Khoảng 1 tháng nay, người dân xã Vạn Điểm, Thường Tín, Hà Nội xôn xao với hoạt động bán hàng của Công ty TNHH LQ KOREA SHOPPING.
Tổ chức Hội thảo bán hàng nhưng quy định độ tuổi, giới tính, ra vào phải có thẻ thành viên do Công ty TNHH LQ KOREA SHOPPING (Công ty LQ KOREA SHOPPING) cung cấp. Cứ đều đặn ngày hai buổi tại thôn Đỗ xá (xã Vạn Điểm, Thường Tín) Công ty LQ KOREA SHOPPING lại tổ chức cho những phụ nữ ngoài 50 tuổi lại đi hội thảo, sau đó được tặng quà và chu trình “lùa gà” lại bắt đầu.
|
Hội thảo bán hàng do Công ty TNHH LQ KOREA SHOPPING tổ chức. |
Bổn cũ soạn lại… của các hội thảo bán hàng
Thời gian gần đây nhiều người không còn lạ với những hội thảo bán cao hồng sâm, hắc sâm, sản phẩm Hàn Quốc. Đó là những chương trình gặp gỡ, giao lưu tư vấn sức khỏe cho người già. Từ đó đơn vị tổ chức hội thảo sẽ giới thiệu, ra mắt các sản phẩm cùng những khuyến mại hấp dẫn. Báo chí đã phản ánh khá nhiều về những chiêu trò tổ chức hội thảo nhằm bán hồng sâm và các sản phẩm được gắn mác “nhập khẩu”. Điều đặc biệt, các sản phẩm này được quảng cáo với công dụng thần thánh, tiên dược, chữa bách bệnh với giá bán “cắt cổ” nhưng thực ra lại là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa kém chất lượng…
Do sự thiếu hiểu biết, cũng như bệnh tật có sẵn trong cơ thể của nhiều người cao tuổi nên họ dễ dàng “sập bẫy”. Trên thực tế không ít cụ già đã bỏ ra số tiền tiết kiệm, hàng chục, hàng trăm triệu đồng để mua những lọ cao sâm không rõ nguồn gốc. Cuối cùng, nhiều người dân đã phải ngậm đắng nuốt cay, phải giấu chồng con về giá của sản phẩm, số khác lại hoang mang không biết có nên tiếp tục dùng chúng nữa hay không…
Xã Vạn Điểm từ trước tới nay nổi tiếng có nghề đồ gỗ mỹ nghệ, chính vì thế đời sống nhân dân tại đây khá cao so với một số xã khác trên địa bàn huyện Thường Tín. Cuộc sống người dân vốn dĩ yên bình, cho đến thời gian khoảng 1 tháng trở lại đây, xuất hiện doanh nghiệp thành lập bán hàng nhập khẩu cho phụ nữ cao tuổi khiến mọi thứ của nhiều gia đình bị đảo lộn.
Theo phản ánh của người dân, khoảng hơn 1 tháng nay, khu vực xóm Đình, thôn Đỗ Xá, bỗng trở lên đông đúc bất thường. Bất kể nắng hay mưa, cứ vào khoảng 8h sáng và 14h chiều, phụ nữ có độ tuổi từ 50 trở lên đầu đội nón lá, người đi bộ, người thì lách cách đạp xe í ới gọi nhau đến một căn nhà đối diện sân Đình để tham dự “hội thảo” giới thiệu về các sản phẩm hồng sâm, hắc sâm Hàn Quốc. Ông Lê Quốc An (người dân thôn Đỗ Xã) cho hay: “Họ về đây bán hàng hay gì đó tôi cũng không biết vì họ không cho đàn ông vào. Họ quy định chỉ phụ nữ ngoài 50 tuổi mới được tham gia, tôi thấy các bà ấy vào xong được tặng quà nhiều lắm”.
|
Người lớn tuổi đội nắng đi tham dự hội thảo của Công ty LQ KOREA SHOPPING, sau đó được tặng quà và chu trình “lùa gà” lại bắt đầu. |
Qua tìm hiểu, hội thảo này đều là những trò “diễn lại” kịch bản mà báo chí đã từng phản ảnh về những chiêu trò bán hàng trước đây. Theo đó, chương trình được diễn ra khá bí ẩn, trong một căn phòng tương đối rộng, khi lượng khách vào đủ lớn, lập tức cửa trong, cửa ngoài đều được đóng kín. Thậm chí, phía ngoài còn có người canh gác rất cẩn mật. Bất kỳ ai dấu hiệu bất thường dường như đều được báo cáo, người lạ mặt không thể tiếp cận hay vào phía trong tham dự.
Theo thông tin được người dân cho biết, địa điểm đang được tổ chức hội thảo “kỳ lạ” này được Công ty LQ KOREA SHOPPING thuê lại của một nhà dân. Doanh nghiệp này thuê nhà để làm hội trường nhằm tổ chức chương trình chào bán những sản phẩm được giới thiệu là hắc sâm, kẹo sâm… được nhập khẩu từ Hàn Quốc. Phía trước căn nhà, khu vực sân đình làng là hàng trăm chiếc xe đạp, xe điện xếp thành từng hàng.
