VN-Index tăng điểm nhờ dòng tiền lớn
Đặc điểm lớn nhất mà nhà đầu tư cần chú ý về mặt dòng tiền là hiện tượng liên tục mở khoảng trống giá (gap) của VN-Index, dù tâm lý thị trường chưa quá hưng phấn. Đây có thể coi là dấu hiệu chuyển dịch của dòng tiền vào thị trường chứng khoán. Một phần đến từ dòng tiền gửi tiết kiệm sau khi các sổ tiết kiệm với mức lãi suất cao trước đó dần đáo hạn, còn lãi suất hiện tại không thực sự hấp dẫn. Một phần là sự thay đổi về mặt quan điểm của dòng tiền lớn trong nước, với hàng loạt tổ chức dự báo VN-Index sẽ tăng điểm trong năm 2023.
Trong phiên cuối tuần qua, tin đồn tiêu cực về một số ngân hàng được lan truyền trên mạng xã hội, khiến cổ phiếu STB và OCB điều chỉnh mạnh, dẫn tới nhịp rũ VN-Index hơn 10 điểm ngay trong phiên. Thế nhưng, sự dồi dào của dòng tiền chờ mua một lần nữa được thể hiện, dẫn tới nhịp hồi phục xảy ra chóng vánh trong 30 phút cuối phiên. “Cây nến ngày” chưa thể chấm dứt toàn bộ áp lực chốt lời, nhưng là cơ sở để nhà đầu tư tiếp tục lựa chọn các cổ phiếu có câu chuyện đơn lẻ, mà không quá lo lắng tới rủi ro thị trường.
Ngành thép: Xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh
Thị trường chứng khoán Mỹ duy trì đà tăng trong tuần qua khi đón nhận thông tin chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2023 hạ nhiệt từ mức tăng 4% trong tháng 5 và mức tăng 4,9% trong tháng 4, cùng sự hỗ trợ của các dữ liệu khác như chỉ số nhà ở và chỉ số xây dựng hồi phục trong 1 - 2 tháng gần đây.
Yếu tố này trở nên quan trọng đối với kinh tế Việt Nam, đặc biệt là kênh xuất khẩu khi Mỹ là một trong những thị trường thương mại lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, sắt thép các loại ghi nhận sản lượng xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 6 cao gấp 3 lần tháng 5.
Nhìn lại số liệu quá khứ, 2 quý cuối năm 2022, các doanh nghiệp hàng đầu ngành thép là HPG, HSG, NKG đều ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận âm so với cùng kỳ và trải qua giai đoạn khắc nghiệt nhất của ngành. Điều này đến từ sự “đóng băng” kéo dài của ngành xây dựng và thị trường bất động sản. Nhu cầu sử dụng trong nước, châu Âu hay Trung Quốc đều sụt giảm, khiến các doanh nghiệp phải xử lý lượng lớn hàng tồn kho giá cao. Tuy nhiên, sang năm 2023, đặc biệt là 2 tháng gần đây, các doanh nghiệp đều đã thoát lỗ và có sự hồi phục rõ rệt về mặt sản lượng.
Lượng hàng tồn kho giá cao được các doanh nghiệp chủ động trung bình giá khi giá thép giảm về vùng giá đáy và sử dụng gần hết trong vòng quay gần nhất. Áp lực trích lập hàng tồn kho trong những quý tới sẽ giảm, trong khi sản lượng xuất khẩu sang các thị trường chính bắt đầu tăng.
Trong tháng 6/2023, số liệu xuất khẩu sang thị trường chính của các doanh nghiệp thép như HSG, NKG là châu Âu và ASEAN giữ ở mức hồi phục trung bình. Tuy nhiên, thị trường Mỹ trở thành điểm sáng với con số tăng gấp 3 lần lượng nhập khẩu thép từ Việt Nam. Nhu cầu tái xây dựng các nhà máy và nhà ở của Mỹ dần trở lại trong bối cảnh vĩ mô tích cực hơn.
Với kỳ vọng kinh tế Mỹ mới chỉ ở giai đoạn khởi điểm của kỳ vọng đảo chiều chu kỳ, các doanh nghiệp thép Việt Nam có nhiều tiềm năng đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu sang thị trường lớn này. Trong khi đó, giá thép cuộn cán nóng bên Mỹ duy trì vùng giá cao từ 900 - 1.000 USD/tấn, cao hơn khoảng 300 - 400 USD/tấn so với thị trường châu Á, cũng như so với tại Việt Nam.
Kết hợp kỳ vọng từ thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa khi Việt Nam liên tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và ban hành nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản, ngành thép trở nên triển vọng hơn trong 2 quý cuối năm 2023. Một số cổ phiếu thép đáng quan tâm là HSG, NKG.
Link nội dung: https://biztoday.vn/ngay-197-he-thong-giao-dich-trai-phieu-doanh-nghiep-phat-hanh-rieng-le-se-di-vao-hoat-dong-547163.html