Phân tích, so sánh tổn thất tài nguyên và môi trường của một số loại hình phát điện

Các loại hình công nghệ phát điện có sự khác nhau căn bản về chi phí tài nguyên và môi trường, cũng như các tác động của chúng trong quá trình xây dựng và vận hành.

Phân tích, so sánh tổn thất tài nguyên và môi trường của một số loại hình phát điện

Các loại hình công nghệ phát điện có sự khác nhau căn bản về chi phí tài nguyên và môi trường, cũng như các tác động của chúng trong quá trình xây dựng và vận hành.

Tóm tắt: Bài báo liệt kê và phân tích các chi phí tài nguyên và môi trường của một số loại hình phát điện thông dụng hiện nay trên thế giới và Việt Nam, bao gồm: Nhiệt điện, thủy điện, điện mặt trời, điện gió và điện hạt nhân. Các loại hình công nghệ phát điện trên có sự khác nhau căn bản về chi phí tài nguyên và môi trường, cũng như các tác động của chúng trong quá trình xây dựng và vận hành. Do đó cần đưa các chi phí tài nguyên và môi trường thành các dạng chi phí trong phân tích chi phí lợi ích mở rộng các dự án, cũng như xác định chi phí sản xuất điện trong bất kỳ loại hình phát điện nào ở Việt Nam.

1. Mở đầu

Tăng trưởng điện năng của thế giới diễn ra liên tục kể từ năm 1974 và chỉ bị gián đoạn trong khoảng thời gian 2008 – 2009 do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu [4]. Năm 2018, sản lượng điện năng trên toàn thế giới đạt 26.000 TWh (IEA), tăng 4% so với năm 2017 và tăng 70% so với năm 2000. Hiện nay, hoạt động sản xuất điện vẫn chủ yếu dựa vào 2 dạng năng lượng cơ bản, đó là năng lượng hóa thạch và năng lượng tái tạo.

Năng lượng hóa thạch cung cấp một lượng điện năng chiếm 66,8% tổng lượng điện toàn cầu và có xu hướng giảm nhẹ do mức đầu tư vào năng lượng tái tạo tăng mạnh trong những năm gần đây. Tỉ trọng điện gió và điện mặt trời chiếm lần lượt 7,5% và 19,8% thị phần điện toàn cầu. Thế giới đã ghi nhận mức kỷ lục 1,4GW công suất điện mặt trời được lắp đặt mới trong năm 2018, nâng tổng công suất lắp đặt của nguồn năng lượng này lên đến 485,826 GW và 563,726 GW đối với điện gió [5].

Mỗi loại hình phát điện được đặc trưng bởi các tổn thất tài nguyên và môi trường mà có thể cấu thành các dạng chi phí. Chi phí tài nguyên là chi phí phải gánh chịu của việc bỏ qua các cơ hội và mục đích sử dụng khác khi sử dụng tài nguyên theo thời gian. Chi phí môi trường sẽ phát sinh khi một hoạt động làm suy giảm chất lượng môi trường sống đối với con người và sinh vật. Bài báo bước đầu liệt kê, phân tích so sánh các chi phí tài nguyên và môi trường của các loại hình sản xuất điện nêu trên.

2. Phân tích, so sánh các chi phí tài nguyên và môi trường của một số công nghệ phát điện

Lược duyệt sơ bộ các chi phí tài nguyên và môi trường của 6 loại hình phát điện (nhiệt điện, thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối và điện hạt nhân) được tổng hợp trong Bảng 1.

Bảng 1: Tổng hợp các chi phí tài nguyên và môi trường của một số công nghệ phát điện:

tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt

a. Giai đoạn xây dựng

Một dự án phát điện bao gồm nhiều hạng mục công trình khác nhau: Công trình xây dựng xưởng sản xuất hay các thiết bị phát như là turbine hay tấm pin mặt trời, bãi chứa nguyên liệu, văn phòng và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, bến cảng, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, hệ thống xử lý nước thải… Các hoạt động xây dựng gây tác động nhiều nhất đến tài nguyên và môi trường trong giai đoạn này bao gồm: Giải phóng và san lấp mặt bằng, di chuyển của các phương tiện máy móc và xây dựng cơ bản.

