Dự án Khu nhà ở Đại Cương II (Kim Bảng, Hà Nam): Mập mờ thông tin, cần kiểm tra lại việc thu hồi đất?

Theo quy định, việc thu hồi đất cần được thực hiện đầy đủ, công khai, thỏa đáng cả về trình tự và nội dung. Thông tin mập mờ, thiếu, chậm có thể ảnh hưởng cơ bản tới quyền, lợi ích chính đáng của người bị thu hồi đất; xa hơn, có thể là thủ đoạn của tiêu cực, tham nhũng.

Chi trả tiền đền bù bằng… bảng kê, bảng tính

Ngày 14/4/2020, UBND huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam ban hành Thông báo số 98/TB-UBND về việc “Để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án: Đầu tư xây dựng khu nhà ở đô thị tại xã Đại Cương, huyện Kim Bảng giai đoạn II”. Văn bản này được ký bởi ông Chủ tịch UBND huyện – Phạm Hồng Sơn (sau đây gọi tắt là: Thông báo số 98, Dự án/Dự án Đại Cương II).

anh-chup-man-hinh-2020-07-16-luc-11.15.28

Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Kim Bảng lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 (Ảnh: Báo điện tử Tài Nguyên và Môi trường). 

Theo Thông báo số 98, Dự án Đại Cương II được thực hiện tại xã Đại Cương, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam với tổng diện tích đất thu hồi là 76.734m2. Thông báo nêu: có bảng thống kê vị trí thu hồi và trích đo khu đất kèm theo.

Ngày 15/4/2020, UBND huyện Kim Bảng ban hành Quyết định số 2243/QĐ-UBND để thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Đại Cương II. Từ đây, Tổ công tác của Hội đồng giải phóng mặt bằng là Trung tâm phát triển quỹ đất (PTQĐ) huyện Kim Bảng đã phối hợp với UBND xã Đại Cương và các hộ ảnh hưởng bởi Dự án để thực hiện việc kiểm kê đất đai, cây trồng, vật nuôi trên đất. Việc kiểm kê được lập thành Biên bản kiểm kê đối với từng hộ, có chữ ký của 3 bên: Trung tâm PTQĐ – UBND xã – chủ hộ.

Trên cơ sở Biên bản kiểm kê được lập, Trung tâm PTQĐ đã phát hành Bảng tính giá trị bồi thường, hỗ trợ đất đai, cây trồng, vật nuôi và các chính sách hỗ trợ trên đất (gọi tắt là Bảng tính bồi thường hỗ trợ - BTHT). Bảng tính này được đóng dấu treo của Trung tâm PTQĐ huyện Kim Bảng. So với những bảng tính khác có tính chất thuyết minh về phương án BTHT, Bảng tính này rất đơn giản, nếu không nói là sơ sài. Một số văn bản được coi là căn cứ xác định đơn giá cũng không rõ ràng (các văn bản: 38, 48, 49, 113/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Nam). Ngoài ra, Bảng tính không có bất cứ thông tin nào khác để tham khảo, diễn giải.

Theo xác nhận của UBND huyện Kim Bảng, tính tới ngày 4/9/2020, UBND huyện Kim Bảng đã phê duyệt 03 phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo các Quyết định số 3411/QĐ-UBND ngày 09/6/2020, Quyết định số 5293/QĐ-UBND ngày 14/8/2020 và Quyết định số 5540/QĐ-UBND ngày 26/8/2020 với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ là 14.937.124.815 đồng, với 59 hộ tư nhân, đất UBND xã Đại Cương quản lý và tài sản trên đất HTX DVNN xã Đại Cương. Các hộ dân bị ảnh hưởng dự án đã nhận đủ số tiền theo phương án bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư để thực hiện dự án.

Trên thực tế, được biết từ khi có Thông báo thu hồi cho tới giữa tháng 8/2020, có nhiều hộ dân đã nhận tiền BTHT, bàn giao đất dựa trên Bảng tính của Trung tâm PTQĐ. Bên cạnh đó, có nhiều hộ chưa đồng ý với Bảng tính, nhưng bị áp lực bởi hành vi san lấp cận kề thửa đất nên đã miễn cưỡng bàn giao đất (?). Cá biệt có trường hợp khi người dân thắc mắc về việc đền bù và cương quyết không bàn giao mặt bằng cho đội thi công mới được UBND xã giao Bảng tính dành cho trường hợp gia đình (kèm theo Biên bản kiểm kê), và tiến hàng thủ tục chi trả tiền BTHT.

Thông tin bị “ém”, người dân bị thiệt?

Theo quy định của pháp luật đất đai, ba nội dung chính khi thu hồi đất của người dân là: 1) căn cứ thu hồi, 2) diện tích bị thu hồi, 3) đơn giá và chính sách ĐBHT.

