Kết thúc năm 2020, BIDV hiện đang ‘sở hữu’ 21.342 tỷ đồng nợ xấu, gấp hơn 4 lần so với Vietcombank. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn – nhóm nợ nguy hiểm nhất tại BIDV (nợ nhóm 5) tăng 46% so với năm 2019, lên mức hơn 16.525 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, BIDV là ngân hàng có nhiều nợ nhóm 5 nhất hệ thống ngân hàng.
Chính vì thế từ đầu năm 2021 đến nay, BIDV liên tục rao bán các khoản nợ, thậm chí có khoản xấu tới mức rao hàng chục lần nhưng cũng không ai mua.
Loạt khoản nợ rao bán mãi vẫn không ai mua
Mới đây nhất, ngày 5/3 BIDV Chi nhánh Thành Nam thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo của Cty Thuận Phát lần thứ 18. Tài sản bán đấu giá gồm các móc thiết bị phục vụ sản xuất giấy như: 2 dây chuyền sản xuất phôi giấy, máy sản xuất băng vệ sinh phụ nữ, sây chuyển sản xuất và in bao bì ny long, máy gấp khăn giấy,….. và các máy móc phụ trợ khác.
Giá khởi điểm của toàn bộ tài sản đấu giá trên là hơn 8 tỷ đồng.
Ngày 26/2, BIDV Thành Nam lại thông báo về việc bán đấu giá tài sản bảo đảm của Công ty CP dệt may Thuý Đạt lần thứ 36 với giá khởi điểm hơn hơn 13,3 tỷ đồng. Tài sản đấu giá bao gồm nhiều loại, từ khu nhà xưởng đến máy móc thiết bị, dây chuyền tự động,… Thậm chí, sau nhiều lần rao bán nhưng vẫn ế, BIDV quyết định có thể bán lẻ từng cái máy trong lô tài sản bảo đảm của công ty Thúy Đạt để thu hồi vốn.
Ngày 22/2, BIDV Chi nhánh Nam Hà Nội thông báo bán đấu giá khoản nợ nghìn tỷ lần thứ 6 của Cty TNHH Ngọc Linh bao gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch mua bán nợ, tổng dư nợ của khoản nợ tính đến ngày 28/12/2020 là hơn 2.404 tỷ đồng.
BIDV rao bán khoản nợ với giá khởi điểm gần 1.420 tỷ đồng. Nếu so với lần rao bán đầu tiên vào ngày 30/12/2020 thì giá đã giảm hơn 984 tỷ đồng.
Ngày 23/2, BIDV thông báo bán đấu giá lần thứ 7 nhiều khu đất nông nghiệp và đất ở nông thôn tại TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cùng với nhà kho và máy móc thiết bị.
Bao gồm 21 quyển sử dụng đất tại xã Tân Quy Tây, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp với diện tích từ 196 m2 tới 6.333 m2. Các khu đất này phần lớn là đất nông nghiệp để trồng cây và đất ở vùng nông thôn. Cùng với đó là gần 3 nhà kho với tổng diện tích xây dựng gần 7.900 m2 và toàn bộ máy móc thiết bị dây chuyền xây xát, lau bóng gạo.
Tổng giá trị khởi điểm cho toàn bộ tài sản trên hơn 177,7 tỷ đồng. So với lần rao bán vào tháng 8/2020, giá khởi điểm cho toàn bộ tài sản trên đã giảm hơn 104 tỷ đồng.
Đầu tháng 1/2021 BIDV thông báo bán đấu giá con tàu chở hàng Ocean Queen lần thứ 10 với giá khởi điểm 152,2 tỷ đồng. Trước đó, vào tháng 12/2019 BIDV cũng chào bán con tàu này với giá khởi điểm 300 tỷ đồng.
Ngoài ra, hơn 2 tháng qua, nhiều khoản nợ mới được các chi nhánh của BIDV rao bán ráo riết như BIDV thông báo bán đấu giá tài sản là khoản nợ của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long với giá khởi điểm hơn 149 tỷ đồng; BIDV Bình Tây Sài Gòn bán đấu giá tài sản (BĐS tại quận 7, HCM) với giá khởi điểm 5 tỷ đồng; BIDV bán đấu giá tài sản bảo đảm của Công ty CP Sông Đà 27 với giá khởi điểm hơn 11,8 tỷ đồng;…
Như vậy, chưa đầy 3 tháng đầu năm, các chi nhánh của ngân hàng BIDV đã ráo riết phát đi trên dưới 50 thông báo về việc thẩm định giá, lựa chọn tổ chức và rao bán hàng loạt tài sản đảm bảo là các khoản nợ từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng gồm bất động sản, nhà máy, ô tô,… Thậm chí, có nhiều tài sản đảm bảo rao bán nhiều lần nhưng không ai mua.
Link nội dung: https://biztoday.vn/no-xau-hon-21000-ty-dong-bidv-mac-ket-hang-loat-khoan-no-ban-mai-van-e-73211.html