Để thẩm định SGK lớp 1, năm 2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký quyết định thành lập 9 Hội đồng quốc gia thẩm định SGK các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, Hội đồng thẩm định SGK môn tiếng Việt gồm 15 thành viên.
Thay chủ tịch Hội đồng thẩm định
Tuy nhiên, trong 5 bộ SGK lớp 1 được Hội đồng thẩm định thông qua, bộ SGK Cánh Diều (của Nhà xuất bản Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TP.HCM biên soạn, phát hành) có khá nhiều lỗi và bị dư luận phản ứng. Bộ GD&ĐT phải làm việc lại với Hội đồng thẩm định quốc gia và quyết định thay thế một số dữ liệu cho phù hợp.
Rút kinh nghiệm từ bộ SGK lớp 1, tại kỳ họp Quốc hội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay bộ trưởng GD&ĐT đã có chỉ đạo khá cương quyết như thay Chủ tịch Hội đồng thẩm định đối với môn Tiếng Việt.
Theo ông Đam, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ GD&ĐT phải hết sức lưu ý, bởi để tránh được những sai sót tương tự thì phải rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc.
“Tôi đã chỉ đạo bộ tận dụng công nghệ thông tin đưa bản thảo SGK lên sớm trước khi phê duyệt, thậm chí trong quá trình thẩm định, để nghe góp ý, qua đó tiếp thu, chắt lọc ý kiến đúng để tiếp thu, ý kiến chưa đúng, phản hồi lại để toàn xã hội đồng thuận. Tất cả vì tương lai đất nước và của con cháu”, ông Đam nói.
Mở thêm các kênh đóng góp ý kiến
Đối với SGK lớp 2 và lớp 6 đang trong quá trình thẩm định để chuẩn bị đưa vào sử dụng trong năm học 2021-2022, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tăng cường khâu thẩm định trong Hội đồng, tăng cường mức độ tương tác với các nhóm tác giả, đồng thời mở thêm các kênh lấy ý kiến góp ý rộng rãi hơn.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Xuân Thành, thông tin công tác thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6 đã thực hiện xong vòng 1. Các tác giả cũng đã chỉnh sửa và bộ bắt đầu thu sách để chuẩn bị thẩm định vòng 2.
Lần này, Bộ GD&ĐT yêu cầu các thành viên Hội đồng thẩm định tập trung việc trao đổi và tăng cường thảo luận, thậm chí có thể tranh luận giữa các tác giả với Hội đồng thẩm định.
Đồng thời, khâu thẩm định trong Hội đồng cũng như tương tác với các nhóm tác giả sẽ được tăng cường để đáp ứng các yêu cầu và mở thêm các kênh khác nhau để có thể lấy ý kiến rộng rãi hơn, trong đó có việc lấy ý kiến từ các thầy cô trực tiếp giảng dạy tại cơ sở.
Đặc biệt, SGK lớp 2 và lớp 6 tới đây sẽ được ban hành sớm hơn so với năm trước, ông Thành cho biết. Như vậy, các nhà xuất bản có thời gian năm tháng để thực hiện các khâu in ấn, phát hành.
Trong khoảng thời gian này, các đơn vị sẽ tập trung bồi dưỡng giáo viên về việc sử dụng sách mới, song hành cùng bồi dưỡng mô-đun, phương pháp dạy học cũng như phương pháp kiểm tra, đánh giá để bảo đảm chuẩn bị sẵn sàng cho năng lực đội ngũ nhà giáo khi bắt đầu triển khai cho năm học mới vào tháng 9/2021.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, rút kinh nghiệm việc chỉ đạo biên soạn, tổ chức thẩm định SGK lớp 1 mới thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện 3 điều chỉnh quan trọng ở trong công tác thẩm định SGK.
“Trước đây, các nhà xuất bản, tác giả chủ động phối hợp tổ chức việc thực nghiệm, tới đây, sẽ có sự tham gia chỉ đạo, phối hợp của Bộ GD&ĐT để công tác này đạt hiệu quả hơn”, ông Độ nói.
Một điều chỉnh nữa là tăng cường việc thẩm định nội bộ tại các nhà xuất bản để nâng cao chất lượng bản mẫu SGK trước khi nhà xuất bản gửi tới Bộ GD&ĐT để thẩm định.
Theo đó, các nhà xuất bản phải tổ chức thẩm định sơ bộ tại đơn vị để đánh giá, rà soát chất lượng SGK. Qua vòng lọc đầu tiên này, nhà xuất bản mới gửi bản mẫu SGK hoàn thiện lên Bộ GD&ĐT. Hội đồng quốc gia thẩm định SGK sau đó sẽ đánh giá, nhận xét, góp ý để tác giả tiếp tục hoàn thiện bản mẫu SGK tốt hơn.
Cuối cùng, sẽ mở rộng thêm đối tượng góp ý cho bản mẫu SGK.
Trên cơ sở các ý kiến phản ánh, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu để kịp thời đề ra các giải pháp bổ sung trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định lại Chương trình giáo dục phổ thông mới không tăng về lượng kiến thức, chỉ quy định chuẩn đầu ra; SGK không biên soạn theo bài, theo tiết có sẵn như trước đây mà biên soạn theo chủ đề, mạch kiến thức; giao cho giáo viên, nhà trường nghiên cứu chương trình, SGK, đặc điểm của học sinh tại trường của mình để xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể, phù hợp với đối tượng.
Vì vậy, cùng một chủ đề trong SGK, nhưng tùy vào đối tượng học sinh, trường này có thể dạy 2 tiết, nhưng trường khác có thể dạy 3-4 tiết cho phù hợp; miễn không vượt quá tổng thời gian cho môn học đó trong một năm.
Trong quá trình thực hiện, giáo viên nhà trường điều chỉnh cho phù hợp (đây là điểm mới, giao quyền và trách nhiệm cho giáo viên, nhà trường nhiều hơn), nhưng nhiều nơi chưa mạnh dạn thực hiện mà vẫn dạy theo cách cũ.
Link nội dung: https://biztoday.vn/ba-dieu-chinh-trong-tham-dinh-sach-giao-khoa-lop-2-lop-6-8800.html