Bệnh viện Thanh Nhàn và những gói thầu thiết bị y tế giá cao

Trong đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19, Bệnh viện Thanh Nhàn thực hiện hàng chục gói thầu mua sắm thiết bị. Hầu hết các gói thầu đều dưới hình thức “chỉ định thầu rút gọn” hoặc “mua sắm trực tiếp”. Trong đó, có những gói thầu, có giá cao bất ngờ…

benh-vien-thanh-nhan-2-1618484359.jpg

Bệnh viện Thanh Nhàn.

Thực hiện dự án mua sắm máy móc, trang thiết bị phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra trên địa bàn thành phố Hà Nội (đợt 1), Bệnh viện Thanh Nhàn thực hiện 1 loạt gói thầu dưới hình thức “chỉ định” như:

Gói thầu số 14: Mua sắm trang thiết bị (gồm 06 thiết bị) trị giá 717.300.000 đồng được phê duyệt tại Quyết định số 208/QĐ-BVTN ngày 05/03/2020 thuộc về Công ty Cổ phần Thương mại Kỹ thuật Việt Nam; Gói thầu số 15: Mua sắm trang thiết bị (gồm 7 thiết bị) trị giá 972.140.000 đồng được phê duyệt tại Quyết định số 209/QĐ-BVTN ngày 05/03/2020 thuộc về Công ty TNHH Meditex Việt Nam; Gói thầu số 16: Máy phá rung tim có tạo nhịp trị giá 185.000.000 đồng được phê duyệt tại Quyết định số 210/QĐ-BVTN ngày 05/03/2020 thuộc về Công ty trách nhiệm hữu hạn thiết bị y tế Nhật Nam; Gói thầu số 13: Máy xét nghiệm khí máu trị giá 386.000.000 đồng theo Quyết định số 207/QĐ-BVTN ngày 05/03/2020 được “chỉ định” cho Công ty TNHH Điện Dương; Gói thầu “Gói thầu số 17: Máy điện tim ≥ 6 kênh” trị giá 160.000.000 đồng theo Quyết định phê duyệt số 211/QĐ-BVTN ngày 05/03/2020được “chỉ định” cho Công ty Cổ phần Trang thiết bị và Công trình Y tế…

Một số gói thầu không thuộc dự án phòng chống dịch Covid-19 được Bệnh viện Thanh Nhàn “chỉ định” như:

Gói thầu “Cung cấp Tủ lạnh âm sâu cho Bệnh viện Thanh Nhàn” trị giá 182.000.000 đồng được “chỉ định” cho Công ty CP Đất Việt Thành theo Quyết định số 1025/QĐ-BVTN, ngày 07/09/2020; Gói thầu “Cung cấp Đầu dò tim 3Sc-RS sử dụng cho máy siêu âm Vivid T8 cho Bệnh viện Thanh Nhàn” trị giá 85.000.000 đồng theo Quyết định phê duyệt số 949/QĐ-BVTN ngày 21/08/2020 được “chỉ định” cho Công ty Cổ phần Đầu tư thiết bị y tế An Việt;

Một số gói thầu mua sắm trực tiếp tại Bệnh viện Thanh Nhàn như:

Gói thầu số 7: Máy siêu âm Doppler màu ≥ 3 đầu dò theo Quyết định phê duyệt số 201/QĐ-BVTN ngày 05/03/2020 có giá trúng thầu 1.245.000.000 đồng, Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông là doanh nghiệp trúng thầu; Gói thầu số 12: Máy truyền dịch theo Quyết định phê duyệt số 206/QĐ-BVTN ngày 05/03/2020 có giá trúng thầu là 697.200.000 đồng, Công ty TNHH Thiết bị khoa học và Y tế Toàn cầu là doanh nghiệp trúng thầu; Gói thầu số 2: Máy thở cao tần theo Quyết định phê duyệt số 196/QĐ-BVTN ngày 05/03/2020 có giá trúng thầu là 1.080.000.000 đồng, Công ty TNHH ĐIện Dương là doanh nghiệp trúng thầu; Gói thầu số 6: Máy X quang di động ( Kỹ thuật số) được phê duyệt tại Quyết định số 200/QĐ-BVTN ngày 05/03/2020 có giá 4.485.624.000 đồng thuộc về Công ty TNHH Thương Mại và Dịch Vụ Kỹ Thuật Tài Lộc; Gói thầu số 4: Máy thở xách tay kèm van PEEP, 2 bộ dây được phê duyệt tại Quyết định số 198/QĐ-BVTN ngày 5/3/2020 có giá 876.000.000 đồng thuộc về Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam CTCP; Gói thầu số 3: Máy thở xâm nhập và không xâm nhập phê duyệt tại Quyết định số 197/QĐ-BVTN ngày 5/3/2020 có giá trị 699.804.000 đồng thuộc về Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Medinsco; Gói thầu số 1: Máy thở chức năng cao được phê duyệt tại Quyết định số 195/QĐ-BVTN ngày 05/03/2020 có giá trị 2.699.400.690 đồng thuộc về Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Medinsco…

140844-hv-00384-1618484213.png
PGS. TS. Đào Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn.
 