Chi phí tài nguyên:

+ Chi phí liên quan đến tiêu thụ tài nguyên

Hoạt động xây dựng làm phát sinh các chi phí tài nguyên, liên quan đến việc sử dụng nguyên vật liệu cơ bản cho xây dựng (đá, sỏi, cát, xi măng, sắt thép, gốm sứ, nhựa…); tài nguyên nước (cho hoạt động sinh hoạt và xây dựng cơ bản); và nhiên liệu, năng lượng (xăng, dầu) phục vụ cho quá trình vận hành của máy móc xây dựng, các phương tiện vận tải. Mức độ tiêu tốn nguyên vật liệu phụ thuộc vào quy mô và từng loại của công trình. Chẳng hạn như điện gió, điện mặt trời tốn nhiều nguyên liệu là sắt thép; nhiệt điện cần nhiều nguyên vật liệu xi măng, cát, sỏi hơn.

+ Chi phí liên quan đến sử dụng đất

Chiếm dụng đất của các dự án phát điện làm thay đổi mục đích sử dụng đất. Theo quy mô sử dụng đất, thủy điện là loại hình phát điện chiếm dụng nhiều nhất, phần lớn trong số đó đến từ lòng hồ chứa thủy điện. Trung bình một nhà máy nhiệt điện có công suất 600 MW sẽ phải cần một diện tích đất tối thiểu 40 ha. So với nhiệt điện, các nhà máy điện gió chiếm dụng một diện tích đất lớn hơn do mật độ năng lượng của gió thấp hơn, trong khi kích thước của turbine lại lớn. Các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo Quốc gia Hoa Kỳ đã khảo sát 172 dự án điện gió quy mô lớn và cho biết cần khoảng 1,5 ha đất để bố trí một turbine 2 MW [1]. Cho đến nay, vùng đất trống dưới chân các turbine vẫn chủ yếu dưới dạng đất nhàn rỗi, do các lo ngại về an ninh, an toàn và tác động của hiệu ứng sinh ra trong quá trình vận hành. Mức độ sử dụng đất của điện mặt trời cao hơn 20% so với các công trình nhiệt điện truyền thống. Các dự án quang điện có hệ số sử dụng đất rất cao, lên đến 90%, tuy nhiên một nhà máy quang điện cũng cần một diện tích đất hay mặt nước tối thiểu từ 4 – 5 ha cho 1 MW công suất lắp đặt (IEA).

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất rừng, đất mặt nước, khu vực cửa sông… thành đất xây dựng gây tổn hại đến tài nguyên sinh vật trong khu vực. Ngoài ra, hoạt động đào, đắp, công trình, nạo vét dòng chảy còn ảnh hưởng đến cảnh quan thẩm mỹ chẳng hạn như cảnh quan vùng lòng hồ thủy điện hay sự xuất hiện các kiến trúc xây dựng mới tại địa phương (turbine gió hay tấm panel mặt trời).

Chi phí môi trường:

Hoạt động xây dựng làm phát sinh chất thải rắn: nguyên vật liệu xây dựng phế thải như gạch ngói, xi măng, cốp pha, sắt thép vụn; chất thải rắn sinh hoạt; khối lượng bùn đất nạo vét từ lòng sông, kênh dẫn… Nước thải phát sinh chủ yếu từ sinh hoạt của công nhân tại hiện trường có khả năng thu gom và xử lý triệt để, trong khi nước thải xây dựng mang tính chất phân tán và khó có khả năng thu gom.

Tiêu thụ nhiên liệu của các phương tiện máy móc thi công và làm phát sinh khí thải từ hoạt động giao thông, vận tải và vận hành máy móc xây dựng chủ yếu là CO2, SO2, NOx và một số loại khác. Chi phí môi trường của việc tiêu thụ nhiên liệu và phát thải thuộc nhóm chi phí trực tiếp.

