Anh: Giá lương thực tăng vọt, lạm phát lại lập đỉnh 40 năm

Giá thực phẩm tăng vọt đã đẩy lạm phát của Anh trở lại mức hai con số vào tháng 9, tương đương với mức cao nhất trong 40 năm đã từng ghi nhận vào tháng 7. Đây là một đòng giáng mạnh mới với những hộ gia đình vốn đang phải 'vật lộn' với cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt tại London.
 Giá các loại lương thực cơ bản như giá bánh mì, ngũ cốc, thịt, sữa, phomai và trứng tăng vọt trong tháng 9 tại Anh.

Giá các loại lương thực cơ bản như giá bánh mì, ngũ cốc, thịt, sữa, phomai và trứng tăng vọt trong tháng 9 tại Anh.

Lạm phát ở Anh đã tăng trên 10% lần thứ hai trong năm nay do các hộ gia đình phải chịu áp lực từ việc giá lương thực tăng mạnh nhất trong hơn 40 năm trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết chỉ số giá tiêu dùng đã tăng lên 10,1% trong tháng 9 sau khi giảm nhẹ xuống 9,9% trong tháng 8. Con số này cao hơn mức lạm phát kỷ lục lần cuối vào năm 1982 vào cao hơn dự báo của các nhà kinh tế là 10%.

Giá thực phẩm và đồ uống, như bánh mì, ngũ cốc, thịt, sữa, phomai và trứng, ghi nhận mức tăng hàng năm gần 15%.

Theo ONS, người tiêu dùng cũng phải đối mặt với việc tăng giá trên nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, bao gồm từ giá khách sạn nghỉ qua đêm, đồ nội thất và hàng gia dụng như máy giặt, quạt điện và máy hút bụi.

Mức tăng giá lớn phần nào được bù đắp bởi giá xăng dầu đang trong đà giảm, cũng như giá vé máy bay giảm mạnh hơn bình thường vào thời điểm trong năm.

ONS cho biết chi phí mà các doanh nghiệp phải đối mặt cũng bắt đầu tăng chậm hơn, phản ánh sự sụt giảm giá dầu thô trên toàn cầu trong tháng 9.

Paul Dales, nhà kinh tế trưởng của Vương quốc Anh tại công ty tư vấn Capital Economics, cho biết: “Bản công bố hôm nay nhấn mạnh nguy cơ lạm phát vẫn mạnh ngay cả khi nền kinh tế suy yếu”. Ông chỉ ra rằng lạm phát cơ bản đang gia tăng, đạt mức cao mới trong 30 năm là 6,5%.

Chỉ số lạm phát của tháng 9 rất quan trọng vì được sử dụng như tiêu chuẩn quyết định tăng lương hưu và trợ cấp cho những tháng tiếp theo.

Tuy nhiên, với việc tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt báo trước rằng sẽ “đảo ngược” hầu hết chính sách kinh tế của Thủ tướng Liz Truss, nhiều người cho rằng cam kết tuyên ngôn của Đảng Bảo thủ, đảm bảo rằng lương hưu của nhà nước tăng mỗi năm phù hợp với lạm phát, tăng trưởng lương trung bình hoặc 2,5%, tùy theo mức nào cao nhất, sẽ có thể bị phá vỡ.

Các tổ chức từ thiện cảnh báo rằng việc không cung cấp mức tăng lợi ích phù hợp với lạm phát sẽ làm gia tăng nghèo đói. Chính phủ được cho là đang cân nhắc việc tăng lương hưu và trợ cấp phù hợp với mức tăng lương 5,5%, tiết kiệm khoảng 8 tỷ bảng Anh vào năm tới.

Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất từ mức hiện tại là 2,25% để tiếp tục kiềm chế lạm phát, bất chấp rủi ro suy thoái ngày càng tăng do chi phí sinh hoạt tăng cao buộc các hộ gia đình phải kiềm chế chi tiêu.

ONS cho biết giá điện đã tăng 54% và giá khí đốt tăng 95,7% trong năm tính đến tháng 9. Các nhà thống kê sẽ xem xét liệu việc cắt giảm thời hạn bảo đảm giá năng lượng của chính phủ có ảnh hưởng đến tỷ lệ lạm phát hay không và sẽ đưa ra thông báo vào ngày 31/10, cùng ngày công bố kế hoạch cắt giảm nợ của ông Jeremy Hunt.

Đồng bảng Anh đã giảm xuống dưới 1,13 USD khi có thông tin về lạm phát và giảm 0,2% trong ngày 19/10.