Áp lực lãi suất khiến chứng khoán Mỹ “đỏ lửa”, giá dầu trượt hơn 1%

“Thị trường cố tìm một chất xúc tác để tăng, nhưng không tìm được”, một nhà quản lý đầu tư nhận định...

chung-khoan-my-1678412274.png Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (9/3), khi nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu ngân hàng và các cổ phiếu tài chính khác trong lúc chuẩn bị đón báo cáo việc làm tháng 2 dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu - dữ liệu có thể định hình đường đi của lãi suất trong thời gian tới. Mối lo lãi suất tăng cũng là nguyên nhân khiến giá dầu trượt xuống mức thấp nhất 2 tuần.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 sụt 1,85%, còn 3.918,32 điểm. Chỉ số Dow Jones “bốc hơi” 543,54 điểm, tương đương giảm 1,66%, còn 32.254,86 điểm. Chỉ số Nasdaq mất 2,05% điểm số, chốt ở 11.338,35 điểm.

Cú giảm này khiến Dow Jones trượt khỏi đường bình quân 200 ngày lần đầu tiên kể từ hôm 9/11. Tính từ đầu tuần, chỉ số đã giảm 3,4%, còn nếu tính từ đầu năm, chỉ số đã mất 2,7%. Cả S&P 500 và Nasdaq đều tăng nếu tính từ đầu năm, với mức tăng tương ứng là 2,05% và 8,33%, nhưng đã giảm trên 3% mỗi chỉ số trong tuần này.

Cổ phiếu SVB Financial sụt 6% sau khi ngân hàng khu vực này công bố kế hoạch phát hành 1,75 tỷ USD cổ phiếu. Giá trị vốn hoá thị trường của SVB tụt còn hơn 6 tỷ USD và kéo theo các ngân hàng khu vực khác. Ngân hàng tiền ảo Silvergate chứng kiến giá cổ phiếu lao dốc hơn 42% sau khi tuyên bố đóng cửa.

Những pha giảm chóng mặt đó góp phần khiến nhóm tài chính thuộc S&P 500 giảm 4,1%, đánh dấu phiên tệ nhất kể từ tháng 6/2020. Hai cổ phiếu tài chính “đầu đàn” Bank of America và Wells Fargo cũng bị xả hàng ồ ạt, giảm hơn 6% mỗi cổ phiếu.

“Fed đã thay đổi câu chuyện giúp giá cổ phiếu tăng trong phần lớn thời gian của tháng 1 và cuối tháng 12. Thị trường tăng điểm khi đó nhờ lạc quan rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp dừng tăng lãi suất, có thể vào mùa hè hoặc thời điểm nào đó khác trong tương lai gần. Nhưng bây giờ, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nói rõ rằng đó không phải là kế hoạch của Fed”, CEO Adam Sarhan của 50 Park Investments nói với hãng tin CNBC.

Ông Sarhan nói rằng hiện không có số liệu kinh tế nào để tin rằng Fed sắp dừng tăng lãi suất. Ông cũng nói thêm rằng nhiều nhà đầu tư bán cổ phiếu trước khi báo cáo việc làm được công bố nhằm giảm thiểu rủi ro, và họ cũng tìm thấy giá trị ở những tài sản ít rủi ro hơn như trái phiếu - loại tài sản đang có mức lợi tức hấp dẫn.

“Thị trường cố tìm một chất xúc tác để tăng, nhưng không tìm được”, nhà quản lý đầu tư nhận định.

Trước khi báo cáo việc làm toàn diện nhất được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu, nhà đầu tư đã nhận được thêm một số thông tin khác về tình trạng của thị trường việc làm. Dữ liệu công bố ngày thứ Năm cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 4/3 tăng mạnh hơn dự báo, cho thấy thị trường lao động có thể đang bắt đầu giảm tốc. Trước đó, vào hôm thứ Tư, báo cáo từ công ty dịch vụ tuyển dụng ADP cho thấy số việc làm mới và số đầu việc cần tuyển dụng vẫn ở mức cao, làm gia tăng mối lo ngại rằng Fed cần tăng lãi suất nhiều hơn nữa nếu muốn nền kinh tế giảm tốc.

Một số chuyên gia kinh tế, bao gồm các chuyên gia của ngân hàng Citigroup dự báo số lượng việc làm mới của tháng 2 trong báo cáo mà Bộ Lao động Mỹ công bố sẽ cao hơn kỳ vọng bình quân của thị trường, sau khi số liệu của tháng 1 đã gây bất ngờ theo chiều hướng tương tự. Tăng trưởng việc làm mạnh mẽ có thể là tin xấu cho thị trường - theo chiến lược gia Alex Saunders của Citi.

“Xét tới việc tin tốt về kinh tế thời gian gần đây lại chính là tin xấu đối với thị trường, chúng tôi cho rằng một dữ liệu như thế có thể khiến cổ phiếu bị bán tháo nhiều hơn vì củng cố khả năng Fed tăng lãi suất với bước nhảy lớn trở lại”, ông Saunders nói.

Tại các buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ vào ngày thứ Ba và thứ Tư tuần này, ông Powell tái khẳng định quan điểm của Fed rằng lãi suất có thể phải tăng nhiều hơn so với dự kiến ban đầu. Ông nhấn mạnh rằng chưa có quyết định nào được đưa ra cho cuộc họp tháng 3, nhưng các nhà giao dịch đang tăng đặt cược vào bước nhảy 0,5 điểm phần trăm của lãi suất. Cơ sở của đặt cược đó là loạt dữ liệu kinh tế mạnh hơn dự báo trong những tuần gần đây.

Ở thời điểm ngày 9/3, giới giao dịch đặt cược khả năng 61% Fed sẽ tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 21-22/3, theo công cụ FedWatch của sàn CME.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,07 USD/thùng, tương đương giảm 1,3%, còn 81,59 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,94 USD/thùng, tương đương giảm 1,2%, còn 75,72 USD/thùng.

Đây là mức giá thấp nhất của dầu Brent kể từ hôm 22/2 và của dầu WTI kể từ hôm 27/2.

“Fed tiếp tục chống lạm phát và điều này dẫn tới mói lo sợ về nhu cầu dầu suy giảm trong tương lai, bởi suy thoái có thể xảy ra”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital nhận định.

Đến phiên này, cả dầu Brent và WTI đã giảm giá ba phiên liên tiếp, với mức giảm tương ứng khoảng 5% và 6%.

Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin đang trong xu hướng giảm, có khả năng để mất mốc 20.000 USD. Trong vòng 1 tuần trở lại đây, giá Bitcoin đã “bốc hơi” gần 14%. Lúc hơn 7h sáng nay (10/3), giá Bitcoin giảm 7,4% so với cách đó 24 tiếng, còn 20.158 USD – theo dữ liệu từ Coinmarketcap.com.