Pháp lý hồ sơ vay chưa chuẩn, VDB Bình Thuận vẫn giải ngân?

Mặc dù đã giải ngân cho Công ty Hoàng Linh 18 lần với tổng số tiền 12,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại mỗi đợt giải ngân, VDB Bình Thuận không thu thập, lưu giữ chứng từ, hóa đơn và báo cáo quyết toán…

phap-ly-ho-so-vay-chua-chuan-vdb-binh-thuan-van-giai-ngan-3-1619419777.jpg
Thông báo kết luận Thanh tra về loạt sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất để thực hiện dự án trồng cao su, các khoản vay nợ tại VDB Bình Thuận của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận và Công ty TNHH Hoàng Linh. Ảnh: Nguyễn Giang

 

Mới đây, Thanh tra tỉnh Bình Thuận vừa thông báo kết luận Thanh tra về loạt sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất để thực hiện dự án trồng cao su, các khoản vay nợ tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam - chi nhánh Bình Thuận (VDB Bình Thuận) của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận và Công ty TNHH Hoàng Linh.

Cụ thể, theo Kết luận Thanh tra của Thanh tra tỉnh Bình Thuận, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận (Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận) được UBND tỉnh Bình Thuận cho thuê gần 749ha đất và cấp Giấy chứng nhận đầu tư với 805ha đất để trồng cây cao su và trồng rừng nguyên liệu.

Đặc biệt, Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục về đất đai và đầu tư dự án theo quy định.

Dù chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý đầu tư dự án nhưng doanh nghiệp này đã ký hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh trồng cây cao su với Công ty TNHH Hoàng Linh (Công ty Hoàng Linh) với diện tích 460ha đất. Trong đó, có 40ha nằm trong phần diện tích 805ha buộc phải làm thủ tục Nhà nước cho thuê đất.

phap-ly-ho-so-vay-chua-chuan-vdb-binh-thuan-van-giai-ngan-2-1619419826.jpg
Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận chưa thực hiện đúng quy định về đất đai, chưa quản lý tốt đất đai và có biểu hiện tùy tiện trong sử dụng đất Nhà nước cho thuê. Ảnh TL

 

Kết luận Thanh tra cũng khẳng định, Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận chưa thực hiện đúng quy định về đất đai, chưa quản lý tốt đất đai và có biểu hiện tùy tiện trong sử dụng đất Nhà nước cho thuê.

Thực tế, trong quá trình hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh, Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận chưa bàn giao đủ đất trồng cây cao su cho Công ty Hoàng Linh. Hiện, Công ty Hoàng Linh chỉ trồng được gần 377ha/460ha cây cao su theo hợp đồng đã ký kết.

Đáng nói, dù Công ty Hoàng Linh chỉ trồng được gần 377ha cây cao su nhưng Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận đã xác nhận Công ty Hoàng Linh đã trồng 460ha để lập hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng VDB Bình Thuận.

Theo Thanh tra tỉnh Bình Thuận, Công ty Hoàng Linh lập hồ sơ không đúng thực tế để được vay vốn tại VDB Bình Thuận với số tiền 14,5 tỷ đồng.

phap-ly-ho-so-vay-chua-chuan-vdb-binh-thuan-van-giai-ngan-1-1619419853.jpg
Theo Thanh tra tỉnh Bình Thuận, Công ty Hoàng Linh lập hồ sơ không đúng thực tế để được vay vốn tại VDB Bình Thuận với số tiền 14,5 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Giang

 

Theo cơ quan Thanh tra, trong quá trình thẩm định, cán bộ thẩm định đánh giá năng lực tài chính của chủ đầu tư đủ khả năng để trồng và chăm sóc diện tích cao su tại xã La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc). Vì, ngoài 14,5 tỷ đông vốn vay tại VDB Bình Thuận, Công ty Hoàng Linh còn 12,3 tỷ đồng là nguồn thu từ các dự án trước đó của Công ty.

Nhưng qua xem xét các báo cáo tài chính thể hiện lợi nhuận trước thuế của Công ty Hoàng Linh, cơ quan thanh tỉnh Bình Thuận ghi nhận rất thấp.

