Thấy gì từ cuộc chơi trái phiếu của Techcombank?

Techcombank cho biết, không có áp lực lợi nhuận và tăng vốn, nhưng thực tế cuộc chơi với trái phiếu của ngân hàng này có vẻ như đang phản lại phát ngôn lãnh đạo.

Cả lợi nhuận và vốn phải dựa phải trái phiếu

Hồi cuối năm 2018, trả lời báo chí, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Techcombank cho biết không có áp lực về lợi nhuận cho những năm tiếp theo.

Để đạt kết quả như hiện tại, Techcombank đã xây dựng nền tảng từ 5 đến 6 năm trước. Trong những năm này, doanh thu của ngân hàng đều tăng 25-30% mỗi năm và lẽ ra lợi nhuận cũng phải tăng tương ứng. Tuy nhiên, khi đó, Hội đồng quản trị Techcombank quyết định mỗi năm đều trích lợi nhuận để giải quyết nhanh nợ xấu tồn đọng.

Do trích dự phòng liên tục trong nhiều năm nên dự kiến đến năm 2019, cơ bản ngân hàng không còn nợ xấu từ nhiều năm trước mà chỉ còn những khoản nợ mới phát sinh trong thời gian gần đây. Ngoài ra, nợ xấu những năm trước khi xử lý bằng quỹ dự phòng rủi ro thì nay ngân hàng thu lại được, giúp làm giảm thêm tỷ lệ nợ xấu hiện tại.

Có thể nói lợi nhuận ngày hôm nay Techcombank có được là thành quả của việc hy sinh lợi nhuận ngân hàng để giải quyết nợ xấu từ những năm trước. Nói cách khác, lợi nhuận bản chất đã được dồn đắp từ nhiều năm trước.

Báo cáo tài chính cho thấy, nợ xấu của Techcombank đã tăng thêm 17,8% trong 6 tháng qua – cao hơn chút ít so với mức tăng tín dụng. Trong đó nợ dưới chuẩn tăng gần gấp 3 lần, còn nợ có khả năng mất vốn tăng 33,5% và nợ nghi ngờ giảm 55%. Tổng cộng ngân hàng có hơn 3.300 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 1,22% trên dư nợ cho vay khách hàng, trong khi cuối năm 2018 chỉ có hơn 2.800 tỷ đồng nợ xấu ứng với tỷ lệ 1,06% dư nợ khách hàng.

Thực tế, câu chuyện nợ xấu của Techcombank không chỉ kéo sụt lợi nhuận của ngân hàng này mà nó lại liên quan đến chuyện tăng vốn của ngân hàng này.

Techcombank đã chính thức được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trao quyết định áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (phương pháp tiêu chuẩn của Basel II) kể từ ngày 1/7/2019.

Được biết, hiện 40% lợi nhuận của Techcombank đến từ nguồn thu dịch vụ. Trong đó một nửa là nguồn thu dịch vụ từ khách hàng cá nhân, còn lại là thu dịch vụ từ các công ty lớn, phát hành trái phiếu.

Trái phiếu được cho là cánh cửa thoát hiểm cho lợi nhuận của ngân hàng này trong nhiều năm qua và đang là phao cứu cho câu chuyện vốn.

Techcombank cũng “vừa thông báo phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2019, với quy mô tối đa 10.000 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn tối đa ba năm, với mệnh giá 1 tỷ đồng hoặc bội số của 100.000 đồng. Lãi suất cụ thể từng đợt phát hành được ủy quyền do tổng giám đốc quyết định. Trái phiếu phát hành là loại không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền.

Theo kế hoạch, Techcombank dự kiến phát hành trái phiếu hai đợt trong quý III và quý IV năm nay, với quy mô mỗi đợt 5.000 tỷ đồng. Mục đích là để tăng quy mô hoạt động và các tỷ lệ an toàn vốn.

Đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước hoặc nước ngoài, nhưng không bao gồm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và công ty con của các tổ chức tín dụng.

