2 ngày, 3 cuộc họp và thay đổi trong chiến lược chống dịch của TP.HCM

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu TP.HCM không xét nghiệm "chạy theo số lượng", kiểm soát chặt chẽ người ra vào TP bằng kết quả xét nghiệm. TP.HCM phải có biện pháp mạnh hơn.
dich Covid-19 bung phat tai TP.HCM anh 1

Liên tiếp 5 ngày qua, trung bình mỗi ngày, TP.HCM tăng 1.000 ca nhiễm. Một con số "lịch sử" không chỉ với TP.HCM mà cả nước. Nhận thấy nguy cơ ngày càng lớn tại trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ngày 4/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo phòng, chống dịch tại TP.HCM.

Chỉ trong 2 ngày, 5-6/7, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 có liên tiếp 3 cuộc làm việc với TP.HCM. Ông Đam cho biết sẽ họp cùng TP.HCM mỗi ngày và cũng yêu cầu thành phố liên tục cập nhật số liệu ca nhiễm mỗi ngày cho Trung ương. Phó thủ tướng cùng Tổ thông tin đáp ứng nhanh của Ban chỉ đạo sẽ phân tích số liệu để cùng TP.HCM đánh giá tình hình.

Chỉ trong 2 ngày, dưới sự tư vấn của Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch, một lần nữa, nhiều biện pháp chống dịch của TP.HCM lại có sự thay đổi.

Kiểm soát người ra vào TP.HCM bằng kết quả xét nghiệm

Tại cuộc họp đầu tiên với TP.HCM, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế, các địa phương phải kiểm soát người ra vào TP.HCM. Ông yêu cầu thành phố khẩn trương thống nhất với Bộ Y tế, các địa phương lân cận để có hướng dẫn kiểm soát chặt chẽ người ra vào, bảo đảm lưu thông hàng hoá không bị ách tắc.

Người dân ra vào TP.HCM cần có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 3 ngày.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường

Theo đó, người dân khi ra vào vùng dịch phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Ông giao Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Y tế tích hợp kết quả xét nghiệm, tiêm vaccine của người dân vào mã QR cá nhân. Địa phương lấy đây làm cơ sở để kiểm soát người ra vào vùng dịch.

Tuy nhiên, TP.HCM nêu rõ băn khoăn về thời gian có giá trị của kết quả xét nghiệm. Cụ thể, kết quả âm tính sẽ được công nhận trong bao lâu kể từ thời điểm người dân xét nghiệm để đảm bảo nguy cơ lây nhiễm thấp nhất.

dich Covid-19 bung phat tai TP.HCM anh 2

Người dân xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm dịch vụ tại TP.HCM ngày 6/7. Ảnh: Duy Hiệu.

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường khẳng định với những trường hợp ra vào TP.HCM cần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 3 ngày, không phân biệt xét nghiệm nhanh hay xét nghiệm RT-PCR. Những nơi có điều kiện thì áp dụng ngay QR code.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu TP.HCM thống nhất cơ chế phối hợp với các tỉnh lân cận để kiểm soát tốt người lao động trong các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở địa phương này nhưng làm việc ở địa phương khác.

Không xét nghiệm chạy theo số lượng

Xét nghiệm tầm soát diện rộng là mục tiêu được TP.HCM đặt ra ngay từ đầu đợt dịch thứ 4 nhằm khoanh vùng sớm F0, tách ra khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, trong cuộc truy đuổi F0, TP.HCM ngày càng "hụt hơi" ở khâu xét nghiệm.

Ngày 26/6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu ký kế hoạch lấy 5 triệu mẫu xét nghiệm trong 10 ngày (26/6 đến 5/7) để truy tìm F0. Tiếp đó, trong kế hoạch kiểm soát dịch trước 10/7, UBND TP.HCM giao Sở Y tế chỉ tiêu xét nghiệm 1 triệu mẫu/ngày.

Tuy nhiên, báo cáo của Sở Y tế ngày 6/7 cho thấy từ 26/5 đến hết ngày 5/7, thành phố mới lấy được gần 1,7 triệu mẫu xét nghiệm PCR. Mục tiêu lấy hàng triệu mẫu xét nghiệm tầm soát diện rộng của TP.HCM đã không đạt được.

dich Covid-19 bung phat tai TP.HCM anh 3

TP.HCM đặt mục tiêu lấy hàng triệu mẫu xét nghiệm nCoV thời gian ngắn. Ảnh: Duy Hiệu.

Trong cuộc làm việc đầu tiên với TP.HCM, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt nhiều câu hỏi cụ thể xung quanh vấn đề xét nghiệm. Ông đề nghị thành phố kết hợp công nghệ thông tin để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, “trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả nhất, không chạy theo số lượng”.

“Tuyệt đối không để tình trạng lấy mẫu nhiều nhưng không xét nghiệm kịp do công suất xét nghiệm không đáp ứng được, hoặc không có đủ thông tin. Kết quả xét nghiệm phải đầy đủ thông tin, bao gồm cả nồng độ virus, để phục vụ công tác truy vết”, Phó thủ tướng yêu cầu.

Xét nghiệm trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả nhất, không chạy theo số lượng

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Trong cuộc làm việc thứ ba với TP.HCM chiều 6/7, ông tiếp tục nhắc nhở thành phố tuyệt đối không để tiếp diễn tình trạng tập trung đông người, không tuân thủ quy định giữ khoảng cách.

Cũng trong ngày 6/7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết thiết bị và phương tiện xét nghiệm Covid-19 đã đầy đủ. Ông giao Sở Y tế lập phương án tiếp nhận và bàn giao cụ thể cho các đơn vị sử dụng hiệu quả.