Các tổn hại sức khỏe thường mang tính chất cục bộ do tiếp xúc thường xuyên của công nhân trên hiện trường với các chất ô nhiễm khói, bụi. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: Đau mắt, viêm dị ứng da, các bệnh về hô hấp, suy giảm thính giác.

b.Giai đoạn vận hành

Chi phí tài nguyên

+ Chi phí liên quan đến tiêu thụ tài nguyên

Công nghệ nhiệt điện, bao gồm cả điện hạt nhân, sử dụng quá trình đốt cháy nhiên liệu để cung cấp năng lượng cho máy phát. Lượng than đá, dầu mỏ, khí tự nhiên là các nguồn năng lượng không tái tạo, việc khai thác và sử dụng chúng làm suy giảm trữ lượng theo thời gian. Mặt khác, quá trình khai thác các dạng tài nguyên này cũng gián tiếp tiêu tổn hại đến các tài nguyên khác như tài nguyên nước, tài nguyên đất, thảm thực vật trên đất… Mức sử dụng phụ thuộc vào quy mô công suất và hiệu suất đốt của lò hơi.

Bảng 2: Lượng nhiên liệu trung bình cần để sản xuất 1 MWh điện[3]

tm-img-alt(Nguồn: Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ)

Điện mặt trời, điện gió sử dụng nguồn năng lượng vô tận trên Trái Đất và hoàn toàn miễn phí. Chỉ riêng trên lãnh thổ Việt Nam, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới và Bộ Công Thương, giá trị bức xạ mặt trời dao động từ 897 kWh/m2/năm đến 2.108 kWh/m2/năm và tiềm năng kỹ thuật khả dụng lên đến 1.677,461 GW. Đối với điện gió, 39% tổng diện tích của Việt Nam có tốc độ gió trung bình lớn hơn 6 m/s ở độ cao 65m, tương đương với tổng công suất 512 GW. So với than đá, nhiệt trị của sinh khối thấp hơn nên để sử dụng được cho mục đích phát điện, các dạng sinh khối cần phải trải qua giai đoạn trồng, thu hoạch và chế biến.

Mức độ tiêu thụ nước trong các nhà máy điện chạy khí tự nhiên và dầu nhẹ (LFO) thường thấp hơn các nhà máy sử dụng dầu nặng (HFO) và thấp hơn rất nhiều so với các nhà máy điện chạy than, ước tính khoảng trên 2,5 m3/MWh[10]. Một nhà máy điện hạt nhân tiêu thụ trung bình từ 1,5 đến  3,2 m3 cho mỗi MWh điện được phát, bao gồm cả quá trình khai thác và chế biến thanh nhiên liệu [2].

Bảng 3: Tiêu thụ nước cho một số công nghệ phát điện sử dụng hệ thống làm mát OT

tm-img-alt

Ngoài ra, một số công nghệ phát điện đòi hỏi thêm một số phụ gia, hóa chất bổ sung: Đá vôi, amoniac… (nhiệt điện than, dầu, khí, sinh khối); CO2, nước nặng, natri, chì, thủy ngân… (điện hạt nhân).

Chi phí môi trường:

+ Chi phí liên quan đến phát thải

Phát thải là mối quan tâm hàng đầu của các dự án sản xuất điện. Thủy điện phát thải một lượng khí nhà kính gián tiếp thông qua quá trình phân hủy yếm khí do nước dâng trong hồ đập. Theo Barros và cộng sự [6], một hồ thuỷ điện có diện tích 3,4 × 105 km2 phát thải tổng lượng carbon khoảng 51×106 tấn, trong đó 48×106 tấn CO2 và 3×106 tấn CH4 mỗi năm. Louis và cộng sự [11] ước tính rằng lượng CH4 phát thải từ các hồ nhân tạo cho thuỷ điện có thể chiếm 12% tổng lượng phát thải CH4 toàn cầu. Điện sinh khối phát thải bụi, khí CO2 nhưng lại được bù trừ bởi nguyên liệu sử dụng – dạng nguyên liệu có khả năng tái sinh và tận dụng, còn số này đối với điện gió và điện mặt trời là không đáng kể.

