Bài 1: Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang bị tố "bắt tay không đoan trang" với nhà đầu tư?

Bỏ tiền tỷ mua căn hộ dịch vụ du lịch (Condotel), nhưng suốt 6 năm qua, nhà đầu tư vẫn không nhận được lợi nhuận như cam kết ban đầu. Lãi chẳng thấy đâu mà lại có nguy cơ rơi vào tình cảnh "mang con bỏ chợ"

Bỏ tiền tỷ, mua về “tài sản” bất động

Năm 2016, ông Đ.T.H bỏ hơn 1 tỷ đồng để mua căn hộ dịch vụ du lịch tại dự án Diamond Bay – Condotel Resort. Diamond Bay – Condotel Resort có địa chỉ nằm tại vịnh Kim Cương, Đại lộ Nguyễn Tất Thành, thuộc xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa do Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang làm chủ đầu tư. Thời điểm đó, loại hình căn hộ dịch vụ du lịch bùng nổ mạnh mẽ bởi mô hình cam kết lợi nhuận và cơ chế chia sẻ thu nhập.

Cũng như nhiều nhà đầu tư khác, ông H. kỳ vọng, bỏ tiền tỷ ra coi như một khoản tích luỹ dần, mỗi tháng nhận được khoản tiền lãi đều đặn. Dù lúc mua căn hộ, ông H. phải vay người thân, bạn bè và ngân hàng.

ong-hung-1655109533.jpg

Nhà đầu tư đang hoang mang khi lỡ bỏ tiền đầu tư loại hình Condotel tại dự án Diamond Bay – Condotel Resort

Ông H. kể, điều mà ông và nhiều khách hàng quyết định lựa chọn căn hộ dịch vụ lịch tại Diamond Bay – Condotel Resort là bởi nhân viên kinh doanh quảng cáo sản phẩm được sở hữu lâu dài, có giấy xác nhận quyền sở hữu. Tin tưởng rằng, với pháp lý đầy đủ như vậy thì việc bỏ tiền vào căn hộ dịch vụ du lịch sẽ hạn chế rủi ro.

Theo như quảng cáo, ông H. sẽ nhận được thu nhập được đảm bảo là 8% giá trị căn hộ/1năm. Từ năm thứ sáu trở đi sau ngày bắt đầu, số thu nhập nhận được sẽ theo kết quả hoạt động kinh doanh. Con số này được tính bằng thu nhập sau thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo từng năm. Cụ thể, khách hàng sẽ được nhận 70% thu nhập sau thuế (khoản này được tính  = (tổng doanh thu từ nhóm căn hộ - chi phí hoạt động – thuế thu nhập doanh nghiệp) /tổng số căn hộ trong nhóm căn hộ. Tuy nhiên, hơn 6 năm trôi qua, ông H. vẫn chỉ mới nhận được khoảng 1,5 kỳ lợi nhuận (mỗi kỳ tương đương 6 tháng). Số tiền cam kết lợi nhuận còn lại cũng không được chủ đầu tư chi trả. Và đặc biệt, số tiền lợi nhuận từ khai thác kinh doanh căn hộ dịch vụ du lịch cũng không nhận được.

Theo ông H.,phía Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang cũng không công bố báo cáo tài chính, kết quả kinh doanh trong việc vận hành và khai thác dự án Diamond Bay – Condotel Resort. Dù thừa nhận rằng, việc xác nhận tính thực tế của báo cáo tài chính là điều khó tưởng do thiếu đơn vị kiểm toán độc lập vào cuộc. Điều này đồng nghĩa, chủ đầu tư hoàn toàn lựa chọn báo lỗ khiến nhà đầu tư không được hưởng bất kỳ một khoản lợi nhuận nào từ việc khai thác vận hành kinh doanh căn hộ dịch vụ du lịch. Nhưng ngay cả trước khi dịch bệnh xuất hiện, Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang không có bất kỳ động thái nào liên quan thanh toán lợi nhuận cho khách hàng. 

“Tôi tới gặp chủ đầu tư nhiều lần. Nhưng người kí hợp đồng với chúng tôi là ông Lộc đã được thông báo nghỉ việc. Phía chủ đầu tư không phản hồi, thoái thác, đùn đẩy”, ông H. nói. 

Điều đáng nói hơn, ông H. cho biết, cách đây ít tháng, vị khách hàng này nhận được các cuộc gọi liên tục từ nhân viên của Công ty TNHH Hoàn Cầu Nhà Trang, đề nghị mua lại căn hộ với giá gốc. 

“Tôi không đồng ý với đề nghị này. Tôi mới biết được chủ đầu tư đã bán dự án cho một bên khác. Và họ muốn chúng tôi bán lại giá gốc. Nhưng phần lớn chúng tôi không đồng ý. Khi tôi đến dự án và đã thấy nhân công, quản lý mới”, ông H. nói.

