Nợ vay của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường. Đvt: Tỷ đồng Nguồn: VietstockFinance |
Theo dữ liệu của VietstockFinance, 704 doanh nghiệp niêm yết (trừ nhóm chứng khoán, ngân hàng và bảo hiểm) có tổng nợ vay và thuê tài chính tính đến ngày 31/12/2020 là 872,256 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ vay và thuê tài chính dài hạn tăng 14%, ghi nhận hơn 443 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chỉ tăng nhẹ so với hồi đầu năm.
Top 20 doanh nghiệp có nợ vay tăng mạnh nhất. Đvt: Triệu đồng Nguồn: VietstockFinance |
Các ông lớn huy động vốn vay chủ yếu từ phát hành trái phiếu
Lãi suất cho vay hiện nay đang chiếm tỷ lệ cao trong chi phí của các doanh nghiệp. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp quay cuồng làm ra bao nhiêu cũng không đủ bù đắp cho những khoản chi phí “kếch xù” đến từ việc vay nợ khiến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Dữ liệu của VietstockFinance cho thấy, tổng chi phí lãi vay của các doanh nghiệp niêm yết trên toàn thị trường ghi nhận gần 50,466 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước, tương đương với mức tăng tổng dư nợ vay trong năm.
Top 20 doanh nghiệp trả lãi vay nhiều nhất. Đvt: Tỷ đồng Nguồn: VietstockFinance |
Tập đoàn VINGROUP (HOSE: VIC) trả lãi vay 11,421 tỷ đồng trong năm qua. Tính đến cuối năm 2020, tổng nợ vay của “ông lớn” này hơn 98,309 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm.
Huy động hàng chục ngàn tỷ đồng từ trái phiếu, dư nợ vay của Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) tính đến cuối năm 2020 ghi nhận hơn 62 ngàn tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu không đảm bảo mà “ông vua” trong lĩnh vực tiêu dùng bán lẻ này huy động gần 17,671 tỷ đồng (gấp 12 lần) và trái phiếu có đảm bảo hơn 17,418 tỷ đồng (tăng 41% so với đầu năm).
Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HOSE: NVL) có nợ vay tính đến cuối năm 2020 ghi nhận 48,869 tỷ đồng trong khi chi phí lãi vay chỉ hơn 566 tỷ đồng. Trong đó, NVL huy động vốn vay từ việc phát hành trái phiếu ngắn hạn và dài hạn gần 26 ngàn tỷ đồng, gấp đôi so với con số hồi đầu năm.
Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, là doanh nghiệp dường như chịu tổn thất nặng nề nhất (lỗ ròng hơn 11 ngàn tỷ đồng), vậy tại sao dư nợ vay của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) tăng nhẹ 7% so với đầu năm nhưng chi phí lãi vay lại giảm đáng kể so với năm trước (giảm 36%), phải chăng tất cả là nhờ sự trợ giúp từ Chính phủ? Được biết, ngày 17/11/2020, Quốc hội đã phê duyệt đề xuất của Chính phủ về phương án cho phép Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines tiếp cận khoản vay 4,000 tỷ đồng lãi suất tái cấp vốn và phát hành thêm 8,000 tỷ đồng vốn điều lệ. Đây được coi là giải pháp cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh, kinh tế, xã hội và giao thương thế giới còn nhiều khó lường.
Tương tự, “đại gia phố núi” Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG) cũng chịu lỗ kỷ lục sau hơn chục năm niêm yết (22/06/2010). Lãi gộp chỉ đạt 364 tỷ đồng trong khi lãi vay hơn 431 tỷ đồng cùng với các chi phí khác tăng mạnh khiến doanh nghiệp này lỗ ròng 894 tỷ đồng.
Ngoài ra, một loạt doanh nghiệp cũng ghi nhận chi phí lãi vay hơn trăm tỷ đồng như Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG), Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: CII), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (HOSE: POW), Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (HOSE: GEX), Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (HOSE: PLX)…
Lãi vay tăng đột biến
Là doanh nghiệp có tổng nợ vay tăng mạnh nhất, chi phí lãi vay của Đầu tư và Công nghệ HVC (HOSE: HVH) cũng tăng song song, ghi nhận gần 885 triệu đồng. Riêng quý 4, doanh nghiệp này trả lãi vay gần 800 triệu đồng.
