Sức khỏe loạt ngân hàng sắp lên sàn HoSE

HoSE chấp thuận niêm yết cổ phiếu cho 2 ngân hàng gồm VIB và LienVietPostBank, đồng thời sàn giao dịch này cũng thông báo đã nhận hồ sơ niêm yết của MSB và ACB.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) gần đây liên tục ra thông báo về việc chấp thuận niêm yết cổ phiếu cho 2 nhà băng VIB và LienVietPostBank. Đồng thời, HoSE cũng nhận hồ sơ niêm yết của MSB và ACB.

Trong đó, VIB dự kiến đưa hơn 924,49 triệu cổ phiếu từ sàn UPCOM sang HoSE, nhà băng này cũng đã thông qua việc huỷ đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Với LienVietPostBank nhà băng dự kiến niêm yết gần 979 triệu cổ phiếu LPB trên HoSE, tương ứng vốn điều lệ 9.769 tỷ đồng. Ngân hàng cũng có kế hoạch chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài 4,99% vốn sau chuyển sàn.

Thị giá nhóm ngân hàng sắp lên sàn HoSE ra sao?

Trong 4 nhà băng kể trên, duy nhất MSB chưa niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung (HoSE, HNX, UPCOM), còn lại VIB, LienVietPostBank và ACB đều đã giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Trong đó, ACB hiện niêm yết trên HNX và VIB cùng LienVietPostBank niêm yết trên UPCOM.

Đến cuối ngày 20/10, giá cổ phiếu ACB đang giao dịch ở mức 25.300 đồng/cổ phiếu, tương đương với vốn hóa thị trường gần 54.700 tỷ đồng. Nhà băng này hiện cũng là doanh nghiệp có vốn hóa cao nhất sàn HNX.

Xét riêng trong các ngân hàng đã niêm yết, giá cổ phiếu ACB hiện cao thứ 6 sau Vietcombank, BIDV, Vietinbank, VIB, và TPBank. Tuy nhiên, tính trong 6 tháng gần nhất, thị giá ACB đã tăng gần 60%.

Kế hoạch chuyển sàn lần này của ACB đi kèm với kỳ vọng rất lớn của các ông chủ ngân hàng về việc cổ phiếu sẽ được đưa vào nhiều rổ chỉ số quan trọng với tỷ trọng đáng kể như VN30 (khoảng 4%), VNDIAMOND (10%), VNFINSELECT (12%), VNFINLEAD (12%)... từ đó có thể làm tăng giá trị thị trường của cổ phiếu.

THỊ GIÁ CỔ PHIẾU MỘT SỐ NGÂN HÀNG NIÊM YẾT
Nguồn: HSX, HNX, UPCOM
Nhãn Vietcombank BIDV VietinBank VIB TPBank ACB HDBank VPBank Techcombank MBBank SHB Sacombank LienVietPostBank Kienlongbank VietBank
Thị giá ngày 20/10 đồng/cổ phiếu 87700 42000 32100 33600 25650 25300 25300 24800 23900 18700 15800 14200 12400 12400 11700

Trong khi đó, VIB và LienVietPostBank có vốn hóa tầm trung trên sàn UPCOM nhưng là 2 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất trong lĩnh vực tài chính bảo hiểm niêm yết trên sàn này.

Tính đến cuối ngày hôm nay, VIB giao dịch ở mức 33.300 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hóa hơn 31.000 tỷ đồng, trong khi LPB của LienVietPostBank đóng cửa ở mức 12.300 đồng/cổ phiếu với vốn hóa hơn 12.300 tỷ đồng.

Tuy thị giá ở hai vùng khác nhau nhưng so với nửa năm trước, bộ đôi cổ phiếu ngân hàng này đều đang là nhóm tăng giá mạnh với mức tăng hơn gấp đôi tại VIB và trên 70% tại LienVietPostBank.

Theo lãnh đạo LienVietPostBank, tiến độ chuyển sàn cổ phiếu LPB sẽ sớm hơn so với các ngân hàng khác 1-2 tháng, dự kiến đầu tháng 11 cổ phiếu LPB sẽ chào sàn HOSE. Giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên được xác định bằng bình quân 20 phiên giao dịch cuối cùng trên sàn UPCOM.

Theo lãnh đạo ngân hàng, việc chuyển cổ phiếu sang sàn HoSE dự kiến cũng nâng tầm thương hiệu, giá trị của LienVietPostBank trong mắt nhà đầu tư. Việc chuyển sàn cũng giúp thanh khoản của LPB cải thiện hơn nhiều so với thời gian giao dịch trên UPCoM 2 năm qua. Điều này dự kiến tạo thuận lợi hơn cho cổ đông, nâng giá trị cổ phiếu và hỗ trợ ngân hàng trong việc phát hành tăng vốn.

Các nhà băng đang làm ăn ra sao?

Với vốn điều lệ mới tăng lên 21.616 tỷ và tổng tài sản gần 400.000 tỷ đồng, ACB hiện nằm trong nhóm ngân hàng tư nhân cỡ lớn. Quy mô tài sản nhà băng này hiện tương đương với VPBank, SHB, Techcombank và MBBank (trên dưới 400.000 tỷ đồng).

