Theo Báo cáo tài chính quý IV/2020, Vinaincon ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.425 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ 2019. Giá vốn hàng bán chiếm 1.276 tỷ đồng; lợi nhuận gộp 134 tỷ đồng. Trong kỳ, Vinaincon chi phí tài chính chiếm 126 tỷ đồng (tăng gấp 3 so với cùng kỳ 2019), chi phí quản lý doanh nghiệp 64 tỷ đồng, khiến doanh nghiệp này lỗ 69 tỷ đồng.
Luỹ kế đến cuối kỳ năm 2020, doanh thu thuần của Vinaincon tăng từ 4.348 tỷ đồng lên 4.591 tỷ đồng so với năm 2019 (tăng 5,3%); lợi nhuận gộp từ 267,3 tỷ đồng lên 328,1 tỷ đồng so với năm 2019 (tăng 18,5%). Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng vọt từ mức 159,3 tỷ đồng lên 248,6 tỷ, tương đương tăng 56%. Hơn một nửa chi phí tài chính là lãi vay (165,5 tỷ đồng)., tiếp đến là lỗ chênh lệch tỷ giá 82,6 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản Vinaincon đạt 5.799 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 2.956 tỷ đồng; nợ dài hạn là 3.568 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm 725 tỷ đồng.
Văn bản giải trình chênh lệch lợi nhuận của Vinaincon nêu, trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020, doanh thu bán hàng và giá vốn bán hàng đều tăng khoảng 11%, lợi nhuận gộp về bán hàng tương đương so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng 82.776 triệu đồng, chủ yếu do trong kỳ Công ty TNHH MTV xi măng Quang Sơn (Xi măng Quang Sơn) ghi nhận lỗ khoản chênh lệch tỷ giá gốc ngoại tệ là 82.601 triệu đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 40.821 triệu đồng do chi phí tại các đơn vị đều giảm, dẫn đến lợi nhuận sau thuế TNDN tăng lỗ hơn 12.974 triệu đồng.
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2021 diễn ra vào cuối tháng 1/2021, Vinaincon cho biết: “Ngoài những yếu tố khách quan như đại dịch Covid-19, thương mại đình trệ…. Các vấn đề nổi cộm gây trở ngại lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị là quản lý xây dựng chưa chuyên nghiệp, các vấn đề tồn tại nhiều năm chưa có điều kiện xử lý dứt điểm, làm suy yếu dài lâu các đơn vị có tuổi đời 40 năm- 60 năm. Cơ chế hoạt động vẫn còn tính bao cấp nên các đơn vị và chính Tổng công ty đánh mất đi lợi thế cạnh tranh của mình so với một bộ phận doanh nghiệp tư nhân đang dần chiếm ưu thế và một trong những trở ngại chính là sự thiếu chủ động thích ứng với điều kiện khách quan của thị trường đối với các công ty, đơn vị.
Trong các năm tới, ban lãnh đạo Tổng công ty và các đơn vị thống nhất phải thay đổi căn bản, đổi mới cách nghĩ, cách làm việc, cần tranh thủ thời gian, tạo ra sản phẩm mới đáp ứng thị trường mới, tìm cách giảm chi phí quản lý, chi phí sản xuất …”.
Được biết, Vinaincon tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) được thành lập năm 1998 và được cổ phần hóa vào năm 2011. Vốn điều lệ của Vinaincon là 550 tỷ đồng.
Ngay sau khi đi vào hoạt động theo mô hình đa sở hữu, Tổng công ty đã điều chỉnh, sắp xếp lại tổ chức, thay đổi lãnh đạo tại một số công ty, đơn vị trực thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, đến này kết quả là hâù hết các đơn vị kiện toàn đều từng bước vượt qua khó khăn, hoạt động dần ổn định. Tổng công ty đã cơ cấu lại vốn đầu tư tại một số đơn vị, thành lập một số công ty mới nhằm mở rộng phát triển thị trường và nâng cao thương hiệu của Tổng công ty và các đơn vị
Lý thuyết là phát triển thị trường, nâng tầm thương hiệu của doanh nghiệp như vậy. Nhưng thực tế, thì từ vài năm trở lại đây, Vinaincon rơi vào tình cảnh thua lỗ triền miên, hay nói cách khác là lỗ lỹ kế. Điều này không phải là nỗi buồn duy nhất của doanh nghiệp và cổ đông (hơn 80% vốn điều lệ là Bộ Công thương) mà còn có một số nhà băng, chủ nợ. Quan ngại hơn là nguồn vốn đang mất cân đối tại doanh nghiệp này.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến thua lỗ kéo dài? Và Vinaincon sẽ xử lý dứt điểm ‘cục nợ’ ra sao? Các nhà băng họ sẽ thu hồi nợ tồn đọng như thế nào? Phải chăng, Xi măng Quang Sơn tiếp tục trở thành “tội đồ, điệp khúc” khi kéo Vinaincon vào vòng thua lỗ, bết bát, kém hiệu quả?
(còn tiếp)
Link nội dung: https://biztoday.vn/vinaincon-no-nhieu-hon-tong-tai-san-69391.html