Bài cuối: Hàng loạt dự án điện gió... đìu hiu

Khoảng năm 2014, các tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thi nhau kêu gọi đầu tư công trình điện gió.

Một vị lãnh đạo tỉnh nghèo ven biển phấn khởi: “Phép tính đơn giản, các dự án điện gió hoạt động đạt 1.500MW, sản lượng điện phát ra trung bình trên 4 tỷ kWh/năm, doanh thu khoảng 10 nghìn tỷ đồng/năm, mức thu ngân sách trên 1.000 tỷ đồng/năm”. Nhiều dự án hàng tỷ đô la được chấp thuận đầu tư. Nhưng cũng ngần ấy thời gian, nhiều dự án vẫn còn trên giấy.

SUỐT 8 NĂM GIẬM CHÂN TẠI CHỖ

Tận dụng lợi thế của mình với hơn 72km bờ biển, tỉnh Sóc Trăng kêu gọi nhà đầu tư thực hiện các dự án (DA) điện gió thuộc thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề và huyện Cù Lao Dung. Năm 2014, Tập đoàn Phú Cường nhận dự án điện gió Phú Cường Sóc Trăng, nằm ở khu vực bãi bồi ven biển, có tổng quy mô công suất lên đến 800MW, tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD tại xã Lai Hòa, xã Vĩnh Tân và phường Vĩnh Phước, thuộc thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Dự kiến giai đoạn 1 của DA có công suất 150 - 200MW sẽ hoàn thành thu xếp tài chính vào năm 2018. Dự án vận hành sẽ góp phần bổ sung nguồn cung điện năng cho miền Nam, biến vùng bãi bồi nghèo ở Vĩnh Châu thành trang trại điện gió.

Một dự án điện gió ở Bến Tre đang triển khai

Một dự án điện gió ở Bến Tre đang triển khai

Sau tám năm, chủ đầu tư công trình hoành tráng không thực hiện DA. Mới đây, chúng tôi phát hiện, chủ đầu tư tăng vốn vùn vụt dù không có một trụ điện gió nào. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng, ngày 30-10-2021, Tập đoàn Phú Cường được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Cụm Nhà máy Điện gió Phú Cường Sóc Trăng 1A và 1B do Công ty TNHH Mainstream Phú Cường làm chủ đầu tư, liên danh Tập đoàn Mainstream Renewable Power. Dự án có diện tích sử dụng đất có thời hạn 12,94ha, diện tích khu vực biển đề nghị giao 1.100ha. Thời hạn hoạt động của DA là 50 năm. Tổng vốn đầu tư 9.140 tỷ đồng, tương đương trên 395,6 triệu USD. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư 1.828 tỷ đồng; vốn huy động 7.312 tỷ đồng. Như vậy, tổng mức đầu tư DA lúc này đã lên đến gần 3,5 tỷ USD.

Về tiến độ thực hiện, theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, DA tiến hành giai đoạn xây dựng từ quý IV năm 2021 đến quý III năm 2022; thời gian vận hành sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ vào quý IV năm 2023. Dự án sau khi hoàn thành, sẽ có công suất lên tới 1.400MW và sẽ cung cấp điện cho hơn 1,6 triệu ngôi nhà trong khu vực và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như giảm 1,8 triệu tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm. Những buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, Tập đoàn Phú Cường cho biết, ngoài DA Cụm nhà máy điện gió Phú Cường Sóc Trăng 1A và 1B, Tập đoàn đang nghiên cứu và khảo sát thêm nhiều địa điểm cho các DA năng lượng gió trên bờ và năng lượng mặt trời tại các tỉnh Đắk Lắk, Kiên Giang...