Nhà băng này từng nằm trong top 3 ngân hàng tư nhân có lợi nhuận cao nhất trong nước trước giai đoạn 2011-2012. Tuy nhiên, trong khi nhiều đối thủ liên tục tăng trưởng nhanh thì lợi nhuận trước thuế của ACB gần như đi ngang trong suốt những năm 2012-2016.

Hai năm gần nhất, lợi nhuận của ACB mới ghi nhận tăng trưởng mạnh, đặc biệt là lãi trước thuế năm 2018 tăng 2,4 lần năm 2017, đạt gần 6.400 tỷ. Đến năm 2019, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này tăng thêm 17%, đạt trên 7.500 tỷ đồng.

KẾT QUẢ KINH DOANH HÀNG NĂM CỦA ACB

Nhãn 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018 2019 2020KH
Lợi nhuận trước thuế tỷ đồng 4203 1043 1036 1215 1314 1667 2656 6389 7516 7636

Theo báo cáo tài chính quý II/2020, do chi phí dự phòng 6 tháng của ngân hàng tăng hơn 5 lần (trên 532 tỷ) nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 17% nhưng lãi trước thuế của ACB lại chỉ tăng 5% so với cùng kỳ, đạt 3.820 tỷ.

Đến cuối quý II, ACB có tổng tài sản 396.760 tỷ, tăng 3,5% so với đầu năm. Số dư tiền gửi của khách hàng đạt 330.550 tỷ, tăng 7,3% và số dư cho vay khách hàng đạt 283.755 tỷ, tăng 5,6%. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay dưới 1%.

Trong khi đó, với vốn điều lệ dưới 10.000 tỷ và tổng tài sản trên 200.000 tỷ đồng LienVietPostBank và VIB là 2 nhà băng tư nhân cùng nhóm tầm trung trong hệ thống.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý III, VIB ghi nhận 7.854 tỷ đồng doanh thu sau 9 tháng từ đầu năm, tăng 34% so với cùng kỳ. Ngân hàng thu về khoản lợi nhuận trước thuế đạt 4.025 tỷ đồng, tăng 38%.

Tại ngày 30/9, tổng tài sản của ngân hàng đạt trên 213.000 tỷ, dư nợ tín dụng đạt 151.000 tỷ, tăng 14,2% so với đầu năm và là một trong những ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống. Tỷ lệ nợ xấu cùng thời điểm của VIB ở mức dưới 2%.

Trong hoạt động kinh doanh, thế mạnh lớn nhất của VIB là việc đứng đầu thị phần cho vay mua ôtô trong nước (trên 25%). Ngân hàng này còn chiếm thị phần số một (80%) trong mảng bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng của Prudential. Ngoài ra, VIB hiện không có công ty con nên toàn bộ hoạt động đều tập trung vào ngân hàng mẹ.

Những năm gần đây, VIB là một trong số ít ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận 6 năm liên tiếp (từ 2013). Đặc biệt, lợi nhuận ngân hàng tăng mạnh từ 2017 đến nay với mức bình quân trên 80%/năm.

LỢI NHUẬN TRƯỚC THUẾ 5 NĂM GẦN NHẤT
Nguồn: BCTC NH
Nhãn 2015 2016 2017 2018 2019 2020KH
MSB tỷ đồng 158 164 164 1053 1288 1439
LienVietPostBank
422 1348 1768 1213 2039 1700
VIB
655 702 1405 2742 4082 4500

Báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh của LienVietPostBank cho biết lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt hơn 1.740 tỷ, vượt kế hoạch cả năm nay và cao hơn 6% so với cùng kỳ. Ước tính, riêng quý III, nhà băng này đã lãi 736 tỷ đồng, tăng 42%.

Lãnh đạo nhà băng cho biết với dự báo nền kinh tế phục hồi trong quý cuối năm, nhu cầu vay vốn kinh doanh, tiêu dùng tăng trở lại, LienVietPostBank ước tính lợi nhuận trước thuế năm nay sẽ vượt 2019 và đạt mức cao nhất 12 năm hoạt động.

Tính đến 30/9, vốn điều lệ của ngân hàng đạt 9.769 tỷ đồng, tổng tài sản là 214.000 tỷ. Trong đó, huy động thị trường 1 đạt 175.000 tỷ và cho vay thị trường 1 là 160.000 tỷ đồng.

Thế mạnh lớn nhất của LienVietPostBank chính là hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp cả nước thông qua hệ thống bưu điện địa phương.

Nhà băng này hiện có hệ thống phòng giao dịch lớn thứ 2 cả nước với 1 hội sở chính, 3 văn phòng đại diện, 76 chi nhánh và 463 phòng giao dịch, cùng với 673 phòng giao dịch bưu điện (chỉ sau Agribank với hơn 2.200 điểm).

Tuy nhiên, lợi nhuận hàng năm của LienVietPostBank lại khiêm tốn hơn nhiều so với các ngân hàng cùng quy mô. Trừ năm 2019 đạt trên 2.000 tỷ lợi nhuận trước thuế, số tiền lãi giai đoạn 2016-2018 của ngân hàng đều dưới mốc này. Thậm chí, lợi nhuận giai đoạn 2012-2015 của ngân hàng không năm nào đạt trên 1.000 tỷ.

Link nội dung: https://biztoday.vn/suc-khoe-loat-ngan-hang-sap-len-san-hose-5911.html