Nhiệt điện có mức phát thải lớn nhất cả về chất thải rắn, nước thải và khí thải. Khí thải phát sinh từ hoạt động đốt than, dầu, khí có thể bao gồm CO2, CO, SO2, NOx và một số kim loại bay hơi, trong đó chủ yếu là CO2. Nguồn chất thải rắn chủ yếu là tro – xỉ, oxit kim loại. Thực tế vận hành các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam, mức thải tro – xỉ được đánh giá khoảng 0,25 tấn/MWh, trong đó xỉ chiếm khoảng 40%. Đối với tro xỉ, việc tiêu thụ hoàn toàn lượng thải này đang gặp nhiều thách thức với các công nghệ hiện tại. Tại các nước phát triển, tro xỉ được tái sử dụng cho các mục đích xây dựng và nguyên liệu sản xuất xi măng. Tuy nhiên, vấn đề này tại các nước đang phát triển đang gặp những rào cản nhất định về pháp lý và kinh tế - kỹ thuật.

Bảng 4: Phát thải một số chất ô nhiễm trên mỗi kWh điện được phát từ một số công nghệ phát điện

tm-img-alt

Nước thải từ các nhà máy nhiệt điện chủ yếu đến từ dạng nước làm mát có nhiệt độ khá cao khi đi vào môi trường bên cạnh nước thải bị nhiễm dầu và than. Nước thải từ nhà máy điện hạt nhân có nguy cơ nhiễm xạ cao là mối quan tâm hàng đầu của các nhà quản lý.

Điện gió và điện mặt trời làm phát sinh một lượng khí thải và chất thải rắn rất ít, phần chủ yếu đến từ mặt đất. Tuy nhiên, tiếng ồn và hiệu ứng nhấp nháy của điện gió được tạo ra do tương tác giữa ánh nắng và cánh turbine lúc quay lại là một vấn đề lớn đối với môi trường. Các hiệu ứng này gián tiếp gây ra các vấn đề sức khỏe đối với người dân và tập tính sinh hoạt của các loài hoang dã. Các sản phẩm chất thải rắn cuối cùng từ quá trình đốt nhiên liệu sinh khối có thể được sử dụng cho mục đích cải tạo đất trong nông nghiệp.

Ngoài nước thải cho mục đích làm mát và sinh hoạt, điện hạt nhân còn tạo ra một lượng chất thải rắn có nguy cơ nhiễm xạ cao. Trong số các nhà máy điện sử dụng quá trình nhiệt, điện hạt nhân làm thất thoát một lượng hơi nước lớn nhất vào khí quyển.

+ Chi phí liên quan đến sự thay đổi môi trường sinh thái

Việc lựa chọn vị trí xây dựng các nhà máy điện luôn được cân nhắc cẩn thận nhưng không thể tránh khỏi các tác động đến hệ sinh thái (cả trên cạn và dưới nước) qua đó trực tiếp tác động đến đời sống hoang dã. Thủy điện làm thay đổi một vùng rộng lớn các hệ sinh thái mang tính liên đới và chuyển tiếp rừng – dòng chảy bằng cách tạo ra môi trường hoàn toàn mới như đất ngập nước hay biến chế độ dòng chảy tự nhiên thành chế độ nước tĩnh… Chế độ nước thay đổi, còn làm gia tăng nguy cơ xói lở ở các vùng hạ lưu… Các nghiên cứu trường hợp về đa dạng sinh học tại các dòng sông lớn đã cho thấy rằng, sự suy giảm số lượng quần thể các loài cá là rõ rệt, một số loài có tần suất xuất hiện ít đi, đặc biệt là các loài bản địa có kích thước lớn. Việc tối đa hóa việc khai thác tiềm năng kỹ thuật của các con sông bằng cách xây dựng các bậc thang thủy điện đã và đang trở thành mối đe dọa thường trực trong việc bảo tồn dòng chảy và hệ sinh thái dòng sông.