Thực tế, khi lãnh đạo tỉnh kiểm tra và làm việc với chủ đầu tư thì DA Nhà máy Điện gió Phú Cường Sóc Trăng 1A và 1B (giai đoạn 1) mới hoàn thành hồ sơ bổ sung quy hoạch và DA đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch tại Văn bản số 795/TTg-CN, ngày 25-6-2020; ký kết hợp đồng Tham vấn cộng đồng dân tộc thiểu số và xây dựng kế hoạch giảm thiểu cho các cộng đồng đánh bắt hải sản thuộc vùng tác động của DA Điện gió Phú Cường Sóc Trăng - giai đoạn 1A - 1B tại TX.Vĩnh Châu; hoàn thành công tác khảo sát địa chất, địa hình và đáy biển của toàn bộ DA; hoàn thành xây dựng, lắp đặt hệ thống đo gió thứ hai ngoài biển, sử dụng công nghệ LIDAR, bắt đầu vận hành tháng 9-2019. Đặc biệt, chủ đầu tư chưa đạt thỏa thuận của Tổng công ty Truyền tải lưới điện quốc gia đấu nối vào lưới điện. Do đó, DA có vốn đầu tư 3,5 tỷ USD vẫn giậm chân tại chỗ sau 8 năm được tỉnh ủng hộ.

Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng, địa phương có 18 DA nhà máy điện gió được cấp chủ trương đầu tư; trong đó có 11 DA nhà máy điện gió đang được triển khai thực hiện. Đến nay, có 4 dự án điện gió đã đưa vào vận hành thương mại, với công suất 110,8MW. Tỉnh đề nghị các nhà đầu tư tùy theo giai đoạn thực hiện của từng DA mà triển khai song song các thủ tục tương ứng, nhằm hạn chế khó khăn, vướng mắc về thủ tục và các công việc có liên quan trong quá trình thực hiện. Đối với các DA chuẩn bị khởi công, các nhà đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, trong đó quan tâm phối hợp sở ngành, địa phương xây dựng giá đất, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, sớm khởi công các dự án theo kế hoạch đã đề ra...

Tỉnh Cà Mau có 3 dự án điện gió đưa vào vận hành

Tỉnh Cà Mau có 3 dự án điện gió đưa vào vận hành

ĐIỆP KHÚC CHẬM TIẾN ĐỘ

Theo các cơ quan chức năng, một số chủ đầu tư có khả năng tài chính yếu nên chậm thực hiện dự án, nhưng cũng có vướng thủ tục pháp lý. Báo cáo của Sở Công thương tỉnh Bến Tre, tỉnh có chiều dài bờ biển 65km là lợi thế lớn để phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là DA điện gió ở vùng ven biển. Hiện tỉnh đã được Bộ Công thương phê duyệt vào quy hoạch 19 DA điện gió với tổng công suất hơn 1.007 MW.

Đến nay, có 9 DA với công suất khoảng 368MW đang triển khai ngoài thực địa, thi công lắp đặt hoàn thành với công suất 270MW; trong đó, 5/9 dự án kịp công nhận vận hành thương mại trước ngày 31-10-2021 với công suất 93,05MW, phần còn lại đang tiếp tục triển khai thi công hoàn chỉnh. Hiện còn 10 DA với công suất khoảng 640MW đang thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan, chưa tiến hành triển khai thi công ngoài thực địa do chờ Chính phủ ban hành cơ chế giá điện.

Sở Công thương Bến Tre cho rằng, cơ chế hỗ trợ, ưu đãi giá mua điện gió quy định tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg, ngày 10-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực, trong khi đó chưa có chính sách mới thay thế nên nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp tục triển khai DA. Bên cạnh đó, Thông tư số 02/2019/TT-BCT, ngày 15-01-2019 của Bộ Công thương về phát triển các DA điện gió chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về khu dân cư nên người dân khu vực DA điện gió trên bờ có phát sinh khiếu nại, làm chậm tiến độ.

Sau 8 năm được tỉnh ủng hộ dự án, Tập đoàn Phú Cường có bản phối cảnh dự án điện gió

Sau 8 năm được tỉnh ủng hộ dự án, Tập đoàn Phú Cường có bản phối cảnh dự án điện gió

Theo quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Cà Mau được Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt 3.607MW điện gió. Cùng với đó, hạ tầng truyền tải lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Cà Mau đến năm 2025, có xét đến năm 2035, đủ đảm bảo giải phóng công suất cho các dự án nhà máy điện gió đầu tư trên địa bàn tỉnh hoạt động.