 

Khảo sát của phóng viên cho thấy, một số gói thầu có giá thiết bị cao hơn nơi khác như:

Tại “Gói thầu số 6: Máy X quang di động ( Kỹ thuật số)”, Công ty TNHH Thương Mại và Dịch Vụ Kỹ Thuật Tài Lộc bán cho Bệnh viện Thanh Nhàn với giá 4.485.624.000 đồng (thiết bị này có model là R-XD1000, FDR Nano (DR-XD1000), hãng sản xuất Fujifilm, xuất xứ Nhật Bản). Tuy nhiên, vào tháng 8/2020, Bệnh viện Trường Đại học Y dược Cần Thơ mua đúng thiết bị này chỉ với giá 2.800.000.000 đồng;

Tại “Gói thầu số 1: Máy thở chức năng cao” (model máy chính: Carescape R860, hãng sản xuất: GE Healthcare, xuất xứ Mỹ) mà Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Medinsco bán cho Bệnh viện Thanh Nhàn có giá 899.800.230 đồng/1 máy (tổng 3 máy là 2.699.400.690 đồng). Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên thì đúng với thiết bị trên, vào tháng 4/2020, Bệnh viện Bạch Mai chỉ mua với giá 640 triệu đồng/chiếc; Tháng 9/2020, Bệnh viện Hữu Nghị cũng mua thiết bị này với giá 639 triệu đồng/chiếc; Tháng 02/2020, Bệnh viện Đà Nẵng chỉ mua thiết bị này với giá 685 triệu đồng/chiếc… Như vậy, nếu so sánh với giá Bệnh viện Bạch Mai, Hữu Nghị thì tính tổng cả 03 thiết bị, Bệnh viện Thanh Nhàn phải mua giá cao hơn 780 triệu đồng ở gói thầu này.

Có thể nói, giá thiết bị cao hay thấp còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như linh phụ kiện đi kèm, chế độ hậu mãi sau bán hàng, đào tạo, vận hành, vận chuyển, truyền thông…

Tuy nhiên, cũng không loại trừ việc “thổi giá”, “nâng khống”, “mua bán lòng vòng” nhằm trục lợi, tham ô, tham nhũng như việc hàng loạt lãnh đạo Sở, ngành, doanh nghiệp… tại các địa phương đã bị cơ quan điều tra, Viện kiểm sát khởi tố, bắt tạm giam trong thời gian vừa qua.

Sức Khỏe 24H sẽ tiếp tục thông tin!

 

Bộ Công an xác minh mua thiết bị y tế tại bệnh viện Tim Hà Nội và bệnh viện Thanh Nhàn

Cơ quan điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã xác minh việc mua thiết bị y tế tại 2 bệnh viện lớn ở Hà Nội là bệnh viện Tim Hà Nội và bệnh viện Thanh Nhàn.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã yêu cầu cung cấp một số tài liệu để phục vụ xác minh vụ việc liên quan đến công tác thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị y tế, vật tư y tế, thực hiện các đề án xã hội hóa tại các BV công lập.

Cơ quan công an cũng đã đề nghị BV Tim Hà Nội cung cấp tài liệu liên quan quy chế hoạt động làm việc, quy chế thu chi tài chính của đơn vị này. BV Tim Hà Nội còn được yêu cầu cung cấp tài liệu liên quan đến việc thực hiện đấu thầu mua sắm thiết bị và quá trình thực hiện hợp đồng đối với gói thầu trang thiết bị y tế, vật tư y tế, trong đó có vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch từ năm 2015 đến nay.

Bệnh viện Tim Hà Nội và bệnh viện Thanh Nhàn là 2 bệnh viện lớn thuộc quản lý của Sở Y tế Hà Nội, từ năm 2015 đến nay đã thực hiện nhiều dự án mua sắm trang thiết bị y tế theo các chương trình liên doanh, liên kết với số tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Bệnh viện Thanh Nhàn cũng là nơi Công ty CP công nghệ y tế BMS đã trúng thầu cung cấp một số thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh với giá trị lớn. Trong đó, có thiết bị robot Maizor với giá trị gần 40 tỉ đồng. Tuy nhiên, các thiết bị này đang “đắp chiếu” nhiều tháng nay.

Bệnh viện Tim Hà Nội là cơ sở chuyên khoa hạng I trực thuộc Sở Y tế Hà Nội. Đây là nơi chuyên khoa đầu ngành tim mạch của Hà Nội và là bệnh viện chuyên khoa tim mạch tuyến cuối của cả nước.

Liên quan việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế tại các bệnh viện công lập, từ tháng 9/2020 đến đầu tháng 2, Bộ Công an đã khởi tố ông Nguyễn Quốc Anh (cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) cùng 3 cựu cán bộ bệnh viện này để điều tra.