Bí thư Nên yêu cầu tiếp tục tăng tầm soát xét nghiệm, tập trung lấy mẫu đồng bộ với năng lực xét nghiệm.

Duy trì sản xuất kinh doanh ở mức độ cao nhất có thể

Tối muộn ngày 5/7, Bí thư Nguyễn Văn Nên đột xuất đến kiểm tra chợ đầu mối Bình Điền (quận 8).

Trước đó, ngày 20/6, kết quả xét nghiệm diện rộng tại khu chợ này phát hiện 39 ca dương tính. 14 ngày sau (4/7), cơ quan y tế xét nghiệm nhanh diện rộng cho các tiểu thương và phát hiện thêm nhiều ca nghi dương tính. Số ca được phát hiện đủ để UBND quận 8 phải ra quyết định đóng cửa chợ ngay 8h sáng hôm sau. Tiểu thương chỉ có 12 giờ để vận chuyển toàn bộ hàng hóa ra khỏi khu chợ.

Trong buổi họp chiều 6/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đánh giá nguy cơ ở các chợ là rất cao và đã lên phương án đóng cửa tất cả chợ đầu mối (Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức). Tối cùng ngày, UBND TP Thủ Đức ra thông báo chợ đầu mối Thủ Đức sẽ đóng cửa từ 8h ngày 7/7. Toàn bộ chợ đầu mối của TP.HCM tạm ngưng hoạt động.

dich Covid-19 bung phat tai TP.HCM anh 4

TP.HCM đã ra quyết định đóng cửa cả 3 chợ đầu mối Hóc Minh, Bình Điền và Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Danh.

Báo cáo với Phó thủ tướng, TP.HCM cho biết khi đóng cửa chợ đầu mối, để đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm, các hệ thống siêu thị sẽ tăng cường lượng hàng hoá từ 50% đến 100%. Thương lái, người buôn bán tại các chợ sẽ được tập huấn dùng ứng dụng thương mại điện tử để mua bán trực tuyến, đồng thời, TP.HCM dành 3 vùng đệm tại huyện Củ Chi, TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh để tập kết hàng hoá thực phẩm từ các tỉnh chuyển về.

Bên cạnh đó, TP.HCM thống nhất với các tỉnh lân cận lưu thông hàng hóa với hai phương án: Đổi lái xe hoặc tài xế phải có kết quả xét nghiệm âm tính. Thành phố cũng đề nghị Bộ Y tế sớm liên thông kết quả xét nghiệm của lái xe trên toàn quốc thông qua mã QR.

Trao đổi về vấn đề này, Phó thủ tướng yêu cầu TP.HCM không để xảy ra tình trạng tụ tập đông người ở nơi xét nghiệm; hay người dân không có nơi xét nghiệm.

TP.HCM và các tỉnh được giao hoàn thiện cơ chế kiểm soát người điều khiển các phương tiện vận tải ra vào thành phố, không gây ách tắc cho lưu thông hàng hoá, kiểm soát nguồn lây.

“Chúng ta duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở mức độ cao nhất có thể trong tình hình dịch”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc nhở.

Không để giãn cách xã hội kéo dài

Ngày 7/7, TP.HCM bước sang ngày giãn cách xã hội thứ 38. Số ca nhiễm vẫn không ngừng tăng. Chu kỳ 1.000 ca nhiễm ngày càng ngắn lại. TP.HCM đã kịp thời tung ra gói hỗ trợ 886 tỷ đồng nhằm giúp đỡ 230.000 người lao động gặp khó khăn trong đại dịch.

TP.HCM phải có những giải pháp dứt khoát hơn, mạnh mẽ hơn, triệt để hơn, hiệu lực hơn để sớm chấm dứt dịch bệnh.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ sự hoan nghênh với sự chủ động của TP.HCM để đảm bảo người dân "không rơi vào cảnh đói nghèo". Tuy nhiên, ông cũng nhắc nhở thành phố cũng cần đảm bảo các phương diện khác trong cuộc sống của người dân không gặp khó khăn.

"Phấn đấu không để kéo dài tình trạng giãn cách xã hội như hiện tại", Phó thủ tướng nói.

 

Ông đề nghị TP.HCM thực hiện nghiêm các giải pháp đã đề ra và thống nhất ở mức cao hơn hiện nay, cắt đứt chuỗi lây nhiễm, khống chế bằng được các ổ dịch.

TP.HCM cũng cần chuẩn bị khẩn trương các quy định cần thiết nhằm hạn chế người đi lại, tụ tập trong thành phố, “không ra khỏi nhà nếu không thực sự cần thiết”. Tương tự với người dân từ TP.HCM đến các địa phương khác.

Phó thủ tướng nhấn mạnh tuyệt đối không để tiếp diễn tình trạng tập trung đông người, không tuân thủ quy định giữ khoảng cách như đã xảy ra ở một số nơi khi TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội.

“TP.HCM phải có những giải pháp dứt khoát hơn, mạnh mẽ hơn, triệt để hơn, hiệu lực hơn để sớm chấm dứt dịch bệnh, quyết không để dây dưa kéo dài. Các lực lượng chống dịch của TP.HCM phải siết chặt đội ngũ, động viên người dân chấp nhận vất vả hơn, thiệt thòi hơn trong thời gian ngắn để sớm quay lại cuộc sống bình thường”, Phó thủ tướng quán triệt.

Bệnh viện ở TP.HCM ùn ứ vì người dân đi xét nghiệm Covid-19 Ghi nhận tại Bệnh viện Quân y 175 (Gò Vấp), Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), người dân xếp hàng dài chờ xét nghiệm Covid-19 vì cần giấy xác nhận âm tính để đi các tỉnh.