Trong báo cáo gửi Chính phủ liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), Bộ Tài chính đánh giá sự phát triển của thị trường TPDN tiếp tục là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn cho đa lĩnh vực.
Năm 2022, kinh tế bắt đầu hồi phục sau COVID-19, Bộ Tài chính đánh giá nhu cầu huy động vốn của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng, bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng, TPDN tiếp tục là kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thị trường tăng trưởng nóng sẽ ảnh hưởng chung đến thị trường tài chính, ảnh hưởng đến nhu cầu huy động vốn hợp pháp của các doanh nghiệp để đầu tư mở rộng kinh doanh.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho biết thị trường TPDN đang tồn tại một số rủi ro tiềm ẩn khi có hiện tượng một số doanh nghiệp phát hành để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn; hoặc phát hành để chuyển vốn “lòng vòng” nhằm lách quy định về giới hạn cho vay/đầu tư TPDN của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với một khách hàng/nhóm khách hàng.
Cũng trong báo cáo này, Bộ Tài chính đã gửi danh sách một số tường hợp doanh nghiệp huy động lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp năm 2021. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp đã phát hành khối lượng trái phiếu gấp nhiều lần quy mô vốn chủ sở hữu. Chẳng hạn Osaka Garden huy động 7.700 tỷ trong khi vốn chủ sở hữu chỉ đạt 270 tỷ, tương ứng tỷ lệ nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu lên đến 2.852%; Công ty TNHH kinh doanh bất động sản Mediterranena Revival Villas 7.200 tỷ trên vốn chủ sở hữu 153 tỷ, tương ứng tỷ lệ 4.706%,...
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính còn cho biết, trên thị trường có hiện tượng các doanh nghiệp chào bán công khai TPDN phát hành riêng lẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trái phiếu được chào bán là trái phiếu có lãi suất cao (11% - 12%/năm), thông tin chào bán do chính tổ chức phát hành trực tiếp chào mời trên thị trường sơ cấp hoặc do doanh nghiệp có liên quan chào bán lại trên thị trường thứ cấp.
Về các trung gian thu xếp huy động trái phiếu, theo Bộ Tài chính, tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu là công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ tư vấn, rà soát, hỗ trợ xây dựng hồ sơ chào bán TPDN riêng lẻ đáp ứng quy định về điều kiện và hồ sơ chào bán trái phiếu theo Nghị định 153 và có trách nhiệm rà soát, đảm bảo tính tuân thủ của hồ sơ. Tuy nhiên, có hiện tượng một số tổ chức tư vấn xây dựng hồ sơ chào bán có lợi cho doanh nghiệp để huy động vốn mà không cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin công bố cho nhà đầu tư.
Theo quy định tại Nghị định số 153, tổ chức đại lý phát hành, tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu có trách nhiệm rà soát chào bán cho đúng đối tượng nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và thực hiện đăng ký, chuyển nhượng trái phiếu cho đúng đối tượng nhà đầu tư. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, một số tổ chức đại lý phát hành, tổ chức đăng ký lưu ký cung cấp các dịch vụ để hợp thức hóa hồ sơ xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để chào mời nhà đầu tư cá nhân mua TPDN riêng lẻ.
Trong năm 2021, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) triển khai các đoàn kiểm tra tại các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ về TPDN và một số doanh nghiệp bất động sản. UBCKNN đã tổ chức đoàn kiểm tra tại 9 công ty chứng khoán và hai doanh nghiệp bất động sản.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ, bao gồm dịch vự tư vấn hồ sơ chào báo; dịch vụ đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu; dịch vụ xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; dịch vụ đăng ký, lưu ký; chuyển nhượng trái phiếu, UBCNNN đã ban hành ba quyết định xử phạt hành chính đối với hai tổ chức phát hành trái phiếu là CTCP Tập đoàn Vset Group và CTCP Tập đoàn Apec Group và một thử chức cung cấp dịch vụ trái phiếu là CTCP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISecurities).
Ngày 3/4/2022, căn cứ hồ sơ, tài liệu và đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về việc hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu của Công ty Ngôi sao Việt, Công ty Cung điện Mùa Đông, Công ty Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, UBCKNN đã ban hành Quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trên với tổng giá trị 10.030 tỷ đồng nêu trện. Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật.
Bộ Tài chính cũng cho biết đã chỉ đạo UBCKNN kiểm tra các tổ thức tư vấn phát hành và các tổ chức trung gian đứng ra thu xếp cho các đợt chào bán của 3 công ty nêu trên, trường hợp phát hiện các vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo đúng thẩm quyền của pháp luật.
Thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), có 5 công ty chứng khoán đã tham gia tư vấn cho 9 lô trái phiếu của nhóm Tân Hoàng Minh bao gồm: CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco), Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS), CTCP Chứng khoán Everest (EVS); Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS).
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã có hai công văn đề nghị Bộ Xây dựng và Nhân hàng Nhà nước phối hợp tăng cường giám sát hoạt động phát hành cung cấp dịch vụ về TPDN đối với các TCTD và các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng; đã làm việc và có hai công văn cung cấp thông tin về hoạt động phát hành TPDN gửi Bộ Công an để phối hợp trong giám sát thị trường.