Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Ngày 05/11/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đã có công văn chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HOSE: TPB) tăng thêm hơn 2.150 tỷ đồng vào vốn điều lệ trong năm nay. Như vậy, sau khi phương án tăng vốn được thực hiện, vốn điều lệ của TPBank sẽ đạt hơn 10.716 tỷ đồng, thay vì hơn 8.565 tỷ đồng như hiện tại.
TPBank chính là cái tên mới nhất trong danh sách những ngân hàng được SBV chấp thuận cho tăng vốn thời gian qua. Những ngân hàng đã nhận được cái “gật đầu” từ SBV trước đó gồm ACB, Techcombank, Liên Việt Post Bank, OCB, HDBank, VIB, SHB và Bắc Á Bank. Danh sách này rất có thể được bổ sung thêm những cái tên mới như Agribank và Vietinbank trong thời gian tới.
Sở dĩ các ngân hàng ráo riết tăng vốn trong thời gian qua là để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy chuẩn quản trị rủi ro Basel II, đã được hầu hết ngân hàng nêu trên triển khai từ năm 2019.
Hệ số an toàn vốn (CAR) là chỉ tiêu kinh tế phản ánh mối quan hệ giữa vốn tự có với tài sản có điều chỉnh rủi ro của ngân hàng thương mại. Hệ số này càng cao có nghĩa là tiềm lực tài chính và khả năng chịu đựng rủi ro khi phải đối mặt với những tình huống căng thẳng của ngân hàng càng lớn.
Theo quy định, các ngân hàng đã triển khai Basel II sẽ luôn phải duy trì hệ số CAR tối thiểu là 8%. Ở thời điểm hiện tại, hệ số CAR những ngân hàng kể trên vẫn đang ở mức an toàn, như HDBank là 10,9%, SHB (10,36%), VIB (9,69%). Nhưng nếu không tăng vốn, hệ số này sẽ giảm dần khi tài sản có rủi ro của các ngân hàng tăng lên. Hay nói cách khác, hoạt động mở rộng kinh doanh cấp tín dụng của các ngân hàng sẽ bị hạn chế bởi giới hạn an toàn nếu không thể tăng vốn điều lệ kịp thời.
Cụ thể ở trường hợp TPBank, trong công văn gửi các cổ đông để xin ý kiến về việc tăng vốn, ngân hàng TPBank cũng đã giải thích rõ mục đích tăng vốn nhằm: “Đảm bảo tuân thủ và đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, thực hiện các chuẩn mực tại Hiệp ước Basel II theo quy định của Ngân hàng Nước Việt Nam”.
Mặc dù ở thời điểm cuối quý 3, hệ số CAR của TPBank là 11,4%, vượt khá xa so với mức tối thiểu 8% được quy định, điều gì đã khiến ngân hàng này nói riêng, và cả những ngân hàng khác, quyết tâm chuẩn bị tăng cường tiềm lực vốn như vậy?
Câu trả lời nằm ở báo cáo tài chính 3 quý vừa qua của các ngân hàng. Theo đó, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn trên thị trường, thực hiện chính sách hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn vì dịch bệnh, đa số ngân hàng vẫn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận hàng chục phần trăm. Đơn cử như lợi nhuận của TPBank đã tăng xấp xỉ 26% so với cùng kỳ.
Theo “Báo cáo Cập nhật Triển vọng phát triển châu Á 2020” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ chậm trong năm 2020, nhưng sẽ bật mạnh lên mức 6,3% ở năm 2021 nhờ thành công kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ và sự phục hồi kinh tế trong nước. Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Chính phủ cũng đã đề xuất mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm sau ở mức 6%.
Dựa trên đà tăng trưởng ở năm 2020, và nếu kinh tế phục hồi đúng như các dự báo, nhu cầu tín dụng từ các ngân hàng sẽ tăng cao do ngân hàng vẫn được coi là kênh cấp vốn chính trong nền kinh tế hiện tại. Vì vậy, việc các ngân hàng như TPBank quyết liệt thực hiện kế hoạch tăng vốn trong năm nay không chỉ nhằm tăng cường năng lực tài chính để duy trì hệ số an toàn cao, mà nhìn xa hơn là sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho kế hoạch “tăng lực” cho phần “bứt tốc” trong cuộc đua ở năm sau.
Lãi suất LienVietPostBank mới nhất tháng 11/2020 Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) mới công bố biểu lãi suất huy động tháng 11 và có sự điều chỉnh giảm tại ... |
Lãi suất ABBank mới nhất tháng 11/2020 Trong tháng 11 này, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) công bố biểu lãi suất mới, trong đó có điều chỉnh giảm tại một số ... |
Lãi suất ngân hàng nào cao nhất tháng 11/2020? Khảo sát mới nhất tại 30 ngân hàng thương mại trong nước, lãi suất tiền gửi tiết kiệm có nhiều sự thay đổi. Một số ... |
Link nội dung: https://biztoday.vn/cuoc-dua-tang-von-ngan-hang-hua-hen-nong-hon-trong-nam-2021-9724.html