Hơn 6 năm bỏ ra tiền tỷ, không những không thu được khoản lợi nhuận cam kết như ban đầu, và tiền thu nhập từ cho thuê, đến hiện tại, ông H. và hàng trăm nhà đầu tư khác nhận được đề nghị phải bán lại căn hộ mà chính họ có quyền sở hữu. Với việc bán lại dự án cho doanh nghiệp khác, dần bàn giao và thay đổi nhân sự, không khác gì những nhà đầu tư đang bị “ép buộc” phải bán lại căn hộ của chính mình.

 

Quyền lợi của khách hàng ở đâu? 

Anh B.H.Q, nhà đầu tư đến từ Hà Nội, đại diện cho hàng trăm nhà đầu tư khác mua căn hộ dịch vụ du lịch của Công ty TNHH Hoàn Cầu Nhà Trang xác nhận, rất nhiều nhà đầu tư khác đều rơi vào tình cảnh như vậy. Không nhận được khoản tiền lãi cam kết, cũng không nhận được khoản tiền thu nhập từ kinh doanh khai thác phòng như thoả thuận trong hợp đồng, đến hiện tại, họ có nguy cơ phải bán bằng mức giá đã mua cách đây 5,6 năm.

Nếu xét về chi phí cơ hội, hơn 1 tỷ cho một căn hộ du lịch dịch vụ, chỉ tính riêng gửi tiết kiệm ngân hàng, số tiền lãi lên tới hàng trăm triệu đồng trong vòng 5,6 năm. Nếu tính toán tới việc đầu tư vào sản phẩm bất động sản khác như đất nền thì mức lời có thể gấp 2, gấp 3 lần so với mức giá ban đầu.

Câu hỏi được đặt ra, nếu tất cả các nhà đầu tư vào loại hình Condotel đều xảy ra tình cảnh tương tự, ai sẽ là người đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ khi loại hình này vẫn chưa đủ cơ sở hành lang pháp lý?

Nhà đầu tư với cuộc chơi "cầm dao đằng lưỡi".

Câu chuyện phá bỏ cam kết lợi nhuận căn hộ dịch vụ du lịch đã không phải còn là chuyện hiếm gặp trong vài năm trở lại đây. Nhưng nhìn từ thực tế, ở thời điểm mua, những nhà đầu tư đã đặt niềm tin vào uy tín của chủ đầu tư (mà ở đây là Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang) trong việc thực hiện cam kết mà họ đưa ra. Để rồi, kết quả, niềm tin đó đã bị phá bỏ khi uy tín của chủ đầu tư sụp đổ khi chính các chủ dự án vừa không thực đúng như cam kết theo hợp đồng mà chính họ soạn ra, vừa ép khách hàng của mình vào con đường “thiệt đơn, thiệt kép”. 

Ngay cả một dự án được cấp chứng nhận sở hữu lâu dài thì những chủ nhân của căn hộ dịch vụ du lịch cũng không có quyền quyết định với tài sản của chính mình. Họ dường như không được phép thoả thuận về mức giá bán, mà bị “dồn ép” để bán và cũng không được lắng nghe ý kiến dù họ có quyền với tài sản đã mua. 

Không thể khởi kiện, không thể phá vỡ hợp đồng… và chỉ còn cách chấp nhận mất trắng tiền tỷ hay thoả hiệp “sống chung với chế độ vận hành của chủ đầu tư” mà không biết chính xác dòng tiền thu về thế nào, đó là tình cảnh của các khách hàng mua loại hình căn hộ dịch vụ du lịch (Condotel).

Giới chuyên gia cho rằng, chủ đầu tư là bên nắm giữ cuộc chơi nên sẽ tận dụng tối đa những quy định pháp luật có lợi cho mình, từ đó khi có tranh chấp thì nhà đầu tư có thể sẽ gặp phải bất lợi mà chưa được sự bảo vệ của pháp luật do thiếu hành lang pháp lý. Điển hình như khi chủ đầu tư tuyên bố dừng thanh toán lợi nhuận, chúng ta không có một cơ chế bảo lãnh, bảo đảm nào buộc chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ này khiến cho phần thua thiệt thuộc về khách hàng.

Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM cũng từng đặt ra vấn đề , điểm khó của loại hình condotel chính là nếu chủ đầu tư không thực hiện cam kết lợi nhuận, hay chậm trả lợi nhuận cam kết, có thể viện lý do về dịch bệnh ảnh hưởng. 

Tuy nhiên, luật sư Phượng cho rằng, việc chậm trả lợi nhuận cam kết khó có thể chứng minh được là bất khả kháng, chẳng hạn như doanh nghiệp còn tiền trong tài khoản ngân hàng, doanh nghiệp còn cổ phiếu quỹ, còn tài sản,… và dù có chứng minh được là bất khả kháng thì cũng chỉ được miễn tiền lãi trong thời gian chậm thanh toán lợi nhuận cam kết cho khách hàng. 

Theo hợp đồng quy định, khách hàng mua căn hộ condotel sẽ được hưởng mức lợi nhuận cam kết cố định trong vòng những năm đầu tiên. Những năm sau, khách hàng sẽ được hưởng phần thu nhập dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh của chính căn hộ này.

