Bài 1: Dự án Roxana Plaza tại Bình Dương vì sao đột ngột ngừng thi công?

Trong số hơn một nghìn khách hàng mua căn hộ tại Dự án Roxana Plaza, đã có hàng trăm người bị “sốc” vì không biết bao giờ mới được nhận căn hộ mơ ước của mình do nhà thầu đột ngột ngừng thi công. Hàng nghìn lượt người đã tụ tập khiếu kiện phản ứng trước thực trạng này của dự án, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ANTT tại Tp Thuận An, tỉnh Bình Dương trong thời gian vừa qua.

Roxana Plaza là tên thương mại của Dự án Khu căn hộ- căn hộ dịch vụ- khu dịch vụ thương mại-Văn phòng cho thuê tại phường Vĩnh Phú, Tp. Thuận An, tỉnh Bình Dương. Trong khi công trình Dự án Roxana Plaza đang được triển khai thi công rầm rộ, bất ngờ ngày 10/12/2020 xuất hiện băng rôn ở cổng ra vào công trường có nội dung:“ Tổng thầu KHC Group thông báo, kể từ ngày 10/12/2020, Công ty CPXD Việt Vượng (VVCONS) đã bị Tổng thầu cắt hợp đồng, Công ty VVCONS không còn là nhà thầu phụ của dự án này nữa. Mọi cá nhân hay tổ chức nào liên quan tới hợp đồng kinh tế với VVCONS không được phép đến liên hệ hoặc xin hỗ trợ tại dự án.Mọi hành vi sai phạm hoặc tụ tập phía trước dự án đều không được phép. Trân trọng”. Với “tuyên bố lạnh lùng này, dự án đã “bất động” kể từ ngày đó đến nay. Thay cho sự nhộn nhịp, ồn ào do máy móc và thợ thi công là sự la ó của khách hàng mua căn hộ tụ tập trước cổng dự án. “Do khách hàng mua căn hộ không được giải thích rõ đâu là nguyên nhân của sự ngưng trệ, doanh nghiệp, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm việc này nên chúng tôi phải đòi quyền lợi”- một khách hàng bức xúc.  

Ảnh minh họa
Băng rôn xuất hiện tại cổng ra vào của dự án Roxana Plaza ngày 10/12/2020. 

Theo thông tin phóng viên có được, KHC Group là tên gọi tắt của Công ty CP KHC Group, Công ty này do chính ông Lầu Nam Tường là Chủ tịch HĐQT và vợ là Phạm Thị Ngọc Liên- Tổng Giám đốc. Công ty này được thành lập ngày 12/10/2015 và đăng ký  trụ sở tại Lầu 1, 170-170 Bis Bùi Thị Xuân, Phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP Hồ Chí Minh. KHC Group là Tổng thầu Dự án Roxana Plaza. Dự án này  do Công ty Cổ phần Naviland (gọi tắt là Công ty Naviland) đầu tư. Công ty Naviland cũng do mẹ ông Lầu Nam Tường là Chủ tịch HĐQT, ông Lầu Nam Tường nhận ủy quyền từ mẹ làm đại diện cho Chủ tịch HĐQT để quản trị điều hành công ty. Do mẹ mình là cổ đông chi phối của Công ty Naviland, ông Lầu Nam Tường đã chỉ đạo Công ty Naviland phải ký kết giao KHC Grroup làm Tổng thầu dự án.