Đối với các nhà máy nhiệt điện, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất rừng, đất mặt nước, đất bãi triều có thể để lại nhiều hậu quả nếu không xem xét kĩ lưỡng các vấn đề sinh thái – môi trường trong dài hạn. Lắng đọng các chất ô nhiễm tiềm năng làm ô nhiễm nước, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống thủy sinh. Nhiệt độ của nước làm mát luôn cao hơn nhiệt độ môi trường từ 8 – 100C cũng là yếu tố cần phải xem xét cẩn trọng trước khi xả thải vào môi trường.  

Các turbine gió ảnh hưởng nhiều đến tập tính di cư một số loài chim, dơi và tăng khả năng va chạm của các loài này với cánh quạt turbine. Các nghiên cứu sinh thái học đã đưa ra được những bằng chứng về tác động của turbine gió đến các loài chim và sinh vật biển. Ảnh hưởng của turbine gió đến các loài chim được thể hiện rõ ràng nhất thông qua việc làm tăng rủi ro tử vong và xáo trộn quần thể. Những phân tích cho thấy việc va chạm vào cánh quạt đã làm cho những con chim bị chết (Barclay và cộng sự 2007; Barrios và Rodriguez, 2004; Carrete và cộng sự, 2009; Loss và cộng sự, 2013) và những con dơi (Hayes, 2013; Lehnert và cộng sự, 2014; Voigt và cộng sự, 2015; Wang và Wang, 2015). Loss và cộng sự (2013) ước tính trung bình có hơn 234.000 con chim bị chết mỗi năm do va chạm vào các turbine gió ở Mỹ, hay trung bình 2,3 con/turbine/năm đối với rôto có dải đường kính trong khoảng 33 – 72m.

Điện mặt trời với các tấm pin có thể che khuất hoàn toàn mặt đất và mặt nước nơi chúng được lắp đặt, ảnh hưởng trực tiếp đến các loài thực vật hay thủy sinh sơ cấp trong chuỗi thức ăn. Cho đến nay, những tác động trong dài hạn của việc lắp đặt các tấm pin mặt trời chưa được nghiên cứu rõ ràng.

Với đặc thù riêng về mức độ nguy hiểm, các nhà máy điện hạt nhân luôn được vận hành ở mức an toàn cao nhất. Tuy nhiên, vẫn còn có những rủi ro liên quan đến chất thải bị nhiễm xạ rò rỉ ra môi trường, ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Ghi nhận từ các sự cố liên quan đến nhà máy điện hạt nhân trong quá khứ là minh chứng rõ ràng nhất về mức độ nguy hiểm của loại hình phát điện này.

+ Chi phí liên quan đến rủi ro sức khỏe cộng đồng

Phát thải từ vận hành nhà máy điện làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng trong dài hạn. Đối với nhiệt điện, quá trình lan truyền, tương tác và lắng đọng các chất ô nhiễm trong khí quyển sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và năng suất mùa màng. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra tương quan giữa sự gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm với một số loại bệnh về hô hấp, tim mạch, tâm lý… thông qua các bằng chứng về dịch tễ học và độc học môi trường.

Nghiên cứu được công bố năm 2011 về chi phí ngoại ứng của hoạt động sản xuất nhiệt điện ở Thái Lan, Songsak Sakulniyomporn, Kuskana Kubaha và Chullapong Chullabodhi đã xem xét 9 triệu chứng bệnh tật là: viêm phế quản ở người lớn (CB); nhập viên do hô hấp (RHA), nhập viện do tim mạch (CHA), nhập viện cấp cứu (ERV), hen suyễn (ASA) ở trẻ em, hen suyễn ở người lớn, số ngày bị hạn chế hoạt động ở người lớn (RAD), số ngày bị hô hấp cấp tính (ARS). Kết quả thu được cho thấy rằng tổng chi phí thiệt hại sức khỏe trên toàn quốc xấp xỉ 600 triệu USD mỗi năm (dao động trong khoảng 152 – 1.076 triệu USD).

