Bản chất của bảo hiểm nhân thọ được hiểu là một cách thức dự phòng tài chính an toàn cho tương lai với mục đích thay thế nguồn thu nhập khi người tham gia gặp rủi ro bất trắc.
Thời gian qua, không thể phủ nhận vai trò của loại hình bảo hiểm này khi ngày càng được nhiều người dân tin tưởng gửi gắm “tương lai”.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì cũng có nhiều trường hợp tư vấn viên bảo hiểm dung những cách “không giống ai” bất chấp quy định vốn có để rồi đến những hệ lụy khôn lường mà người chịu rủi ro cuối cùng chính là người tham gia bảo hiểm.
Mới đây, anh Nguyễn Văn Quang (Đông Anh, Hà Nội) cũng đang lâm vào cảnh dở khóc dở cười, lo lắng khi tham gia một hợp đồng bảo hiểm tại Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam (Dai-ichi Life Việt Nam).
Theo phản ánh của anh Quang: Vào cuối tháng 1/2021, thông qua giới thiệu của bạn, bà Dương Thị Như Hoa – tự nhận là tư vấn viên bảo hiểm thuộc Công ty Dai-ichi Việt Nam, chi nhánh Thái Nguyên – gọi điện và tư vấn về gói bảo hiểm nhân thọ trị giá 20 triệu/ năm.
Do tin tưởng sự giới thiệu từ bạn bè, anh Nguyễn Văn Quang đã đồng ý tham gia gói bảo hiểm nhân thọ và đến ngày 8/2/2021, anh Quang đã chuyển cho bà Dương Thị Như Hoa số tiền 7 triệu đồng cùng lời hứa hẹn sẽ được triết khấu 3 triệu đồng phí bảo hiểm năm thứ nhất (tức thay vì đóng 20 triệu thì khách hàng chỉ phải đóng 17 triệu/năm) và hoàn thành hợp đồng bảo hiểm trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại (ngày 9/3/2021), anh Nguyễn Văn Quang chưa nhận được bất kỳ giấy tờ hợp đồng bảo hiểm từ bà Dương Thị Như Hoa cũng như chưa được tiếp xúc trực tiếp với bà Hoa lần nào mà chỉ được biết hợp đồng qua ảnh và qua lời nói.
Nhận thấy nhiều điều bất thường, ngày 22/2, anh Quang đã liên hệ trực tiếp tới tổng đài Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam và nhận được câu trả lời, hồ sơ hợp đồng bảo hiểm số 3405672 do anh Nguyễn Văn Quang trực tiếp ký kết đã có hiệu lực từ ngày 18/2.
Đáng ngạc nhiên, anh Quang cho biết, mặc dù hợp đồng được giới thiệu là có hiệu lực nhưng anh lại chưa từng trực tiếp ký kết bất cứ văn bản gì liên quan đến hợp đồng bảo hiểm này.
“Đến tận bây giờ tôi chưa được nhận hay ký bất kỳ giấy tờ gì liên quan đến hợp đồng này. Vậy thì giá trị pháp lý của hợp đồng này như thế nào, liệu có ai đó giả chữ ký của tôi vì chị Hoa có một lần yêu cầu tôi ký mẫu và chụp ảnh lại, gửi chị Hoa? Nếu như vậy quyền lợi của tôi được đảm bảo thế nào?” – anh Quang lo lắng.
Bên cạnh đó, trong quá trình trao đổi cùng anh Quang, bà Dương Thị Như Hoa có đề nghị anh Quang xác nhận với phía công ty Dai-ichi Việt Nam, đã nộp 20 triệu tiền mặt, ký trực tiếp trên hồ sơ yêu cầu bảo hiểm màu trắng và nhận hóa đơn đỏ, tư vấn viên không hứa hẹn tặng quà hay tri ân.
Trong khi đó, anh Quang mới chỉ nộp 7 triệu đồng và bà Dương Thị Như Hoa hứa triết khấu 3 triệu đồng trong tổng số giá trị hợp đồng năm đầu tiên….
Để làm rõ sự việc, ngày 9/3, phóng viên đã liên hệ Văn phòng Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam, chi nhánh Thái Nguyên.
Đại diện của Văn phòng xác nhận bà Dương Thị Như Hoa hiện là tư vấn viên bảo hiểm trực thuộc chi nhánh. Hợp đồng bảo hiểm của ông Nguyễn Như Quang đã có hiệu lực từ ngày 18/2.
Vị này cho biết, theo quy trình khi ký kết hợp đồng xong thì khách hàng sẽ được nhận hợp đồng và có khoảng thời gian tự do 21 ngày để xem xét hợp đồng có thể tham gia hoặc hủy… Tuy nhiên, vị này không xác nhận được việc hợp đồng này đã đến tay anh Quang hay chưa và cho biết sẽ tiếp tục cung cấp thông tin về việc khách hàng không được ký vào hợp đồng như đã phản ánh sau khi xác minh.
Dưới góc độ pháp lý, luật sự Hoàng Tùng – Trưởng VP Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, nếu xảy ra trường hợp giả mạo chữ ký thì theo quy định hiện hành, hợp đồng này là vô giá trị.
Luật sư Hoàng Tùng phân tích, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì Hợp đồng là một loại giao dịch dân sự, và đương nhiên, phải đáp ứng các điều kiện cơ bản được quy định tại điều 117 Bộ luật dân sự 2015:
- Thứ nhất: Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
- Thứ hai: Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
- Thứ ba: Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
- Thứ tư: Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
- Thứ năm: Các trường hợp khác do Bộ luật này quy định.
“Chính vậy, nếu hợp đồng có các các vi phạm những điều kiện cơ bản nêu trên thì hợp đồng sẽ bị vô hiệu. Trong trường hợp Công ty Bảo hiểm mạo giả toàn bộ chữ ký của khách hàng trên hợp đồng thì bản chất hợp đồng này là bản hợp đồng được lập trên nền tảng có sự lừa dối, chưa tự nguyện,… hợp đồng này bị vô hiệu.
Đặc biệt, trong trường hợp phía công ty bảo hiểm dùng hợp đồng có giả mạo chữ ký để thực hiện các hành vi trái pháp luật thì còn có thể bị xem xét xử lý về hành vi làm giả chữ ký của người khác” – Luật sư Hoàng Tùng nêu quan điểm.
Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa tin.
Link nội dung: https://biztoday.vn/bao-hiem-dai-ichi-viet-nam-khach-hang-noi-khong-ky-van-co-ten-trong-hop-dong-67224.html