Sau khi là Tổng thầu dự án, KHC Group đã thuê Công ty VVCONS là nhà thầu phụ. Điều này là bình thường nếu Công ty VVCONS là đơn vị không có dính dáng gì đến “đế chế” Lầu Nam Tường. Phóng viên được biết, Công ty VVCONS là tên gọi tắt của  Công ty CP KHC Việt Vượng, có trụ sở tại số 9/14 Khu phố Đông, Phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. Công ty VVCONS trước đây do mẹ ông Lầu Nam Tường là Chủ tịch HĐQT và nay lại do chính ông Lầu Nam Tường làm Chủ tịch HĐQT. Chính vì điều này, dư luận có quyền đặt ra nghi vấn nội dung tuyên bố của KHC Group về việc “Công ty CPXD Việt Vượng (VVCONS) đã bị Tổng thầu cắt hợp đồng, Công ty VVCONS không còn là nhà thầu phụ của dự án này nữa..” có phải là màn diễn theo kịch bản có sẵn nhằm che đậy mục đích nào khác và người ta đã lờ mờ nhận thấy vai trò của gia đình ông Lầu Nam Tường trong sự kiện ngưng thi công dự án này?

Tìm hiểu sâu thêm nội tình dự án, phóng viên được biết, sau khi trở thành nhà thầu phụ, Công ty VVCONS đã thuê lại một số nhà thầu phụ khác tiến hành thi công công trình dự án. Khi khối lượng thi công đã “hòm hòm”, bỗng thấy Công ty VVCONS của ông Lầu Nam Tường không còn là nhà thầu phụ, thì các nhà thầu phụ khác đang làm thuê cho VVCONS buộc phải ngừng thi công vì lo ngại không có ai chịu trách nhiệm chi trả chi phí thi công cho khối lượng công việc đã hoàn thành và sẽ hoàn thành trong tương lai. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân của sự xuất hiện băng rôn ngày 10/12/2020? Một người có liên quan trực tiếp đến dự án đã tố cáo:Mặc dù ứng lượng tiền rất lớn từ Công ty Naviland và thi công đến đâu Công ty Naviland thanh toán đến đó nhưng Công ty CP KHC Group, Công ty VVCONS  không trả tiền cho các nhà thầu phụ, nên các nhà thầu phụ buộc phải dừng xây dựng”.

Vấn đề đặt ra, dòng tiền chảy quanh quẩn đang làm lợi cho ai? Như trên đã nêu về việc chỉ định thầu chính, giao thầu phụ đều có liên quan đến gia đình ông Lầu Nam Tường, dòng tiền bắt đầu từ Công ty Naviland (Công ty do ông Lầu Nam Tường là đại diện Chủ tịch HĐQT), tiền này có nguồn gốc từ các cổ đông và của hơn nghìn khách hàng mua căn hộ tại dự án đã chảy vào Công ty KHC Group (cũng do ông Lầu Nam Tường là Chủ tịch HĐQT và vợ là Phạm Thị Ngọc Liên- Tổng Giám đốc) rồi “đọng” lại tại Công ty VVCONS do chính ông Lầu Nam Tường là Chủ tịch HĐQT.

Vậy ai trực tiếp bị thiệt hại khi số tiền đã chảy và bị đọng lại ở cái “vũng” VVCONS? Như trên đã phân tích, nguồn tiền do Công ty Naviland đầu tư vào dự án là của các cổ đông, trong đó cổ phần của vợ chồng ông bà Nguyễn Anh Đào-Dương Thị Phương Tuyền chiếm 49% vốn điều lệ tại công ty này. Ngoài ra, phần lớn số tiền đầu tư vào dự án là do huy động từ hơn một nghìn  khách hàng mua căn hộ của dự án. Như vậy, không ai khác, chính các cổ đông trong đó có ông bà Nguyễn Anh Đào –Dương Thị Phương Tuyền và các khách hàng mua căn hộ của Naviland là người bị thiệt hại

Như vậy, việc ai được lợi và ai bị thiệt hại khi việc thi công bị ngưng trễ cũng đã khá rõ ràng, những người bị thiệt hai đang ngày đêm đau đáu nghĩ suy không biết đến bao giờ dự án mới được khởi động lại. Được biết, hiện các cơ quan có thẩm quyền và liên quan dự án đã vào cuộc để phối hợp giải quyết vụ việc.

Doanh nghiệp & Hội nhập sẽ có các bài tiếp theo phản ánh chi tiết về diễn biến liên quan đến dự án này.