Các dự án điện gió và điện mặt trời làm phát sinh một lượng khí thải không đáng kể và luôn mang lại nhiều lợi ích lớn hơn về sức khỏe. Điều này đã được Dev Millstein, Ryan Wiser, Mark Bolinger và Galen Barbose (2017) chứng minh trong nghiên cứu của họ bằng việc phân tích dữ liệu từ năm 2007 đến 2015 tại Hoa Kỳ. Theo đó, lợi ích từ việc giảm phát thải từ điện gió đạt 28,4 – 107,9 tỉ USD trong giai đoạn 2007 – 2015 trên toàn nước Mỹ, trung bình ở mức 5,1 cent/kWh đối với các lợi ích về chất lượng không khí và sức khỏe cộng đồng. Phát triển điện gió làm giảm được là 2.900 – 12.200 số tử vong trước tuổi trưởng thành.

Tác động chủ yếu của điện gió đối với sức khỏe con người chủ yếu do tiếng ồn (bao gồm tiếng ồn có thể nghe được, tiêng sồ tần số thấp và siêu âm), trường điện từ (EMF) và hiệu ứng nhấp nháy. Các nghiên cứu trên các turbine quy mô nhỏ cho thấy mức âm từ khoảng cách 40m so với turbine thay đổi từ 50 đến 60 dBA. Mức ồn phụ thuộc nhiều vào số lượng turbine đang hoạt động. Ví dụ, mức ồn trong một ngôi nhà cách một turbine đơn 500m thường nằm trong khoảng 25 – 35 dBA nhưng với khoảng cách tương tự cho 10 turbine có thể từ 35 – 40 dbA. Các nghiên cứu về bộc lộ sở thích cho thấy rằng mọi người bị làm phiền bởi tiếng ồn của turbine gió (Groth và Vogt, 2014; Shepherd và cộng sự, 2011; Shepherd và cộng sự, 2014; Whitfield Aslund và cộng sự, 2013). Sự phiền toái gây ra các chấn động về tâm lý, chiếm 50% số lượng người được hỏi. Tiếng ồn cũng liên quan đến tình trạng sức khỏe yếu bằng cách làm xáo trộn giấc ngủ (Onakpoya và cộng sự, 2015). Đa phần số người được phỏng vấn luôn biểu lộ thái độ tiêu cực đối với các cánh đồng gió theo các khảo sát của Feder và cộng sự, 2015; Pedersen và Larsman, 2008; và một số nghiên cứu trước đó.

Trường điện từ tác động đến sức khỏe con người thông qua các biểu hiện như khó ngủ, mệt mỏi, trầm cảm, cáu gắt, rối loạn chức năng nhận thức… Hiệu ứng nhấp nháy (flicker) tạo ra nguy cơ tiềm ẩn kích thích sự co giật ở tỉ lệ 1,7 người trên 100.000 người bị chứng động kinh cảm quang. Cho đến nay, vẫn chưa có ghi nhận nào đáng kể về tác động của điện mặt trời đối với sức khỏe con người.

+ Chi phí tổn thất vật liệu và các công trình lịch sử

Các chất ô nhiễm SO2, NOx và các muối nitrat, O3, muối clorua trong khí quyển có khả năng phá hủy vật liệu xây dựng. Các vật liệu nhạy cảm nhất đối với các chất ô nhiễm thuộc nhóm đá vôi và sắt. Sự tương tác giữa các chất ô nhiễm trong khí quyển có thể tạo ra các hợp chất mới có tính oxi hóa cao và tác động đến vật liệu thông qua quá trình lắng đọng khô hay lắng đọng ướt. Biểu hiện rõ nhất của tổn thất là mất mát khối lượng, thay đổi độ xốp, đổi màu và bị giòn hóa.

Bảng 5: Các chất ô nhiễm không khí chủ yếu và thiệt hại đối với vật liệu

tm-img-alt(Nguồn: Yocum và Baer, 1984)

Đối với thủy điện, các rung chấn do động đất kích thích phát sinh từ cột nước khổng lồ trên đới đứt gãy có thể ảnh hưởng đến các công trình xây dựng trong khu vực.

