Xin ông chia sẻ đôi nét về những kết quả hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại của tỉnh Ninh Bình trong nửa đầu năm 2020?
Trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một số doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn trong sản xuất do không có nguyên liệu sản xuất và gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, thiếu chuyên gia nước ngoài, lao động làm việc luân phiên... Tuy nhiên tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn vẫn duy trì mức khá. Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm ước đạt 37.916 tỷ đồng, tăng 6,76% so với cùng kỳ, đạt 46,9% kế hoạch.
Về hoạt động thương mại nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt trên 12 nghìn tỉ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019. Sở đã phối hợp với các ngành chức năng trong việc triển khai các phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu ứng phó với dịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời thường xuyên theo dõi tình hình cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường để kịp thời cung cấp những thông tin hữu ích phục vụ yêu cầu quản lý.
Riêng về xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1.117 triệu USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 50,8% kế hoạch năm. Nửa đầu năm do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp đặc biệt tại các thị trường lớn như Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, Ấn Độ dẫn đến các mặt hàng chủ lực có kim ngạch lớn như quần áo các loại, camera và linh kiện điện thoại đồng loạt suy giảm gây thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Giá trị nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt gần 1.382 triệu USD giảm 8,8% so cùng kỳ năm trước, đạt 46,1% kế hoạch năm.
Hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19. Sở Công Thương Ninh Bình đã có giải pháp gì để tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp?
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và Chương trình công tác của UBND tỉnh, ngay từ đầu năm, Sở Công Thương đã ban hành Chương trình công tác của ngành tập trung vào việc thực hiện các nhiệm vụ trong tâm về phát triển công nghiệp và thương mại, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh. Các phòng và đơn vị trực thuộc đã xây dựng và triển khai kế hoạch công tác bám sát nhiệm vụ trọng tâm của ngành. 6 tháng đầu năm 2020, sở đã tiếp nhận và xử lý trên 2.000 văn bản đến. Lãnh đạo sở đã chỉ đạo đã ban hành trên 700 văn bản đi. Chất lượng công tác tham mưu từng bước được nâng lên rõ rệt.
Đơn cử, với công tác quản lý công nghiệp, Sở đã hoàn thành xây dựng kế hoạch hành động của ngành Công Thương ứng phó với tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Phối hợp với Sở Y tế tổ chức làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn về việc kiểm tra, đánh giá thực trạng việc triển khai, thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh của doanh nghiệp và nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tham gia thẩm định 23 dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Sở còn thẩm định hồ sơ và tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh mở rộng cụm công nghiệp Ninh Phong, P. Ninh Phong, TP. Ninh Bình; nắm bắt tình hình xử lý các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh.
Hoặc, với thương mại nội địa, Sở đã báo cáo tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Công Thương hoạt động của các ngành hàng, doanh nghiệp sau Tết Canh tý 2020; Tình hình dự trữ hàng hóa thiết yếu ứng phó dịch bệnh Covid-19. Thực hiện tốt công tác thẩm định, cấp phép đối với các mặt hàng kinh doanh có điều kiện, mặt hàng hạn chế kinh doanh và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đối với công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, từ đầu năm đến nay, Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu đã tiếp nhận 10 bộ hồ sơ thương nhân và cấp trên 2.255 bộ C/O cho các sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Hướng dẫn các doanh nghiệp cập nhật hồ sơ thương nhân điện tử, đính kèm chứng từ trên giao diện eCosys mới được nâng cấp theo hướng bỏ hoàn toàn chứng từ giấy đối với các doanh nghiệp luồng xanh.
Đặc biệt, Sở tiếp tục duy trì cơ chế "một cửa" trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính; triển khai áp dụng phần mềm một cửa điện tử, cung cấp các thủ tục hành chính được chuẩn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của sở trên phần mềm để giảm thời gian, chi phí đi lại cho các tổ chức, cá nhân. Xây dựng Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính; Kế hoạch tuyên truyền kiểm soát thủ tục hành chính năm 2020.
Từ đầu năm đến nay, sở đã thực hiện 154 quy trình thủ tục hành chính, trong đó có 29 thủ tục hành chính thực hiện mức độ 3, 42 thủ tục hành chính thực hiện mức độ 4; 100% thủ tục hành chính của Sở được công khai trên Cổng dịch vụ công của tỉnh dichvucong.ninhbinh.gov.vn, trên trang web của sở và niêm yết tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của sở. Tiếp nhận và xử lý 3.263 thủ tục hành chính trả kết quả đúng hẹn và trước hẹn cho các tổ chức cá nhân, không có thủ tục hành chính nào để trễ hẹn trả kết quả.
Với những kết quả đạt được trong những tháng đầu năm, Sở Công Thương Ninh Bình sẽ triển khai những giải pháp gì trong nửa cuối năm để hoàn thành các mục tiêu đề ra, thưa ông?
Mục tiêu ngành Công Thương Ninh Bình đặt ra cho cả năm 2020 là giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 75.380 tỷ đồng, tăng 4,9% so với thực hiện năm 2019, giảm 6,7% so với kế hoạch; Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ cả năm ước đạt 39,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm 2019 và đạt 100% kế hoạch năm; Kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 2.200 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ và đạt 100% kế hoạch năm.
Để hoàn thành mục tiêu này, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về Công Thương, Sở Công Thương Ninh Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bằng cách tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/BCS ngày 13/02/2017 của Ban cán sự Đảng UBND về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử trở thành ngành kinh tế chủ lực, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh; Chương trình khuyến công quốc gia, địa phương, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2020...
Với công tác quản lý thương mại, sẽ tổ chức Hội nghị tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại. Trình UBND tỉnh công bố danh mục địa điểm tổ chức hội chợ và lĩnh vực ưu tiên được tổ chức hội chợ triển lãm trên địa bàn tỉnh. Triển khai thi hành Luật Cạnh tranh, Quyết định số 35 về chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, Quy chế phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp. Tập trung triển khai quản lý nhà nước theo chuyên đề nhất là các mặt hàng kinh doanh có điều kiện (xăng dầu, LPG, rượu, thuốc lá), an toàn thực phẩm, bán hàng đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngoài ra, tổng hợp và hoàn hiện trình UBND tỉnh phê duyệt dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU trên địa bàn tỉnh. Triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025, thực hiện Kế hoạch phát triển thương mại điện tử, kế hoạch phát triển xuất khẩu năm 2020. Tổ chức hội nghị phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, Hội nghị phổ biến, tập huấn chuyên sâu về EVFTA tới doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh
Đặc biệt, tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch cải cách hành chính năm 2020 và hoàn thành kế hoạch đề ra; rà soát, cập nhật và triển khai thêm các thủ tục hành chính mức độ 3,4 tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở.
Xin cảm ơn ông!
Link nội dung: https://biztoday.vn/so-cong-thuong-ninh-binh-day-manh-cai-cach-hanh-chinh-tao-thuan-loi-toi-da-cho-doanh-nghiep-8748.html