Trong hợp đồng quy định, về thanh toán các khoản thu nhập, “kể từ ngày tính thu nhập, bên A thanh toán cho bên B định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần sau khi trừ đi các khoản phải thanh toán và các khoản thuế, nghĩa vụ tài chính giữ lại theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ thanh toán”. 

Và về thanh toán thu nhập theo kết quả hoạt động, trong hợp đồng nêu rõ, “kể từ ngày tính thu nhập, thu nhập theo kết quả hoạt động sau khi giữ lại khoản đóng góp vào quỹ bảo trì và sửa chữa lớn theo mục 6 dưới đây, trừ đi các khoản phải thanh toán và các khoản thuế, nghĩa vụ tài chính giữa lại theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền (nếu có) sẽ được bên A thanh toán cho bên B định kỳ mỗi 12 tháng một lần sau khi bên B nhận đc báo cáo tài chính có kiểm toán xác định doanh thu và chi phí phát sinh từ chương trình”.

 

Nếu lập luận chứng minh bất khả kháng để miễn, giảm về mức lợi nhuận cam kết, tiền thuê... thì bản thân doanh nghiệp cũng chưa chắc về pháp lý, nên mới chỉ dừng lại trong thiện chí qua việc “đề nghị xem xét”.

Vị luật sư này thẳng thắn chỉ ra rằng, trong thực tiễn, tại các hợp đồng mà chủ đầu tư soạn thảo và đưa ra, rất hiếm khi chỉnh sửa theo ý kiến khách hàng. Đồng thời, những hợp đồng này cũng không nêu ra các dự kiến về rủi ro, thay vào đó, chỉ là các kế hoạch về lợi nhuận để dễ dàng tìm kiếm và thu hút khách hàng. Do vậy mà nhà đầu tư khi rót vốn sẽ chỉ chú tâm tới loại hình sản phẩm, hiện trạng phát triển, dự kiến về lợi nhuận... thay vì xem xét về các trường hợp rủi ro có thể xảy ra. 

Còn đối với chủ đầu tư, các chuyên gia cho rằng, việc lừa gạt khách hàng thì điều mà những doanh nghiệp này sẽ phải đối mặt: chính là mất đi sự tin tưởng và uy tín của nhà đầu tư dành cho họ. Ở góc độ quản lý, các chuyên gia nhấn mạnh, với doanh nghiệp sai phạm, lừa gạt khách hàng, quảng cáo không đúng sự thật, phải được xử lý theo quy định của pháp luật. Điều này không chỉ đảm bảo quyền lợi của khách hàng và còn góp phần thanh lọc thị trường, để “một con sâu không làm rầu nồi canh”.

Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang từng dính nhiều bê bối.

Công Ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang được thành lập do ông Trần Hữu Lộc đứng tên, được thành lập ngày 13-01-2004. Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Hoàn Cầu (Công ty Hoàn Cầu) từng là của gia đình cố đại gia bất động sản Trần Thị Hường (hay còn gọi Tư Hường). Năm 2003, Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô (hay còn gọi là Khu Diamond Bay Resort) được giao cho Công ty TNHH Hoàn Cầu (Công ty Hoàn Cầu) với diện tích hơn 180ha.

Dự án này vướng khiếu nại và tố cáo của người dân TP. Nha Trang về sai phạm thu hồi và sử dụng đất suốt thời gian dài. 

Đến tháng 6/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), UBND tỉnh Khánh Hòa tiến hành kiểm tra, rà soát các phản ánh, kiến nghị của một số người dân tại Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô.

Cũng vào tháng 6/2020, Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo giải quyết phản ánh, kiến nghị của một số hộ dân TP.Nha Trang liên quan đến dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô. Ông Lưu Bình Nhưỡng dẫn phản ánh của người dân cho biết, tỉnh Khánh Hòa có sai phạm trong việc thu hồi đất, vì đã không ban hành các quyết định thu hồi đất của các hộ dân; quá trình thu hồi đất đai của rất nhiều hộ dân đã không đảm bảo căn cứ, cơ sở pháp lý căn bản, trong đó không công khai bản đồ quy hoạch dự án, từ đó dẫn đến sự tùy tiện; một số tài liệu có liên quan đến khu đất dự án có dấu hiệu bị giả mạo…

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ TNMT, UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, rà soát về những nội dung phản ánh, kiến nghị của một số hộ dân liên quan đến dự án này.

Công Ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang được thành lập dựa trên Công ty TNHH thương mại và xây dựng Hoàn Cầu (gọi tắt là Công ty Hoàn Cầu) Nha Trang và Công ty Hoàn Cầu TP.HCM. Nguyên nhân là do, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty Hoàn Cầu đã đầu tư nhiều dự án tại tỉnh Khánh Hòa. Để thuận tiện cho việc quản lý và điều hành, tháng 12-2003 công ty tách chi nhánh và các dự án đang đầu tư ở Khánh Hòa, thành lập Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang.

Link nội dung: https://biztoday.vn/bai-1-cong-ty-tnhh-hoan-cau-nha-trang-bi-to-bat-tay-khong-doan-trang-voi-nha-dau-tu-324432.html