Phát quà tặng, khuyến mãi và bán hàng… chỉ cho người già
Người dân khu vực xung quanh cho biết, khi mới đến đây, nhân viên của công ty này đã đi phát phiếu mời đến từng nhà. Những ai đến tham dự sẽ được “cấp” một thẻ ra vào. Thành phần được tham dự là những người phụ nữ cao tuổi, thường là trên 50 tuổi, ở khắp khu vực lân cận. Hội thảo được tổ chức để giới thiệu các sản phẩm với tên gọi hắc sâm, kem đánh răng, dầu gội… tất cả đều được nhập từ Hàn Quốc và bắt đầu được bán rầm rộ.
Tiếp cận một người phụ nữ tuổi ngoài 60 khi buổi hội thảo kết thúc, người này cho biết, chương trình diễn ra cả sáng và chiều nhưng mỗi người ở đây thường chỉ tham dự một buổi. Sau buổi tham dự, mỗi người sẽ được tặng một phần quà, khi thì chai mắm, khi chục trứng, lúc thì gói mì, túi gạo, chai dầu… Cô T.L một thành viên ruột tham gia hội thảo chia sẻ: “Hôm trước giới thiệu là có giám đốc bên Hàn Quốc về nhưng nay báo bận không về được nên tặng quà cho người tham dự nhiều hơn. Vừa mắm, trứng lại có cả túi mì”.
Trong khi đó, cô L.T.L – một người khá hào hứng khi nói về hội thảo cho biết, bất kỳ ai đến tham dự hội thảo, khi ra về đều nhận được quà. Quà mà các cụ nhận được có giá từ 15-20.000 đồng và mỗi hôm lại một món quà khác nhau. Cùng với đó, trong chương trình hội thảo, sau khi hỏi thăm về sức khỏe người cao tuổi, nhân viên Công ty tổ chức sẽ tổ chức chơi trò chơi, hát, và quay may mắn. Những người tham gia đều sẽ có quà.
“Gần cuối buổi, nhân viên Công ty mới bắt đầu giới thiệu sản phẩm, công dụng và giá bán. Hôm nay có bán Cao hắc sâm, dầu gội đầu, thuốc đánh răng… tất cả đều của Hàn Quốc. Họ nói tác dụng tốt lắm, nhiều người đã mua, dùng rồi” - cô L.T.L. nói.
Anh T.V.T – một người dân thôn Đỗ Xá, có mẹ đã mua sản phẩm của Công ty này bức xúc: “Mỗi buổi có hàng trăm các cụ tham dự, trong số này cũng có cụ đến vì một phần do hiếu kỳ, nhưng phần lớn là các cụ đến là để được nhận quà. Ban đầu, mọi người đến chỉ với ý định lấy quà về, tuy nhiên không hiểu sao sau khi tham dự hội thảo, rất nhiều người bỏ ra số tiền lớn để mua những sản phẩm có giá “cắt cổ”.
|
Theo như quảng cáo thì đây là những sản phẩm nhập khẩu 100% từ Hàn Quốc. |
Chia sẻ thêm về câu chuyện của gia đình mình, anh T. cho biết, bố mẹ cũng thuần làm nông nghiệp, đẻ được 6 người con, anh là út. Vì nhà đông con, lại khó khăn nên mẹ anh vốn là người rất tằn tiện trong chi tiêu, mua gì bán gì, bà đều tính toán rất chi ly. Thế nhưng, không hiểu sao chỉ đến hội thảo một loáng, bà đã bị thuyết phục bỏ ra số tiền lớn để mua sản phẩm.
“Thấy các cụ hàng xóm cùng dự bảo mẹ mình đã mua với giá hơn 18 triệu đồng” - anh T. cho hay.
Không chỉ mẹ anh T., rất nhiều cụ già ở xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín sau khi tham dự hội thảo đều sẵn sàng rút hết số tiền tiết kiệm cả đời mình để mua các lọ cao hắc sâm với giá “cắt cổ”. Thậm chí, có cụ còn bỏ ra hàng vài chục triệu đồng để mua tới 2, 3 hộp và rất nhiều sản phẩm khác.
Người thân các cụ già đã mua sản phẩm phản ánh, những hộp sâm mà công ty bán không có tem nhãn phụ theo quy định về hàng hóa nhập khẩu. Thậm chí, không tìm được nơi ghi hạn sử dụng.
Báo Tri thức và cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin!
Khoản 4 Điều 8 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định về nội dung của nhãn phụ như sau:
Điều 8. Ghi nhãn phụ...
4. Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa.
Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa được quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP như sau:
Điều 10. Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa
1. Nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau:
a) Tên hàng hóa;
b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;
c) Xuất xứ hàng hóa;
d) Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại Phụ lục I của Nghị định này và văn bản quy phạm pháp luật liên quan.