Hộp sọ này của một người đàn ông Paranthropus robustus, một loài "họ hàng" với Homo erectus - loài được cho là tổ tiên trực tiếp của người hiện đại. Hai loài sống cùng một thời điểm, tuy nhiên, Paranthropus robustus đã tuyệt chủng sớm hơn.
Hộp sọ 2 triệu năm tuổi của loài Parathropus robustus. Ảnh: Đại học La Trobe. |
Nhóm nghiên cứu mô tả phát hiện này là rất thú vị. "Hầu hết mẫu hoá thạch chỉ là một vài chiếc răng rải rác, do vậy tìm được những thứ như này là rất hiếm, rất may mắn", tiến sĩ Angeline Leece chia sẻ với BBC.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học La Trobe của Melbourne đã tìm thấy các mảnh vỡ của hộp sọ vào năm 2018 tại địa điểm khảo cổ Drimolen ở phía bắc Johannesburg. Nó được phát hiện tại nơi tìm thấy hộp sọ của một đứa trẻ Homo erectus có niên đại tương tự vào năm 2015 chỉ vài mét.
Hoá thạch được tìm thấy tại địa điểm khảo cổ Drimolen. Ảnh: Đại học La Trobe. |
Các nhà khảo cổ sau đó đã dành vài năm để ghép lại và phân tích mẫu hoá thạch. Những phát hiện của họ được công bố trên tạp chí Nature, Ecology và Evolution vào 10/11.
Jesse Martin, đồng nghiên cứu trong dự án này, nói với BBC rằng việc xử lý các mảnh hoá thạch giống như làm việc với "bìa cứng ướt". Ông cũng nói thêm rằng ông đã sử dụng ống hút nhựa để loại bỏ những vết bẩn cuối cùng khỏi hoá thạch.
Người ta cho rằng ba loài hominin (sinh vật giống người) sống ở Nam Phi cùng một lúc và cạnh tranh với nhau.
Ông Martin cho biết, việc khám phá hộp sọ đã cho thấy một ví dụ hiếm hoi về "sự tiến hoá vi mô" của loài người.
Paranthropus robustus có răng lớn và não nhỏ, khác với Homo erectus có não lớn và răng nhỏ. Người ta tin rằng chế độ ăn của các sinh vật giống người trước đây chủ yếu gồm các loạt thực vật cứng như củ và vỏ cây.
Các nhà nghiên cứu mất 300 giờ để ghép các mảnh của hộp sọ với nhau. Ảnh: Đại học La Trobe. |
Tiến sĩ Leece cho biết: "Theo thời gian, Paranthropus robustus có khả năng tiến hoá để sinh sản và tạo ra lực mạnh hơn để cắn và nhai thức ăn cứng hoặc khó xử lý bằng hàm và răng".
Các nhà khoa học cho biết có thể do môi trường ẩm ướt hơn do biến đổi khí hậu gây ra đã làm giảm lượng thức ăn sẵn có cho chúng. Trong khi đó, loài Homo erectus, với hàm răng nhỏ hơn, có khả năng ăn được cả thực vật và thịt.
"Hai loài khác nhau này đại diện cho các thí nghiệm khác nhau về tiến hoá", Tiến sĩ Leece cho biết.
"Mặc dù cuối cùng chúng ta là dòng giống đã chiến thắng, những hoá thạch được ghi nhận cho thấy hai triệu năm trước, Paranthropus robustus đông đúc hơn nhiều so với Homo erectus".
Link nội dung: https://biztoday.vn/phat-hien-hop-so-2-trieu-nam-cua-loai-anh-em-voi-to-tien-loai-nguoi-9820.html