Cùng thời điểm phê duyệt phương án phát hành trái phiếu, Hội đồng quản trị Techcombank cũng thông qua nội dung giao dịch giữa Tehccombank và Công ty chứng khoán Kỹ thương (TCBS) - công ty con của Techcombank. Theo đó, TCBS sẽ là đơn vị tư vấn, lưu ký và thanh toán trái phiếu trong đợt phát hành.

Theo giới chuyên gia, trái phiếu ngân hàng đang kém hấp dẫn nhất so với các nhóm còn lại khi mà lãi suất thấp nhất. Thời gian qua, để phát hành trái phiếu thành công, các ngân hàng phải sử dụng nhiều chiêu thức như mua chéo giữa các ngân hàng, đẩy cho công ty chứng khoán xử lý. Tất nhiên với Techcombank, việc phát hành thành công trên giấy tờ hoàn toàn khả thi khi có đơn vị tư vấn “chuyên nghiệp” như TCBS.

Một hoạt động giao dịch tại Techcombank

Vì sao thích chơi với lửa?

Phải thừa nhận rằng, việc tư vấn và kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp đã hốt bạc cho Techcombank và chứng khoán Techcombank suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, khi chơi với trái phiếu bất động sản sẽ đem lại nhiều rủi ro cho chính ngân hàng này. Vì sao Techcombank lại chấp nhận chơi với lửa?

Số liệu mới đây của một công ty chứng khoán công bố, TCBS là tổ chức tư vấn phát hành lớn nhất đối với trái phiếu BĐS công ty này đã thu xếp phát hành thành công cho gần 13,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu BĐS, tập trung vào các công ty liên quan đến Vingroup như Vinpearl, CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc. Ngoài ra còn thu xếp phát hành cho Cáp treo Bà Nà, NewCo, BĐS Tân Liên Phát Sài Gòn, Tân Liên Phát Tân Cảng.

Nếu căn cứ số liệu trên bảng cân đối kế toán tại 30/6/2019 của 18 NHTM niêm yết, tổng số TPDN các ngân hàng nắm giữ là gần 230.5 nghìn tỷ đồng – tăng 65 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2018 trong đó một số ngân hàng tăng rất mạnh là STB, CTG, SHB, MBB. Ngân hàng nắm giữ nhiều TPDN nhất vẫn là TCB với số dư là 60.663 tỷ đồng tại 30/6/2019.

Theo tìm hiểu, TCBS là một trong những công ty chứng khoán lớn nhất tại Việt Nam đồng thời là công ty dẫn đầu về lĩnh vực tư vấn phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.

Được thành lập từ tháng 9/2008, Techcom Securities (TCBS) là công ty con trực thuộc Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam – Techcombank và là một trong những công ty chứng khoán lớn nhất trên thị trường về vốn điều lệ, doanh thu và lợi nhuận. Công ty dẫn đầu trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam với hơn 40% thị phần tư vấn và hơn 80% thị phần môi giới tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Trong khi, lợi nhuận của Techcombank dù tăng trưởng mạnh nhưng lại không bền vững và ẩn chứa nhiều rủi ro từ trái phiếu bất động sản. Techcombank đã ghi nhận quý tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận thứ 15 liên tiếp dù tốc độ tăng trưởng có đang chậm lại đáng kể so với các quý trước. Mức lợi nhuận hơn 5.660 tỷ của ngân hàng hợp nhất cũng là kỷ lục trong nửa năm kinh doanh ở nhà băng này.

Trong 8 tháng đầu năm 2019, bất động sản là lĩnh vực có các DN tham gia chào bán TPDN đông đảo nhất với 44/108 doanh nghiệp. Tổng lượng chào bán là 47.804 tỷ đồng nhưng chỉ có 36.946 tỷ đồng được phát hành, dư bán 10.858 tỷ đồng.

Bất động sản là lĩnh vực kinh doanh yêu cầu vốn lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bản thân các NHTM cũng phải áp hệ số rủi ro 50% với cho vay đảm bảo bằng nhà ở, quyền sử dụng đất; 200% với cho vay đầu tư, kinh doanh BĐS (theo thông tư 36) và hệ số này còn tăng lên cao hơn nữa trong dự thảo thông tư thay thế. Rủi ro cao hơn nên lãi suất trái phiếu BĐS thuộc nhóm cao nhất cũng là điều dễ hiểu.