Chi phí liên quan đến sự cố vận hành, tai nạn lao động và xử lý vật liệu sau khi hết chu trình hoạt động

Các sự cố trong quá trình vận hành có thể gây thiệt hại về người và tài sản do các nguyên nhân chủ quan và khách quan. Có thể liệt kê một số dạng sự cố như: Các nguy cơ vỡ đập, động đất kích thích, xả lũ làm hư hỏng nhà cửa, tính mạng và tài sản người dân; Sự cố vỡ đê bao bãi thải xỉ, hỏng học hệ thống xử lý bụi, khí thải, các sự cố về cháy, nổ… Sự cố liên quan đến nhà máy điện hạt nhân Cherobyl (1986) và Fukishima 2011) là điển hình và minh chứng rõ ràng nhất đối với vấn đề này.

Ngoài ra, vòng đời của một dự án phát điện cần phải tính đến chi phí xử lý các công trình, thiết bị máy móc, phương tiện sau khi kết thúc chu trình hoạt động để đảm bảo các yêu cầu an toàn về môi trường và sức khoẻ (tấm pin mặt hỏng, turbine hỏng, thùng đựng hoá chất, bồi lấp đầy hồ chứa thuỷ điện hay việc tháo dỡ nhà máy…).

3. Kết luận

Bên cạnh các lợi ích về kinh tế và an sinh xã hội, các dự án điện đều gây ra những tổn thất nhất định đến tài nguyên và môi trường và có thể cấu thành các dạng chi phí. Các nhà máy nhiệt điện chạy than gây tổn hại nhiều nhất đối với tài nguyên và môi trường. Phần lớn các chi phí này nằm ở khâu tiêu thụ nhiên liệu và phát thải. Các nguồn năng lượng tái tạo có ưu thế khi tận dụng được nguồn năng lượng vô tận từ mặt trời, gió, sinh khối, thủy năng và có mức phát thải cực kì thấp. Các công nghệ điện tái tạo đang dần trưởng thành để đạt mức tối ưu về kinh tế - kĩ thuật và tỏ rõ nhiều ưu thế trong bối cảnh nhận thức toàn cầu ngày càng tăng đối với biến đổi khí hậu. Điện hạt nhân có mật độ năng lượng cao nhưng lại đi kèm với các rủi ro liên quan đến sự cố an toàn đang đặt ra nhiều mối quan ngại cho người dân và chính phủ các nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. https://sciencing.com/much-land-needed-wind-turbines-12304634.html.

2. Australian Commonwealth Department of Parliamentary Services (2006), Water requirements of nuclear power stations.

3. https://www.eia.gov/tools/faqs/faq.php?id=667&t=6.

4. International Energy Agency (2018), World Energy Outlook 2018.

5. International Renewable Energy Agency (2019), Renewable Energy Statistics 2019.

6. N. Barros, J.J Cole, L.J Tranvik, Y.T Prairie, D Bastviken, V.L.M. Huszar, P del Giorgio, và F. Roland (2011), Carbon emission from hydroelectric reservoirs linked to reservoir age and latitude, Natural Geoscience, số 4, tr. 593–596.

7. Sun C, Wang Y, Li X, và Ma S (2008), Environmental impacts of wind power generation projects, Journal of Electricity Power Science Technology, số 23(2), tr. 19-23.

8. Kaoshan Dai, Anthony Bergot, Chao Liang, Wei-Ning Xiang, và Zhenhua Huang (2014), Environmental issues associated with wind energy e A review, Renewable Energy, số 75.

9. Research Center for Energy (2011), Environment and Technology CIEMAT.

Abstract:The article lists and analyzes the environmental and resource costs of some of the most common power generation types currently in the world and in Vietnam, including: thermal power, hydroelectricity, solar power, wind power and Nuclear electricity. These types of power generation technologies differ substantially in terms of resource and environmental costs, as well as their impacts during construction and operation. Therefore, it is necessary to translate the costs of resources and the environment into the types of costs in analyzing the costs of expansion of projects, as well as determining the cost of electricity generation in any type of generation in Vietnam

Nguyễn Khắc Lĩnh - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Lưu Đức Hải - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội

Link nội dung: https://biztoday.vn/phan-tich-so-sanh-ton-that-tai-nguyen-va-moi-truong-cua-mot-so-loai-hinh-phat-dien-9307.html