Tỉnh có 3 nhà máy điện gió đã vận hành 100 MW thương mại gồm: Nhà máy Điện gió Tân Thuận 1 và 2 thuộc huyện Đầm Dơi; Nhà máy Điện gió Tân Ân thuộc huyện Ngọc Hiển đã góp phần bổ sung cho hệ thống điện sản lượng khoảng 225 triệu KWh/năm... 7 DA đang thi công; trong đó, có 1 DA hoàn thành nhưng chờ giá điện để đấu nối, còn lại là chậm tiến độ do dịch Covid-19 thiếu thiết bị, vật tư và chờ giá điện. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng chưa xong do người dân đòi bồi thường giá cao.

Tỉnh Trà Vinh đã có 5 công trình điện gió hoàn thành và hòa vào lưới điện quốc gia. Năm công trình điện gió này có 79 trụ tuabin gió trải dài từ vùng biển xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải đến xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, với tổng vốn đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng, tổng công suất 322MW. Tuy nhiên, không ít dự án chậm tiến độ. Tỉnh Trà Vinh thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư DA Nhà máy điện gió Duyên Hải (tọa lạc tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải) do Công ty TNHH Điện gió Duyên Hải làm chủ đầu tư. Ngày 9-6-2017, tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư trên. Theo đó, dự án Nhà máy điện gió Duyên Hải có công suất thiết kế 48,3MW, bao gồm 21 tuabin, mỗi tuabin 2,3MW, sản lượng điện cung cấp hàng năm 135.200MWh/năm do Công ty Cổ phần năng lượng Dầu khí Châu Á và Tập đoàn Unison (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư.

Ngày 07-8-2017, nhà đầu tư thay đổi giấy chứng nhận đầu tư tổng vốn đăng ký hơn 2.839 tỷ đồng (trong đó, Nhà máy vốn góp thực hiện DA 20%, Công ty Cổ phần Năng lượng Dầu khí Châu Á là 1%, Tập đoàn Unison góp 19%, còn lại vốn vay 80%). Sau hơn một năm, DA không thực hiện dù địa phương nhiều lần hối thúc. Trước thái độ bất hợp tác của chủ đầu tư, UBND tỉnh kiểm tra và phát hiện, từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hai năm sau, nhà đầu tư chỉ mới triển khai đo gió. Các nội dung khác không thực hiện nên đủ điều kiện để thu hồi. Thật bất ngờ, Công ty Cổ phần Năng lượng Dầu khí Châu Á, Chủ đầu tư DA đang thực hiện DA Nhà máy điện gió Bình Đại với số vốn đầu tư lên đến 180 triệu USD.

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương rà soát, hoàn thiện, Việt Nam dự kiến nâng tổng công suất điện gió từ khoảng 4.000MW năm 2022 lên đến khoảng 16.121MW điện gió trên bờ và gần bờ và khoảng 7.000MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Đến 2045, tổng công suất điện gió khoảng 122,45GW, trong đó điện gió ngoài khơi là 66,5GW. Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương cho rằng, vẫn còn điểm nghẽn khi phát triển điện gió ngoài khơi, đó chính là Quy hoạch không gian biển. Khung pháp lý cho điện gió ngoài khơi vẫn còn vướng vì ngoài việc giá trị đầu tư vốn lớn, còn liên quan đến các ngành như dầu khí, hàng hải, thủy sản và đặc biệt là an ninh quốc phòng nên chủ đầu tư gặp khó. Thực tế, điện gió ngoài khơi có quy trình đầu tư khác biệt rất nhiều so với điện gió trên bờ. Đơn cử phạm vi quản lý biển dưới 6 hải lý thì thuộc cấp tỉnh, nhưng trên 6 hải lý là phải cấp cao hơn.