Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị tập huấn cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường, do Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với Tổ chức HealthBridge tổ chức mới đây.
Các chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này, nhưng đa số là do sự hiểu biết còn hạn chế, kiến thức chưa đầy đủ do thiếu các biện pháp tuyên truyền giáo dục về tác hại bia rượu đối với sức khỏe con người.
Hơn 40.000 ca tử vong liên quan đến bia rượu
Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay, theo thống kê từ Báo cáo toàn cầu năm 2018 cho thấy mức tiêu thụ rượu bia bình quân/người trưởng thành quy đổi ra cồn nguyên chất đã tăng từ 3,8 lít/người (2005) lên 8,3 lít năm 2018 (cao hơn mức trung bình của thế giới là 6,4 lít). Việt Nam xếp thứ hai trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Tình trạng uống quá độ đến mức nguy hại cũng đang rất phổ biến ở người trưởng thành Việt Nam: 44,2% nam giới, 2015; tăng gần gấp 2 lần so với năm 2010 (25,1%).
TS. Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo số ca tử vong do rượu bia khi tổng kết lại với con số khá lớn. Thống kê gần đây nhất, mỗi năm có khoảng hơn 548.000 trường hợp tử vong do ung thư, bệnh tim mạch, tâm thần, tiêu hóa, nhiễm trùng và do một số bệnh khác, trong đó ước lượng có khoảng hơn 40.800 ca tử vong liên quan đến bia rượu (chiếm tỉ lệ 7,5%). Ngoài ra nó còn là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế. Rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 2 trong 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Ngoài ra, rượu bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam. Sử dụng rượu bia cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng bất bình đẳng giới và bất bình đẳng kinh tế xã hội, thách thức các nỗ lực giảm nghèo bền vững.
Kết quả Điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2021 cho thấy tỉ lệ nam giới Việt Nam uống rượu bia rất cao. Theo thống kê, năm 2021 có tới 64% nam giới và 10% nữ giới hiện có uống rượu bia 30 ngày qua. Đáng lưu ý, tỉ lệ uống ở mức nguy hại đều tăng cao qua các năm, nhất là ở nam giới. Cứ 3 nam giới thì có 1 người uống ở mức nguy hại. Tỉ lệ sử dụng rượu bia ở thanh thiếu niên nam giảm nhẹ nhưng tỉ lệ sử dụng rượu bia ở nữ lại tăng.
Thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Việt Nam là nước có mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá thấp gần nhất trong khu vực ASEAN và rất thấp so với các nước phát triển.
Sự cần thiết của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt
Ước tính chi phí trực tiếp cho tiêu dùng rượu bia ở Việt Nam vào năm 2017 là 4 tỉ USD, gần bằng 7% số thu ngân sách của nhà nước (chưa tính đến chi phí gián tiếp) trong khi đóng góp cho ngân sách nhà nước toàn ngành năm 2017 là khoảng 50.000 tỉ đồng (tương đương với 2 tỉ USD).
Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm cho hay hiện nay thuế rượu bia tại Việt Nam vẫn đang ở mức thấp. Theo tính toán tỉ trọng thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 30%, trong khi đó, ở nhiều nước thuế rượu bia chiếm khoảng 40%-85 % giá bán lẻ.
Hiện sức mua rượu bia tăng mạnh mà một trong những nguyên nhân là do giá rượu bia tăng chậm hơn nhiều so với mức tăng thu nhập bình quân/người/năm. WHO khuyến cáo, chính sách thuế là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tác hại của rượu bia, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do rượu bia gây ra.
Theo đánh giá tác động của Đại học Thương mại và HealthBridge, năm 2016 khi tăng thuế tổng sản lượng tiêu thụ bia vẫn tăng 3,6%, sản lượng tiêu thụ rượu dưới 20 độ cồn giảm 4%, sản lượng tiêu thụ rượu trên 20 độ tăng 1,1%, tổng cộng sản lượng tiêu thụ đồ uống có cồn tăng 3,5%. Năm tăng thuế 2018, tổng sản lượng tiêu thụ bia chỉ giảm nhẹ 0,1%, sản lượng tiêu thụ rượu dưới 20 độ tăng 1,3%, sản tiêu thụ rượu trên 20 độ tăng 1,5%, tộng cộng sản lượng tiêu thụ đồ uống có cồn không thay đổi.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến từ chuyên gia của WHO, Bộ Y tế và Tổ chức HealthBridge cho thấy kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, cần phải tăng thuế để ít nhất giữ cho sức mua không tăng và cần tăng thuế mạnh để giảm sức mua từ đó giảm thiểu hậu quả đối với sức khỏe, kinh tế, xã hội. Nguyên nhân là do việc tăng thuế để tăng giá các mặt hàng rượu bia đem lại nhiều lợi ích cho y tế công cộng, kinh tế và xã hội. Cụ thể: giảm tiêu dùng, giảm tử vong, bệnh tật liên quan đến rượu bia, giảm chi phí y tế, cải thiện hiệu quả làm việc, giảm hậu quả về mặt xã hội của lạm dụng rượu bia và tăng thu ngân sách cho Chính phủ. Đây là chính sách mà Nhà nước và người dân cùng hưởng lợi.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia để có thể giảm tiêu thụ rượu bia hoặc ít nhất giữ sức mua rượu bia không gia tăng. Ngoài ra cũng nên bổ sung thêm thuế tuyệt đối và chuyển sang cơ chế thuế hỗn hợp để có thể hạn chế các điểm yếu của thuế tỉ lệ như vấn đề chuyển giá và chuyển dịch tiêu dùng giữa các loại sản phẩm.