Tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, đẩy lùi "tín dụng đen" tại khu vực nông thôn

Hệ thống ngân hàng với mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp đến tận thôn bản, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tích cực hạn chế người dân tìm đến các nguồn “tín dụng đen”.

Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng như khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, góp phần hạn chế, đẩy lùi tình trạng tín dụng đen và trao tặng an sinh xã hội, ngày 17/10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Công an tổ chức Hội nghị “Tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen và trao tặng an sinh xã hội” tại tỉnh Hoà Bình.

Tín dụng đen

Theo Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu đời sống của người dân, doanh nghiệp, góp phần cùng với Bộ Công an đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen.

NHNN đã chủ động khảo sát tại một số tỉnh, thành phố là điểm nóng về tín dụng đen, tổ chức các hội nghị bàn về các giải pháp nhằm mở rộng tín dụng, hạn chế tín dụng đen, phối hợp với các tổ chính chính trị - xã hội nhằm tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn chính thức cho người dân. Đồng thời, không ngừng hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến. NHNN cũng chỉ đạo TCTD mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng qua các kênh tín dụng chính thức. Các TCTD đã đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Mạng lưới TCTD, các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng miền được mở rộng và phát triển nhằm gia tăng tiếp cận dịch vụ đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt là người thu nhập thấp, người yếu thế trong xã hội, người chưa có tài khoản ngân hàng, qua đó góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được tăng cường, cùng với việc chỉ đạo hệ thống ngân hàng quản lý cán bộ, nhân viên không tham gia các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”. Đặc biệt, ngành Ngân hàng đã tăng cường truyền thông cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân, giải đáp nhiều kiến nghị, cảnh báo các hệ lụy để người dân tránh “tín dụng đen” (gồm cả hình thức cho vay trực tuyến theo mô hình P2P Lending).

Với các giải pháp tích cực nêu trên, hệ thống ngân hàng với mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp đến tận thôn bản, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tích cực hạn chế người dân tìm đến các nguồn “tín dụng đen”.

Tính đến 30/9/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8,69 triệu tỷ đồng, tăng 6,09% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,4%). Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, đến cuối tháng 9/2020, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (là nơi dễ phát sinh hoạt động “tín dụng đen”) ước đạt 2,12 triệu tỷ đồng với 14,17 triệu khách hàng còn dư nợ, chiếm 24,67% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 5% so với cuối năm 2019. Các TCTD cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, với dư nợ ước đến cuối tháng 8/2020 đạt hơn 1,71 triệu tỷ đồng, chiếm 19,98% dư nợ nền kinh tế, tăng 2,37% so với cuối năm 2019. Chương trình cho vay tiêu dùng 5.000 tỷ đồng của Agribank (khách hàng có nhu cầu vốn chính đáng được giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng), đến cuối tháng 9/2020 đã cho 408.898 lượt khách hàng vay vốn, doanh số cho vay đạt 18.645 tỷ đồng, dư nợ đạt 2.525 tỷ đồng.

Bên cạnh nguồn vốn tín dụng thương mại, NHCSXH đang triển khai 20 chương trình tín dụng ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách với dư nợ đến cuối tháng 8/2020 đạt khoảng 221.515 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2019, với hơn 6,5 triệu lượt khách hàng còn dư nợ .

Tín dụng đen
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Ngành Ngân hàng đã tăng cường truyền thông cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân, giải đáp nhiều kiến nghị, cảnh báo các hệ lụy để người dân tránh “tín dụng đen”

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành và triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen. Cụ thể: tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp; đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ khôi phục nền kinh tế sau giai đoạn Covid-19; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các TCTD, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm liên quan đến “tín dụng đen”.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, để góp phần hạn chế tín dụng đen, nhất là tại địa bàn nông thôn, bên cạnh các giải pháp ngành ngân hàng nhằm tăng cường các kênh cung cấp tín dụng chính thức, cần có sự tham gia đồng bộ của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội. Vì vậy, các Bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp triển khai quyết liệt các giải pháp tăng cường nhận thức của người dân về phương thức, thủ đoạn, tác hại của “tín dụng đen”; đề ra các giải pháp đồng bộ trong công tác phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ và công tác đánh giá chứng cứ; có chế tài đủ sức răn đe đối với các đối tượng tham gia đường dây, có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” hoặc các đối tượng tham gia giới thiệu, tuyên truyền cho “tín dụng đen”.

Thùy Linh

TagTag:

Tin mới hơn

VPBank kỳ vọng nhiều mục tiêu chính 2020 sẽ vượt mức dự đoán đặt ra từ đầu năm VPBank kỳ vọng nhiều mục tiêu chính 2020 sẽ vượt mức dự đoán đặt ra từ đầu năm Tỷ giá ngoại tệ ngày 20/10: Đồng USD đảo chiều Tỷ giá ngoại tệ ngày 20/10: Đồng USD đảo chiều BHXH Việt Nam: Hưởng ứng phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" BHXH Việt Nam: Hưởng ứng phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" Chín tháng đầu năm 2020: Phát hành 303.800 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp Chín tháng đầu năm 2020: Phát hành 303.800 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp

Tin cũ hơn

MB Priority: Làm giàu cuộc sống cho bạn LienVietPostBank: Tăng vốn điều lệ từ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức Tỷ giá ngoại tệ ngày 19/10: Đầu tuần, đồng USD tăng giá nhẹ Các tỉnh thành phía Nam: Hút làn sóng đầu tư từ Nhật Bản Vai trò của Giám đốc tài chính thay đổi vì đại dịch Covid-19 Tập đoàn Bảo Việt - 8 năm liên tiếp dẫn đầu ngành Bảo hiểm trong Top 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2020 (Forbes)
[Xem thêm]

Link nội dung: https://biztoday.vn/tang-kha-nang-tiep-can-von-ngan-hang-day-lui-tin-dung-den-tai-khu-vuc-nong-thon-5744.html