Ai chịu trách nhiệm khi 2 máy bay của Bamboo Airways va nhau ở sân đỗ?

Từ hình ảnh vụ va chạm giữa 2 máy bay của Bamboo Airways, chuyên gia hàng không đánh giá có ít nhất 3 nhân sự phải chịu trách nhiệm cho sự cố này.

Liên quan đến vụ 2 máy bay của Bamboo Airways va chạm với nhau tại sân bay Nội Bài ngày 2/11, hãng hàng không này đã đăng tải lời xin lỗi lên fanpage của hãng vì những phiền hà cho hành khách.

Trong bài đăng này, Bamboo Airways cho biết trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, khi đẩy máy bay VN-A222 ra đường băng, xe kéo đẩy của Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất (HGS) đã để VN-A222 va nhẹ với máy bay VN-A590 đang đỗ (không khai thác) tại bãi.

Sự việc này khiến toàn bộ hành khách của chuyến bay QH1621 từ Hà Nội đi Phú Quốc phải sang máy bay khác để tiếp tục hành trình.

may bay va nhau anh 1

Hiện trường 2 máy bay va nhau tại sân bay Nội Bài. Ảnh: GNHK.

Trao đổi với Zing, một chuyên gia từng làm việc tại Công ty Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS) nhận định khi có va chạm trong quá trình kéo đẩy máy bay, trách nhiệm có thể thuộc về nhiều vị trí.

Theo chuyên gia, việc lai dắt máy bay từ bãi đỗ ra đường lăn để cất cánh phụ thuộc vào xe chuyên dụng của các đơn vị dịch vụ mặt đất. Xe này kết nối với càng bánh trước của máy bay và thực hiện các thao tác kéo đẩy.

"Lúc này, phi công trên buồng lái phải thả càng trước ở trạng thái tự do và tuân thủ hoàn toàn sự điều hướng của các phương tiện mặt đất", vị này chia sẻ.

Theo chuyên gia hàng không, việc kéo đẩy máy bay trên mặt đất cần sự phối hợp của 3 vị trí gồm người lái xe kéo đẩy, kỹ sư chỉ huy kéo đẩy và người cảnh giới.

may bay va nhau anh 2

Xe kéo đẩy lai dắt một máy bay của Bamboo Airways ra vị trí cất cánh. Ảnh: Dang Khoa QS.

Trong trường hợp máy bay được đẩy lùi, người lái xe đẩy bị khuất tầm nhìn ở phần đuôi máy bay. Họ căn hướng dựa vào tim đường và đèn hiệu ở bụng máy bay. Người kỹ sư chỉ huy có trách nhiệm ra các hiệu lệnh kéo đẩy cho lái xe. Người cảnh giới có trách nhiệm quan sát cánh tà đuôi của máy bay để cảnh báo nguy cơ va chạm.

"Như vậy, trách nhiệm để xảy ra va chạm không chỉ nằm ở người lái xe kéo đẩy, dù vị trí này có khả năng chịu trách nhiệm lớn nhất", chuyên gia chia sẻ.

Đề cập đến những yếu tố có thể dẫn đến va chạm, vị này cho biết đơn vị điều tra sẽ phải căn cứ vào vị trí đỗ ban đầu của 2 máy bay, góc cua, tốc độ lai dắt, nội dung băng ghi âm giữa các bên liên quan...

Trao đổi với Zing, đại diện Cục Hàng không cho biết đã tạm đình chỉ công việc của những người có liên quan để phục vụ điều tra, bao gồm tổ lái máy bay, nhân viên không lưu, tài xế lái xe kéo đẩy, người điều hành kéo đẩy, người cảnh giới... Vị này cho biết Cục Hàng không chưa loại trừ trách nhiệm của cả tổ bay lẫn nhân viên không lưu.

Với tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Cục Hàng không đã chỉ đạo thành lập tổ điều tra sự cố để có kết luận sớm nhất. Cục Hàng không cũng sẽ trực tiếp chủ trì việc bình giảng vụ việc, rút kinh nghiệm giữa các bên liên quan.

Theo phụ lục phân loại sự cố hàng không do Cục Hàng không ban hành, vụ việc này đủ yếu tố để xếp vào mức B (sự cố nghiêm trọng) do rơi vào tình huống "máy bay va chạm với nhau hoặc va chạm với các phương tiện, trang thiết bị mặt đất, hoặc chướng ngại vật nhưng chưa phải là tai nạn".