Đối chiếu vào trường hợp thu hồi đất tại Dự án Đại Cương II, có nhiều nội dung cần được làm sáng tỏ. Điều này là cần thiết, nhất là đối với nhận thức của người dân bị thu hồi đất ở xã Đại Cương nói riêng, trên toàn quốc nói chung.

11

Bảng tính giá trị bồi thường, hỗ trợ đất đai, cây trồng, vật nuôi và các chính sách hỗ trợ trên đất được sử dụng để chi trả tiền đền bù, hỗ trợ liệu có đúng quy định? (Ảnh: Tư liệu). 

Dự án Đại Cương II được UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án theo Quyết định số 2510/QĐUBND ngày 26/11/2019. Ngày 26/3/2020, UBND tỉnh Hà Nam ban hành Quyết định số 592/QĐ-UBND về chấp thuận Dự án. Ngay hôm sau, ngày 27/3/2020, UBND tỉnh Hà Nam ban hành văn bản số 828/UBND-GTXD về việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ GPMB Dự án Đại Cương II.

Ngày 08/4/2020, UBND huyện ban hành kế hoạch số 60/KH-UBND về việc thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm để thực hiện Dự án Đại Cương II; quy mô của dự án 76.734m2, với 61 hộ ảnh hưởng, trong đó 60 hộ ảnh hưởng về đất (59 hộ tư nhân và đất UBND xã Đại Cương quản lý).

Ngày 14/4/2020, UBND huyện Kim Bảng đã ban hành Thông báo thu hồi đất số 98/TB-UBND. Theo UBND huyện, tính tới ngày 4/9/2020, các hộ dân bị ảnh hưởng dự án đã nhận đủ số tiền theo phương án bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư để thực hiện dự án. Dự án không thuộc trường hợp thực hiện theo Điều 73 của Luật Đất đai 2013, nên Nhà đầu tư không phải thỏa thuận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của pháp luật, sau khi ban hành thông báo thu hồi đất, chủ thể thu hồi đất - ở đây là UBND huyện Kim Bảng, phải ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định phương án bồi thường GPMB để mỗi chủ thể bị thu hồi đất thực hiện quyền khiếu nại nếu không đồng ý. Liệu quy trình thu hồi đất ở Kim Bảng đã được thực hiện đúng quy định, đảm bảo sự công khai, minh bạch?

Về thủ tục thu hồi đất, UBND huyện Kim Bảng khẳng định các quyết định thu hồi đất đã được ban hành theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và được tổ chức trao, gửi tới các hộ có đất bị thu hồi, niêm yết công khai theo quy định. Tuy nhiên, các quyết định thu hồi đất này được ban hành khi nào, văn bản nào thì UBND huyện không trả lời, cũng như UBND huyện không cung cấp các văn bản này theo đề nghị bằng văn bản trước đó của PV (cả các quyết định phê duyệt phương án BTHT). Như vậy, giả sử người dân không được cung cấp quyết định thu hồi đất, thì không thể nào biết được chính xác diện tích nào thuộc dự án bị thu, diện tích nào còn lại. Ở bình diện chung, đây là khâu phát sinh phổ biến việc thu hồi đất vượt mức diện tích dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Theo điều tra, có rất nhiều văn bản có dấu hiệu bị ém, không được trao cho người bị thu hồi đất kịp thời, đầy đủ, điều này đã hạn chế quyền được thông tin của người dân, xa hơn là hạn chế các quyền khiếu nại về đất đai. Đơn cử, có trường hợp khi người dân thắc mắc về việc đền bù và cương quyết không bàn giao mặt bằng cho đội thi công mới được UBND xã giao Bảng tính BTHT và tiến hành làm việc, động viên người dân nhận tiền hỗ trợ.

Điều đáng bàn nữa là chế độ ĐBHT được áp dụng, tức là vấn đề kinh tế khi thu hồi đất. Theo quy định pháp luật, việc áp dụng đơn giá và chính sách ĐBHT theo thời điểm phê duyệt phương án. Như thế có nghĩa, 03 phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng như nêu trên cần được áp dụng cho thời điểm phê duyệt phương án là năm 2020. Chưa biết Trung tâm PTQĐ đã giải quyết vấn đề đơn giá và chính sách ĐBHT ra sao trong 03 phương án được phê duyệt, nhưng rõ ràng việc ban hành Bảng tính ĐBHT và sử dụng văn bản này để thực hiện công tác ĐBHT là chưa đảm bảo về mặt pháp lý, cũng như không đủ căn cứ pháp lý minh bạch để chứng minh số tiền BTHT. Dư luận có quyền đặt câu hỏi, căn cứ vào đâu để Trung tâm PTQĐ huyện Kim Bảng tính giá trị bồi thường, hỗ trợ đất đai, cây trồng, vật nuôi và các chính sách hỗ trợ trên đất? Việc xác định đơn giá BTHT theo căn cứ được cho là các Quyết định (38, 48, 49, 113)/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Nam trong Bảng tính có chính xác không? Các văn bản này được ban hành khi nào, có còn hiệu lực áp dụng? Trường hợp Trung tâm PTQĐ đã chi trả tiền BTHT theo Bảng tính mà số tiền này thấp hơn số tiền tính theo phương án được phê duyệt, thì khoản chênh này đang ở đâu, ai quản lý?

