Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) gồm 8 chương, 69 điều, quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.
Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống ma túy.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy. Quá trình triển khai thi hành Luật đã thu được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực phòng, chống ma túy.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập; một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy hiện hành không thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính mới được ban hành… do vậy đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống ma túy.
Bên cạnh đó, do sự thay đổi tình hình, một số quan hệ xã hội mới xuất hiện liên quan đến công tác phòng, chống ma túy nhưng chưa có quy định của luật để điều chỉnh.
Ngày 16/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy” trong đó xác định “sớm sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản pháp luật khác có liên quan theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống ma túy, có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy…”.
Xuất phát từ những lý do nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy hiện hành là cần thiết.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008); phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy.
Trong đó, lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt, chủ trì công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; nâng cao nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy; quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần ngăn chặn, đấu tranh từng bước loại trừ tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội; ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào trong nước.
Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở quan điểm chỉ đạo là quán triệt và thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; phù hợp với thông lệ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định, Ủy ban nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật và dự thảo bổ sung các nội dung “quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy”, “cai nghiện ma túy”, “quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy” tại quy định về phạm vi điều chỉnh.
Ủy ban nhận thấy, về cơ bản, dự thảo Luật đã đảm bảo sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để bảo đảm thống nhất với một số dự án luật đang được tiến hành sửa đổi, bổ sung như: Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Luật Cư trú và một số luật khác.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, về cơ bản, Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị tương đối đầy đủ, đã bổ sung tài liệu theo yêu cầu của cơ quan thẩm định, đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bổ sung đánh giá tác động, hoàn thiện thêm các báo cáo, tổ chức lấy ý kiến cụ thể của bộ, ngành liên quan và cần có sự thống nhất quan điểm giữa các cơ quan quản lý nhà nước, làm cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định.
Nguyễn Hoàng
Link nội dung: https://biztoday.vn/trinh-quoc-hoi-du-an-luat-phong-chong-ma-tuy-sua-doi-7153.html