Tương tự, Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (HOSE: TCD) cũng tăng nợ vay mạnh với hơn 500 tỷ đồng trái phiếu phát hành cho CTCP Chứng khoán Tiên Phong. Đây là loại trái phiếu ngắn hạn có thời hạn 12 tháng và lãi suất 11% được chi trả theo từng quý.
Top 20 doanh nghiệp có chi phí lãi vay tăng mạnh nhất. Đvt: Tỷ đồng Nguồn: VietstockFinance |
Ở chiều ngược lại, vòng xoáy nợ nần của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG) đã được “Bầu Đức” giải quyết ổn thỏa. HNG đã chào bán 550 triệu cp để hoán đổi nợ. Tại ĐHĐCĐ bất thường diễn ra ngày 08/01, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đã chia sẻ: “4-5 năm tổ chức Đại hội, năm nào cũng nợ. Quan điểm của tôi rất rõ ràng, giải quyết nợ là ưu tiên số 1, chuyện lời lỗ tính sau. Còn nợ lâu dài, Công ty mãi không tốt được. Trước kia làm ra được đồng nào, phải trả lãi đồng nấy. Muốn phát triển được HNG, phải không còn nợ. Từ năm nay trở đi, HNG không còn khái niệm thiếu tiền”.
Top 20 doanh nghiệp có chi phí lãi vay giảm mạnh nhất năm 2020. Đvt: Tỷ đồng Nguồn: VietstockFinance |
Lãi vay góp phần đưa doanh nghiệp đến thua lỗ
Đáng chú ý, ở trường hợp của Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG), ôm lỗ khủng hơn 1,200 tỷ đồng trong khi năm trước lãi gần 190 tỷ đồng. Mặc dù chi phí lãi vay giảm so với năm trước nhưng con số này vẫn ở mức cao ngất ngưỡng, hơn 1,200 tỷ đồng. Tổng nợ vay tính đến cuối năm 2020 cũng tăng 23% so với đầu năm, lên mức 18,102 tỷ đồng. Nợ nần chồng chất, doanh nghiệp này đã phải bán 47.5 triệu cp HNG để tái cơ cấu các khoản nợ vay ngân hàng.
Điển hình trong nhóm doanh nghiệp lỗ có chi phí lãi vay tăng mạnh là Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) với nợ vay ngắn hạn tăng gần gấp đôi so với đầu năm, nâng tổng dư nợ vay lên mức 5,945 tỷ đồng. Trong đó, DXG huy động vốn vay từ trái phiếu ngắn hạn gần 1,435 tỷ đồng để bổ sung vốn và tài trợ cho dự án đang triển khai trong khi đầu năm không ghi nhận mục này. Lãi vay tăng mạnh khiến chi phí cũng tăng 56%, lên mức 309 tỷ đồng.
Đáng chú ý, doanh nghiệp này đã vốn hóa chi phí lãi vay hơn 359 tỷ đồng, gấp 2.5 lần hồi đầu năm. Các khoản đi vay liên quan đến các khoản vay nhằm tài trợ cho việc xây dựng và phát triển các dự án bất động sản đang triển khai của Tập đoàn (hơn 20 dự án bất động sản dở dang). Trong khi đó, doanh thu giảm không đủ bù đắp chi phí đã khiến DXG ôm lỗ ròng 432 tỷ đồng.
Những doanh nghiệp thua lỗ có chi phí lãi vay tăng mạnh. Đvt: Tỷ đồng Nguồn: VietstockFinance |
Hay như tình cảnh thê thảm của Đầu tư và Phát triển Đức Quân (HOSE: FTM). Đại dịch Covid-19 ập đến khiến ngành sợi đóng băng, đơn hàng cạn kiệt trong khi chi phí tăng cao (chi phí lãi vay tăng 44%, ghi nhận hơn 90 tỷ đồng) dẫn tới FTM lỗ ròng 200 tỷ đồng trong năm 2020.
Ngoài ra, một loạt doanh nghiệp “ôm” lỗ có chi phí lãi vay tăng mạnh khác như Dịch vụ Hàng không Taseco (HOSE: AST), CTCP MHC (HOSE: MHC), Thủy sản Mekong (HOSE: AAM), Phát triển Nhà Thủ Đức (HOSE: TDH)…
Link nội dung: https://biztoday.vn/doanh-nghiep-nao-ganh-lai-vay-nang-nhat-2020-70939.html