Báo cáo cho thấy, ASEAN vẫn được xem là khu vực có cơ hội phát triển kinh tế tốt nhất. Tuy nhiên, có sự sụt giảm về cảm nhận tích cực đối với môi trường kinh doanh tại ASEAN. Theo đó, 56% doanh nghiệp EU có kế hoạch mở rộng hoạt động tại ASEAN, giảm nhẹ so với mức 61% của năm 2019.
72% doanh nghiệp EU khảo sát đang ở Việt Nam cho biết vẫn có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh |
Mặc dù vậy, có 72% doanh nghiệp khảo sát đang ở Việt Nam cho biết có kế hoạch mở rộng hoạt động. 63% doanh nghiệp khảo sát đang ở Việt Nam hài lòng với cách ứng phó với Covid-19 của chính phủ.
Cũng theo báo cáo, 53% số doanh nghiệp khảo sát coi ASEAN là khu vực có cơ hội kinh tế tốt nhất (trong khi đó năm 2019 là 63%), 47% số doanh nghiệp khảo sát cho biết đang xem xét việc tổ chức lại chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19, trong đó ASEAN, châu Âu và Trung Quốc là những điểm đến hàng đầu, 73% doanh nghiệp khảo sát dự kiến sẽ mở rộng mức độ thương mại và đầu tư hiện tại vào ASEAN trong 5 năm tới.
Chỉ có 2% doanh nghiệp cảm thấy tiến độ hội nhập kinh tế của ASEAN đang phù hợp với mong đợi và 4% số doanh nghiệp khảo sát cho rằng thủ tục hải quan tại ASEAN được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả. 62% số doanh nghiệp khảo sát hiện đang sử dụng các chuỗi cung ứng cho biết họ phải đối mặt với nhiều rào cản khiến họ chưa sử dụng hiệu quả được các chuỗi cung ứng tại ASEAN. 98% số doanh nghiệp khảo sát mong muốn EU đẩy nhanh đàm phán FTA với ASEAN và các quốc gia thành viên.
Năm 2020, 98% số doanh nghiệp khảo sát mong muốn EU đẩy nhanh đàm phán FTA với ASEAN và các quốc gia thành viên, trong khi đó năm 2019 là 96%, năm 2018 là 96% |
Ông Donald Kanak - Chủ tịch Hội đồng kinh doanh EU-ASEAN - cho biết: Cuộc khảo sát năm nay khẳng định ASEAN vẫn được coi là khu vực có cơ hội phát triển kinh tế tốt nhất; tuy nhiên, như đã dự kiến trong thời kỳ khủng hoảng Covid-19, triển vọng về tăng cường thương mại và đầu tư có dấu hiệu sụt giảm.
Cuộc khảo sát năm nay đặt câu hỏi những khu vực nào trong thời kỳ hậu Covid-19 sẽ có khả năng thu hút đầu tư nhiều hơn vào chuỗi cung ứng. Mặc dù ASEAN nhận được nhiều ý kiến biểu quyết nhất, các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như châu Âu và Trung Quốc cũng nhận được nhiều ý kiến biểu quyết.
“Gần một nửa số doanh nghiệp khảo sát kỳ vọng rằng chuỗi cung ứng sẽ được tổ chức lại hậu Covid-19. Điều này càng nhấn mạnh vai trò quan trọng thiết yếu của việc hoàn thành nốt các công việc còn dang dở về hội nhập kinh tế ASEAN và thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại đối với sự phục hồi bền vững của ASEAN sau suy thoái kinh tế” - ông Kanak cho biết thêm.
Cũng theo kết quả khảo sát, các chuyên gia của Hội đồng Kinh doanh EU - ASEAN cho rằng, tiến trình hội nhập kinh tế ASEAN dường như đang chững lại. ASEAN và các quốc gia thành viên cần tăng tốc hơn nữa để hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch tổng thể về xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến năm 2025.
Chris Humphrey - Giám đốc Điều hành của Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN - cho biết, các doanh nghiệp châu Âu hiện đang chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh nhằm đảm bảo phù hợp với bối cảnh quốc gia, thay vì chờ đến khi có tiến triển đáng kể về hội nhập kinh tế khu vực. Tuy nhiên, họ cũng rất quan ngại về tình trạng thiếu tiến triển trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp theo với khu vực ASEAN, và đặc biệt là FTA EU-ASEAN ở cấp khu vực. Có thể thấy rõ rằng các doanh nghiệp châu Âu mong muốn Ủy ban châu Âu đẩy mạnh tốc độ đàm phán và hợp tác với khu vực Đông Nam Á.
Link nội dung: https://biztoday.vn/72-doanh-nghiep-eu-tai-viet-nam-co-ke-hoach-mo-rong-hoat-dong-kinh-doanh-5767.html