Bán chui cổ phiếu: Chịu phạt để lời trăm, nghìn tỷ

Vụ bán 'chui' 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Chủ tịch tập đoàn này đã gây ra dư luận bất bình trên thị trường chứng khoán trong suốt những ngày qua.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có quyết định phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC từ ngày 11/1 cho đến khi có quyết định thay thế. Tuy nhiên, sự việc này cũng đã làm thiệt hại rất nhiều cho các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư nhỏ lẻ khi không những cổ phiếu FLC mà hàng loạt cổ phiếu dòng bất động sản đều giảm sàn trong những phiên gần đây.

Dư luận và cộng đồng nhà đầu tư đang bức xúc xoay quanh câu chuyện "bán chui" cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, nhất là đây không phải lần đầu tiên xảy ra sự việc này. Trước đó vào năm 2017, ông Trịnh Văn Quyết cũng thực hiện hành vi vi phạm tương tự nhưng chỉ bị xử phạt 65 triệu đồng. Lúc này dư luận đặt câu hỏi liệu khuôn khổ pháp lý và việc thực thi đã đủ tính răn đe?

Chuyên gia chứng khoán Đỗ Anh Việt, công ty chứng khoán Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng cho rằng: "Việc FLC bán chui cổ phiếu không phải là việc lần đầu, năm 2017 FLC đã từng bán chui số lượng rất lớn khoảng 57 triệu cổ phiếu, theo tính toán thời gian đó họ đã đút túi 400 tỷ đồng. Vậy nên việc bán chui lần này nằm trong tính toán của ban lãnh đạo chứ không có sự nhầm lẫn nào cả.

Lần này Ủy ban chứng khoán đã có những hành động về việc ngăn chặn giao dịch và hoàn lại cổ phiếu. Tuy nhiên ảnh hưởng niềm tin đối với nhà đầu tư là rất lớn, cổ phiếu FLC giảm sàn và rất nhiều cổ phiếu bất động sản khác cũng bị ảnh hưởng. Thời điểm này, cổ phiếu đầu cơ và cổ phiếu bất động sản thì sự việc này làm “xì hơi bong bóng” những cổ phiếu đầu cơ".

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC

Nghị định 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2022 quy định nếu giá trị "giao dịch chui" theo mệnh giá cổ phiếu (10.000 đồng/cổ phiếu) từ 50 triệu đồng đến dưới 10 tỷ đồng thì bị phạt từ 5-250 triệu đồng. Trường hợp giá trị giao dịch theo mệnh giá từ 10 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt từ 3-5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế.

Trong trường hợp của ông Trịnh Văn Quyết, vào ngày 10/1, ông Quyết đã bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC và giả sử khớp với giá sàn 21.150 đồng/cổ phiếu, chưa kể trong phiên này có hơn 8.400 cổ phiếu được bán với giá trần 24.100 đồng thì ông Quyết có thể thu về khoảng 1.580 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mức xử phạt chỉ tính theo mệnh giá cổ phiếu, tương đương 748 tỷ đồng cho 74,8 triệu cổ phiếu FLC bán. Áp khung từ 3-5%, ông Quyết chỉ bị phạt từ 22,4-37,4 tỷ đồng. Giả sử giao dịch thành công, được công nhận, so với lợi nhuận đem lại thì mức xử phạt hiện nay không đủ sức răn đe và phòng ngừa.

Chuyên gia chứng khoán Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích- Tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán Tân Việt phân tích: "Chúng ta thấy: theo Luật chứng khoán sửa đổi mới chính thức hoạt động từ năm 2021 thì các việc liên quan đến bán chui cổ phiếu đều có quy định khá cụ thể của pháp luật. Mức phạt cao nhất trong hoạt động này là từ 3-5% giá trị giao dịch.

Ngoài ra, Ủy ban chứng khoán có tìm thấy các thông tin khác nữa thì hoàn toàn có khả năng sẽ phải mua lại số cổ phiếu đó, hay là sẽ phải đền bù phần chênh lệch để nạp vào cơ quan nhà nước. Như vậy chúng ta thấy khá rõ về quy định liên quan đến việc bán cổ phiếu mà chưa công bố thông tin. Xét chung chúng ta thấy nó cũng có những tác động tiêu cực nhất định đối với nhà đầu tư hiện tại vì thế hệ nhà đầu tư F0 thời điểm hiện tại và 2 năm trở lại đây chưa tiếp cận được nhiều thông tin này nên có những lo lắng nhất định. Tuy vậy tôi cho rằng, cơ bản chúng ta có những quy định rõ ràng về hoạt động này".

Việc lãnh đạo của một doanh nghiệp "bán chui" cổ phiếu cũng khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ mất niềm tin, trở thành hiện tượng không đáng có trên thị trường, trong khi nhiều lãnh đạo của các doanh nghiệp niêm yết khác vẫn đang nỗ lực hết mình. Việc làm này còn ảnh hưởng đến tính minh bạch của doanh nghiệp nói riêng và thị trường nói chung.

Ông Trần Đức Minh, một nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cho biết: "Tập đoàn FLC bán cổ phiếu ảnh hưởng rất lớn đến nhà đầu tư cá nhân, làm hàng loạt cổ phiếu bất động sản giảm đồng loạt, ảnh hưởng đến niềm tin về thị trường chứng khoán của Việt Nam. Về hình phạt theo tôi chưa đủ sức răn đe với hành động bán chui cổ phiếu, đặc biệt là lãnh đạo nắm trong tay nhiều cổ phiếu, tác động đến thị trường, theo tôi nên có chế tài, răn đe thích đáng đến hành động làm ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường chứng khoán tại Việt Nam".

Trưa ngày 12/1, một số nhà đầu tư chứng khoán đã nhận được tin nhắn thông báo hoàn trả tiền từ đợt mua cổ phiếu FLC hôm 10/1. Theo đó một công ty chứng khoán đầu ngành đã thực hiện hủy kết quả khớp lệnh mua đối ứng cổ phiếu FLC trên tài khoản và hoàn trả tiền ngay trong ngày 12/1. Việc hoàn trả này được thực hiện theo thông báo 436 của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) về điều chỉnh thông tin thanh toán giao dịch đối với mã FLC ngày 10/1./.