Tương tự như việc không cung cấp văn bản về thu hồi đất, phê duyệt phương án BTHT, UBND huyện Kim Bảng cũng không cung cấp tài liệu bảng thống kê vị trí thu hồi và trích đo khu đất kèm theo bản Thông báo thu hồi đất số 98/TB-UBND mà PV đã đề nghị trước đó (bằng văn bản). Cơ quan này cũng từ chối trả lời câu hỏi, việc mua gom đất của dân sau khi có Thông báo 98 có đúng quy định pháp luật không, nếu không đúng, giao dịch đó có thể bị vô hiệu không.

Về phía Trung tâm PTQĐ, cơ quan này từ chối trả lời câu hỏi: “Căn cứ pháp lý nào để Trung tâm Phát triển Quỹ đất ban hành Bảng tính giá trị bồi thường, hỗ trợ đất đai, cây trồng, vật nuôi và các chính sách hỗ trợ trên đất (lập theo Biên bản kiểm kê lập ngày 29/4/2020; đóng dấu treo của Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Kim Bảng) để thực hiện việc bồi thường khi thu hồi đất?”.

Về phía UBND xã Đại Cương, cơ quan này không phản hồi thông tin báo chí đề nghị cung cấp, trong đó có nội dung: UBND xã đã thực hiện việc giao Thông báo 98 như thế nào đến các hộ dân, căn cứ pháp lý nào để UBND xã phát hành bản tính giá trị bồi thường, hỗ trợ đất đai, cây trồng, vật nuôi và các chính sách hỗ trợ trên đất (có đóng dấu treo của Trung tâm phát triển Quỹ đất) tới hộ dân bị thu hồi đất.

Theo tìm hiểu, đất trồng lúa ở huyện Kim Bảng được bồi thường với giá 60.000 đồng/m2, trong khi giá đất giao bán (có sổ đỏ) tại dự án Khu nhà ở Đô thị tại xã Đại Cương, huyện Kim Bảng giai đoạn I vào khoảng 14-16tr/m2 tùy vị trí. Dự án khu nhà ở đô thị Đại Cương - Khu đô thị Đại Cương do Công ty cổ phần xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật Hà Nam làm chủ đầu tư, rộng tổng thể 124.178,3m2, bao gồm: 500 lô liền kề biệt thự, trường học, công viên và hồ điều hòa.

Việc thu hồi đất ở Dự án Đại Cương II đã đảm bảo đầy đủ về trình tự, thủ tục, các quyền lợi đã được giải quyết thỏa đáng theo quy định, rất cần cơ quan chức năng kiểm tra, kết luận, nhằm minh bạch hóa thông tin.

Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra về công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại tỉnh Hà Nam trong thời kỳ 2012-2018:

Theo báo Người lao động, ngày 7-10, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố quyết định thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại tỉnh Hà Nam thời kỳ 2012-2018.

Theo Quyết định số 585 của Tổng TTCP, thời kỳ thanh tra sẽ từ năm 2012 đến 2018, khi cần thiết có thể xem xét trước và sau thời kỳ này.

Quyết định cũng nêu rõ, thời hạn thanh tra là 70 ngày làm việc thực tế kể từ thời điểm công bố quyết định thanh tra.

Tổng TTCP giao ông Nguyễn Đức Hải, Cục trưởng Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực I (Cục I - TTCP) làm Trưởng đoàn thanh tra; ông Trịnh Văn Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ thanh tra, làm Phó trưởng đoàn; ông Phạm Hùng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ 2, Cục I, làm Phó trưởng đoàn; cùng với 7 thành viên khác.

Đồng thời, giao Vụ trưởng Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra giúp Tổng TTCP thực hiện việc giám sát hoạt động thanh tra của Đoàn thanh tra theo quy định.

Lãnh đạo TTCP yêu cầu Đoàn thanh tra thực hiện theo đúng kế hoạch, thực hiện nghiêm các quy định, quy chế của đoàn thanh tra cũng như các quy định khác của pháp luật về thanh tra.

Link nội dung: https://biztoday.vn/du-an-khu-nha-o-dai-cuong-ii-kim-bang-ha-nam-map-mo-thong-tin-can-kiem-tra-lai-viec-thu-hoi-dat-76877.html