Cụ thể, con số lợi nhuận của Công ty Hoàng Linh trong năm 2005 là 4,8 triệu đồng và năm 2006 là 12 triệu đồng. Ngoài ra, các hợp đồng kinh doanh mủ cao su của Công ty không có số liệu cụ thể, không thu thập đủ tài liệu chứng minh.

phap-ly-ho-so-vay-chua-chuan-vdb-binh-thuan-van-giai-ngan-5-1619419935.jpg
 
Trong 10 tổ chức tín dụng được kiểm toán báo cáo tài chính, năm 2018, chỉ có VDB lỗ 866 tỉ đồng. Lỗ lũy kế đến 31/12/2018 là 4.873 tỉ đồng. Ảnh: Thanh niên

 

Đối với công tác giải ngân, VDB Bình Thuận đã giải ngân cho Công ty Hoàng Linh tổng cộng 18 lần với tổng số tiền 12,5/14,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại từng đợt giải ngân, ngoài các giấy đề nghị rút vốn và các bảng tính chi phí do Công ty Hoàng Linh cung cấp, VDB Bình Thuận chưa thu thập, lưu giữ chứng từ, hóa đơn liên quan đến chi phí của dự án trồng 460ha cây cao su; chưa thu thập báo cáo quyết toán của từng đợt giải ngân.

Dù không thể đo đạc chính xác diện tích cây cao su trồng thực tế của Công ty Hoàng Linh nhưng VDB Bình Thuận đã không yêu cầu Công ty Hoàng Linh thuê đơn vị có chức năng đo đạc và xác nhận diện tích trồng cây cao su thực tế mà chỉ yêu cầu phía Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận xác nhận là chưa khách quan”, Kết luận của Thanh tra tỉnh Bình Thuận nêu rõ.

Giữa năm 2020, cũng liên quan tới việc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) giải ngân cho vay chưa chặt chẽ, sau khi kiểm toán VDB, Kiểm Toán Nhà nước đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an), đề nghị điều tra, xử lý sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty CP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam, Công ty TNHH Xây dựng Phúc Hưng và một số tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc vay vốn, bảo lãnh vay vốn, sử dụng vốn vay không đúng quy định.

Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã có văn bản số 1298/ANĐT-P4 thông báo việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết nội dung kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng đã phát hiện nhiều vấn đề khác của VDB, kiến nghị xử lý trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân liên quan. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của VDB rất cao, tại thời điểm 31/12/2018 chiếm 17,2% tổng dư nợ.

Liên quan đến khoản vay của Công ty CP Tập đoàn Thái Hoà Việt Nam đã được chuyển Bộ Công an, Kiểm toán Nhà nước kết luận, Sở Giao dịch 1 - VDB giải ngân cho vay chưa chặt chẽ. Công ty CP Tập đoàn Thái Hòa có dấu hiệu lập khống hồ sơ mua bán hàng hoá giữa công ty mẹ và công ty con để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn và không phối hợp với ngân hàng trong việc kiểm tra hàng hóa hình thành từ vốn vay.

Nợ khó có khả năng thu hồi tại 31/12/2018 của Công ty CP Tập đoàn Thái Hòa là 337,1 tỉ đồng.

VDB cũng đầu tư tài chính không hiệu quả khi góp 3.690 tỉ đồng vào Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam để đầu tư Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhưng dự án chưa cân đối được dòng tiền, VDB không thu được lợi nhuận kể từ khi góp vốn năm 2007.

Đến 31/12/2018, trong có 54 dự án cho vay lại được thực hiện từ trước năm 2010 quá hạn thì ủy thác qua VDB chiếm 43 dự án, BIDV 8 dự án, VCB 3 dự án, với dư nợ là 5.122 tỉ đồng trong đó các khoản nợ quá hạn chưa thanh toán là 3.551,68 tỉ đồng.

Trong 10 tổ chức tín dụng được kiểm toán báo cáo tài chính, năm 2018, chỉ có VDB lỗ 866 tỉ đồng. Lỗ lũy kế đến 31/12/2018 là 4.873 tỉ đồng.

Link nội dung: https://biztoday.vn/phap-ly-ho-so-vay-chua-chuan-vdb-binh-thuan-van-giai-ngan-99433.html