VEPR dự báo GDP Việt Nam năm 2020 có thể đạt 2,8% WB: GDP Việt Nam có thể tăng 2,5 – 3% năm 2020 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tự lực tự cường, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng |
Theo đại biểu Trần Văn Tiến, năm 2020 là năm gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid- 19 và thiên tai biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế, thiệt hại nhiều tài sản và tính mạng của nhân dân. Sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội và ngân sách không đạt, một bộ phận người lao động bị mất việc làm, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, .. Bên cạnh những hạn chế của nền kinh tế năm 2020, kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước vẫn đạt được nhiều kết quả và có nhiều điểm sáng được ghi nhận.
Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: Quochoi.vn) |
Cụ thể, dịch bệnh được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam là nước thuộc nhóm các nước có số người mắc bệnh và chết thấp nhất nên được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao.
“Tăng trưởng kinh tế vẫn đạt trên 2% trong khi hầu hết các nước trong khu vực và thế giới đều có tăng trưởng âm. Với dịch bệnh như vậy mà nền kinh tế vẫn tăng trưởng dương là điều rất đáng mừng”- đại biểu Trần Văn Tiến cho hay.
Mặc dù đạt kết quả tích cực, tuy nhiên đại biểu Trần Văn Tiến đặc biệt lưu ý đến sự thay đổi về các loại chỉ tiêu. Cụ thể, thay 5 chỉ tiêu mới cho 5 chỉ tiêu thường dùng trước đây, đồng thời số lượng chỉ tiêu giữa các lĩnh vực cũng có sự thay đổi. “Đề nghị trong báo cáo nêu rõ lý do của sự thay đổi này. Chỉ tiêu tăng trưởng GDP dự kiến 6% là cao vì tình hình dịch bệnh khó lường, thiên tai biến đổi khí hậu đang xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề ở hầu hết các tỉnh. Cần xem xét lại chỉ tiêu này cho hợp lý.”- vị đại biểu này bày tỏ.
Ngoài ra, chỉ tiêu về quy mô GDP bình quân đầu người dự kiến đạt khoảng 3.700 USD là quá cao vì năm 2020 bình quân mới đạt 2.750 USD. Đề nghị xem lại tính khả thi của chỉ tiêu này. Chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%, chỉ tiêu này thấp hơn so với năm 2019 và năm 2020. Đề nghị cân nhắc thêm trong khi ta đang áp dụng và đổi mới các tiến bộ khoa học, công nghệ. Chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng không tăng bằng số liệu năm 2020. Đề nghị xem lại chỉ tiêu này. “Đề nghị bổ sung chỉ tiêu, mức tiêu hao năng lượng trên đơn vị GDP. Đây là chỉ tiêu quan trọng, phản ánh kết quả của việc đổi mới công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất và áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật để giảm mức tiêu hao năng lượng trong sản xuất, kinh doanh, phản ánh sự thay đổi cấu trúc của nền kinh tế có thể giảm mức tiêu hao năng lượng so với GDP bằng cách hạn chế các ngành hoạt động tiêu tốn năng lượng và phát triển ngành hoạt động ít tiêu hao năng lượng hơn.”- đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa- Vũng Tàu) cũng băn khoăn với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GDP.
Theo bà, đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục tác động tiêu cực trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Kinh tế và thương mại thế giới suy giảm, diễn biến khó lường. Bên cạnh đó, thiên tai, bão lũ như vừa qua ở một số tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến kinh tế nước ta.
“Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có các kịch bản, những phương án, giải pháp cụ thể để giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch Covid-19 trong điều kiện bình thường mới. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối của nền kinh tế.”- đại biểu Nguyễn Thị Yến nêu quan điểm.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm (Ảnh: Quochoi.vn) |
Trước lo ngại của một số đại biểu về mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6%, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bước vào năm 2021 dự báo nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến từ môi trường quốc tế còn nhiều rủi ro và bất định, cạnh tranh giữa các quốc gia lớn, suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng sâu rộng và kéo dài của dịch Covid-19, tình hình thiên tai, dịch bệnh trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận thấy có không ít những cơ hội và tiềm năng mà nước ta có thể nắm bắt để vươn lên phát triển mạnh mẽ như tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA với EU, cơ hội thu hút FDI từ việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế, chuyển đổi số, thương mại điện tử, sự hình thành các ngành nghề, mô hình kinh doanh mới sáng tạo, từ nguồn nhân lực dồi dào, năng động.
Do vậy, nếu tận dụng triệt để các cơ hội trên và khắc phục được những khó khăn nội tại của nền kinh tế thì khả năng đạt được mức tăng trưởng cao vào năm 2021 cũng như giai đoạn 2021-2025 là có cơ sở. Hơn nữa, do mức tăng trưởng của năm 2020 dự kiến đạt thấp, tức là chúng ta dự kiến đạt khoảng 2%-3% cũng là căn cứ để xây dựng mục tiêu tăng trưởng của năm 2021 cao hơn ở mức bình thường.
“Điều này vừa phù hợp với dự báo tăng trưởng của Việt Nam và của các tổ chức quốc tế, vừa phù hợp với thực tiễn tăng trưởng của các quốc gia trên thế giới. Việc đặt mục tiêu tăng trưởng của năm 2021 khoảng 6% cũng là nhằm động lực để quyết tâm phấn đấu cao, vừa để tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 2021-2025”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đồng ý với ý kiến của các đại biểu nêu, đó là trong quá trình điều hành phải xây dựng thêm một số kịch bản để đối phó và ứng phó cho kịp thời với tình hình diễn biến của dịch bệnh. Thứ hai là, các nhiệm vụ trọng tâm trước mắt phải tập trung vào khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất, ổn định đời sống cho người dân ở vùng bão, lũ. Tranh thủ các cơ hội mới sau khi các dịch bệnh đi qua.
Link nội dung: https://biztoday.vn/dai-bieu-quoc-hoi-lo-ngai-chi-tieu-tang-truong-gdp-nam-2021-cao-9549.html