, ông Hưng từng là Tổng giám đốc EVN, sau đó nhậm chức chức Chủ tịch Hội đồng quản trị vào tháng 10/2007. Đến tháng 2/2011, sau khi EVN chuyển đổi mô hình hoạt động thành Công ty TNHH Một thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ông Hưng tiếp tục được Thủ tướng phê chuẩn giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN.
Tuy nhiên, dưới thời ông Hưng điều hành, EVN đầu tư ngoài ngành hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng lợi nhuận thu về chỉ vỏn vẹn vài trăm tỷ. Năm 2011, EVN lỗ hơn 3.000 tỷ đồng, năm 2010, doanh nghiệp cũng lỗ tới 8.000 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, trong thời kỳ ông Hưng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên, đặc biệt là vài năm gần đây, EVN cũng như một số công ty con trực thuộc hoạt động kém hiệu quả.
EVN lỗ hơn 26.000 tỷ đồng, Chủ tịch EVN Dương Quang Thành nghỉ hưu
Ngày 31/3, Bộ Công thương họp báo “Công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tại họp báo, ông Trần Hồng Phương, Trưởng phòng Giá và phí (Cục Điều tiết điện lực) cho biết, báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán bởi Công ty TNHH Deloitte Việt Nam.
Theo đó, năm 2022, tính chung các chi phí, giá thành sản xuất điện năm 2022 là 2.032,26 đồng, cao hơn mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành 167,82 đồng (giá điện hiện nay là 1.864,44 đồng), tăng 9,27% so với năm 2021 (năm 2021 là 1.859,9 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020). Do đó, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294,15 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058,36 tỷ đồng. Nhờ đó, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện giảm lỗ còn 26.235,78 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).
Tình hình tài chính khó khăn, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, nguyên nhân chính là giá than (tăng khoảng 4 lần) và giá dầu (tăng gấp đôi) tăng cao. Với khoản lỗ trên, ông Nam cho biết, đó là sự cố gắng rất lớn của EVN khi không chỉ tiết giảm và còn cắt giảm nhiều chi phí khác… Ông Nam cho biết, EVN đã kiến nghị tăng giá điện trong năm nay.
Ngoài ra, EVN đã tính toán tình hình tài chính cho năm 2023 còn u ám hơn năm qua rất nhiều. Theo đó, năm nay, Công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia dự kiến lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 64.941 tỷ đồng, nếu giá bán lẻ điện giữ như hiện hành.
Trong đó, 6 tháng đầu năm EVN dự kiến lỗ 44.099 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm dự kiến lỗ 20.842 tỷ đồng. Như vậy, cùng với số lỗ của năm 2022 (28.876 tỷ đồng) thì tổng lỗ sản xuất kinh doanh EVN luỹ kế 2 năm 2022 và 2023 lên tới hơn 93.000 tỷ đồng.
Hiện nay, Tập đoàn điện lực EVN đang “gồng” lỗ. Có thể khẳng định rằng, các khoản lỗ nặng của EVN hiện nay xuất phát từ thời ông Dương Quang Thành lên làm Chủ tịch HDQT EVN.
Và vừa qua, ông Dương Quang Thành đã hạ cánh “an toàn” khi chính thức nghỉ hưu từ 1/5. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 299/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành nghỉ hưu.
Ông Dương Quang Thành sinh ngày 15/7/1962, quê ở huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Ông là tiến sĩ kinh tế, trình độ lý luận chính trị cao cấp. Ông đã tốt nghiệp Thạc sĩ Học viện Công nghệ châu Á (AIT – Thái Lan) năm 1995 và hoàn thành chương trình tiến sỹ kinh kế tại trường Đại học Bách Khoa năm 2002. Ông Dương Quang Thành có thời gian hơn 30 năm công tác trong ngành điện, trong đó gần 20 năm công tác tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Dương Thái Anh được bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên Tập đoàn EVN
Theo tìm hiểu, Dương Thái Anh (sinh năm 1998, quê Quảng Bình) có trình độ Cử nhân Kinh tế và Quan hệ quốc tế; Trung cấp lý luận chính trị. Dương Thái Anh vừa du học về đã “được” vô làm việc tại EVN. Được biết Thái là con trai của ông Dương Quang Thành, cựu Chủ tịch HĐTV EVN.
Vừa vô làm việc thời gian, Dương Thái Anh là cái tên gây “sốt” khi tuổi trẻ tài cao trúng cử ngay Bí thư Đoàn Thanh niên Tập đoàn EVN. Tiếp đó, tại Đại hội Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương, nhiệm kỳ 2022 – 2027, anh Thái Anh được bầu vào Ban Chấp hành Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương.
Đến cuối năm 2022, tại phiên thứ tư Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 – 2027, bầu 144 cán bộ tham gia Ban Chấp hành T.Ư Đoàn khóa XII, nhiệm kỳ 2022 – 2027. Con trai ông Dương Quang Thành trúng cử. Thái Anh còn ủy viên trẻ nhất trong số 144 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XII.
Link nội dung: https://biztoday.vn/tap-doan-dien-luc-viet-nam-tung-dinh-nhieu-sai-pham-nhan-an-thanh-tra-526258.html