Lãi suất trái phiếu bình quân của tất cả các trái phiếu BĐS phát hành 8 tháng đầu năm 2019 là 10.01%/năm. Chỉ có 4 doanh nghiệp huy động được trái phiếu có lãi suất từ 8% trở xuống; nếu loại trừ các khoản này, lãi suất huy động bình quân tăng lên 10.3%/năm.

Trong khối các nhà đầu tư trong nước, CTCK là bên mua lớn nhất với tổng lượng mua 29.447 tỷ đồng – chiếm 25.4% tổng lượng phát hành, trong đó mua 22.900 tỷ đồng trái phiếu do các NHTM phát hành. Đáng lưu ý, lượng mua này quá lớn so với quy mô vốn của các CTCK, bản hàng nhưng hầu hết chỉ là trung gian phân phối trái phiếu, không phải NĐT dài hạn

Ai là “đồng phạm” cơ cấu nợ cho doanh nghiệp bất động sản?

Bán bảo hiểm và tư vấn phát hành trái phiếu, đầu tư trái phiếu đang là những hoạt động mang lại lợi nhuận trong hệ thống tài chính. Do đó, các chuyên gia cho rằng, thời điểm này, trái phiếu đang là “cần câu cơm” của các ngân hàng.

Theo khảo sát của phóng viên, đa số lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm đến nay không hề qua đánh giá tín nhiệm bởi 1 đơn vị độc lập và luôn có “bóng dáng và bàn tay” ngân hàng.

Thống kê cho thấy, nửa đầu năm nay, lượng trái phiếu mà các ngân hàng và các doanh nghiệp phát hành lên tới gần 90.000 tỷ đồng. Trong đó, đối tượng nắm giữ chính là các ngân hàng thương mại, thông qua các công ty con là công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư.

Tất nhiên, khi phát hành thành công, doanh nghiệp hút được vốn mà thủ tục nhanh, trong khi ngân hàng, doanh nghiệp chứng khoán thu được phí. Cũng từ đây xảy ra các trường hợp trái phiếu của doanh nghiệp không tốt nhưng vì lợi nhuận, ngân hàng vẫn đứng ra bão lãnh và trở thành kẻ "thao túng" trong thị trường trái phiếu.

Từ đó, doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng “bắt tay nhau” để có lợi đôi bên. Một số ngân hàng đang có số dư trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn và tiếp tục tăng nhanh. Số dư vào trái phiếu lĩnh vực bất động sản lớn trong khi thị trường này chưa phục hồi vững chắc.

Trước tình trạng đó, Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn gửi các ngân hàng thương mại trong nước, yêu cầu kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Thực tế, so với cho vay, việc mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp các NHTM linh hoạt hơn vì các NHTM có thể bán lại một phần trái phiếu này cho các tổ chức, quỹ đầu tư và khách hàng cá nhân khi cần điều chỉnh các khoản mục tài sản trên bảng CĐKT.

Tuy nhiên, một số ngân hàng có thể sử dụng công cụ trái phiếu doanh nghiệp, thông qua các giao dịch tài chính phức tạp để cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành hoặc các mục đích khác. Để hạn chế các rủi ro tiềm ẩn, mới đây, NHNN đã có văn bản gửi đến các NHTM yêu cầu tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư TPDN và cho biết sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Để đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, hạn chế rủi ro trong hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các NHTM phải rà soát các quy định nội bộ, đảm bảo ban hành đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt các quy định nội bộ liên quan đến hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp (như quy định về quy trình, thủ tục thẩm định, phê duyệt và quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp; nguyên tắc, chỉ tiêu đánh giá, xác định mức độ rủi ro mua trái phiếu).

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các NHTM không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp phát hành theo đúng quy định tại Thông tư số 15/2018/TT-NHNN ngày 18/6/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2016/TT-NHNN.

Các ngân hàng cũng phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích đầu tư vào các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản để hạn chế rủi ro.

Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Link nội dung: https://biztoday.vn/ven-man-trai-phieu-cua-techcombank-tu-phat-ngon-den-thuc-tien-63130.html