Ngoài ra, 4 cựu sếp và nhân viên doanh nghiệp tư nhân cũng bị khởi tố do sử dụng thủ đoạn gian dối, hợp thức hóa các thủ tục để nâng khống nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế rồi đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai, nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh.

 

 

Robot Maizor trị giá gần 39 tỷ đồng “đắp chiếu” ở Bệnh viện Thanh Nhàn

Ngày 6/10/2019, Bệnh viện (BV) Thanh Nhàn đã tổ chức lễ tiếp nhận bàn giao và đưa vào sử dụng hệ thống phòng mổ tích hợp Hybrid theo tiêu chuẩn châu Âu thuộc dự án đầu tư nâng cấp BV Thanh Nhàn, giai đoạn II.

Còn nhớ, khi phát biểu tại buổi lễ tiếp nhận, PGS.TS.BS Đào Quang Minh - Giám đốc BV Thanh Nhàn cho biết, phòng mổ Hybrid là thiết kế phòng mổ hiện đại nhất kết hợp giữa phòng mổ hiện đại và các phương tiện chẩn đoán hình ảnh tiên tiến giúp giảm thời gian phẫu thuật và đem lại hiệu quả phẫu thuật tốt nhất cho người bệnh ở những chuyên khoa sâu như tim mạch, thần kinh, ngoại gan mật, tiết niệu, cơ xương khớp.

Đây là phòng mổ Hybrid đầu tiên trên cả nước được trang bị bao gồm hệ thống phòng mổ tích hợp (Integrated Operating Room) của hãng Karl Storz và hệ thống chụp mạch xóa nền ARTIS Pheno với cánh tay robot tiên tiến nhất được phát triển bởi công ty Siemens Healthineers (Đức).

Phòng mổ tích hợp hệ thống điều khiển OR1 có thể nâng cấp liên tục với các tính năng điều khiển trung tâm, lưu trữ dữ liệu hình ảnh, lưu video tại chỗ và truyền online, dẫn truyền tín hiệu hình ảnh âm thanh hai chiều trực tiếp từ phòng mổ ra các phòng hội thảo cũng như khắp nơi trên thế giới đáp ứng nhu cầu đào tạo và chuyển giao các kỹ thuật mổ.

Hệ thống này còn giúp kết nối phòng mổ với hệ thống quản lý thông tin bệnh viện (HIS), cho phép các bác sĩ truy xuất bệnh án của bệnh nhân, các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng và các kết quả chụp chiếu để hội chẩn trước, trong và sau ca phẫu thuật ngay tại phòng mổ.

Phó Giám đốc BV Thanh Nhàn Nguyễn Thành Vinh khi đó trả lời trên báo chí, sau hơn một năm tiếp nhận đưa vào sử dụng, hệ thống phòng mổ Hybrid mới chỉ thực hiện được 568 ca mổ. Riêng robot Maizor - có chức năng lập trình dẫn đường dựa trên dữ liệu chẩn đoán hình ảnh trước và trong phẫu thuật cột sống vẫn... chưa sử dụng.

Trả lời câu hỏi vì sao sau hơn một năm đưa vào sử dụng, hệ thống phòng mổ Hybrid của BV Thanh Nhàn chỉ phẫu thuật được 568 ca? Theo ông Vinh, nguyên nhân là do hệ thống phòng mổ Hybrid chỉ phục vụ cho các bệnh nhân có bảo hiểm y tế, có chi phí cao nên được sàng lọc rất kỹ.

Đối với robot Maizor có chức năng lập trình dẫn đường dựa trên dữ liệu chẩn đoán hình ảnh trước và trong phẫu thuật cột sống vẫn chưa đưa vào sử dụng, theo ông Vinh là do không có… bệnh nhân. “Những trường hợp soi khớp, chấn thương chỉnh hình cột sống họ thường chọn các BV khác như: Việt Đức, Bạch Mai… Họ không phẫu thuật ở đây” - ông Vinh nói.

Theo bà Nguyễn Thị Hạnh Lan, Trưởng phòng Tài chính Kế toán BV Thanh Nhàn, dự án hệ thống phòng mổ Hybrid có tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng. Riêng robot Maizor có giá gần 39 tỷ đồng. “Con robot Maizor này được Công ty Cổ phần Công nghệ y tế BMS cung cấp” - bà Hạnh cho biết.

Trả lời câu hỏi của PV về năng lực vận hành robot Maizor có chức năng lập trình dẫn đường dựa trên dữ liệu chẩn đoán hình ảnh trước và trong phẫu thuật cột sống của BV, ông Vinh cho biết: Đội ngũ phẫu thuật viên của BV Thanh Nhàn hoàn toàn có thể làm chủ kỹ thuật này. Tuy nhiên, để robot Maizor vận hành được trên người bệnh đòi hỏi phải có đầy đủ bộ kit, các marker, mã code để đánh dấu và chạy phần mềm trên từng bệnh nhân - việc này phải có mặt chuyên gia của hãng.

Link nội dung: https://biztoday.vn/benh-vien-thanh-nhan-va-nhung-goi-thau-thiet-bi-y-te-gia-cao-92510.html