Bão giá nguyên liệu “thổi bay” lợi nhuận của FECON

Việc triển khai một loạt gói thầu quy mô lớn giúp Công ty CP FECON ghi nhận doanh thu tích cực trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên “bão giá” nguyên, nhiên liệu khiến FECON chỉ hoàn thành 0,44% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2022.

fecon-1659941535.jpgLợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2022 của Công ty CP FECON chỉ đạt 1,24 tỷ đồng, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Từ đầu năm đến nay, Công ty CP FECON trúng nhiều gói thầu lớn như 4 gói thầu tại Dự án Hòa Phát Dung Quất giai đoạn II (Quảng Ngãi) với tổng giá khoảng 500 tỷ đồng, Gói thầu thi công trị giá 120 tỷ đồng tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2, Gói thầu Thi công nhà kho và sân bãi thuộc Dự án Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc trị giá 118 tỷ đồng…

Tại các gói thầu có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, FECON thông qua công ty con là Công ty CP FECON South đã trúng nhiều gói thầu quy mô lớn vào cuối năm ngoái và đầu năm nay. Đơn cử, vào đầu năm 2022, FECON South liên danh cùng Công ty CP Xây dựng Trung Nam 18 E&C trúng Gói thầu SH2-XL01 Thi công xây dựng đường ven kênh Tắt và hạng mục cầu Kênh Xáng với giá 125,6 tỷ đồng. Gói thầu thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2).

Cuối năm 2021, trong vai trò thành viên liên danh, FECON South trúng Gói thầu XL.03 Thi công đoạn Km8+900 - Km14+243 và cầu Gành Hào (bao gồm điều tiết đảm bảo an toàn giao thông thủy trong thời gian thi công) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau với giá hơn 430 tỷ đồng; Gói thầu Tư vấn thiết kế - mua sắm vật tư thiết bị - thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Xây dựng Trung tâm Hội nghị 30/4 với giá hơn 353,28 tỷ đồng.

Sau quý I/2022 ghi nhận lỗ 6,7 tỷ đồng do tiến độ triển khai một số dự án lớn chậm so với kế hoạch dự kiến ảnh hưởng đến tiến độ chào thầu, ký kết hợp đồng và sản lượng thi công, kết quả kinh doanh của FECON đã có sự cải thiện trong quý II. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn thấp so với kế hoạch đặt ra ban đầu.

Trong quý II/2022, FECON ghi nhận 1.039 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn tăng 49% lên 933 tỷ đồng cùng với chi phí tài chính tăng 41% lên 53,6 tỷ đồng khiến lợi nhuận trước thuế của FECON chỉ bằng ¼ so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 10 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, FECON ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.541 tỷ đồng, tăng 15% so với nửa đầu năm 2021. Lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 8,8 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 67,1 tỷ đồng thực hiện cùng kỳ năm ngoái. Lãi sau thuế nửa đầu năm của FECON chỉ còn 1,24 tỷ đồng, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, cổ đông FECON đã thông qua kế hoạch kinh doanh hợp nhất với doanh thu đạt 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 280 tỷ đồng. Như vậy sau 6 tháng, FECON mới hoàn thành 30,82% mục tiêu doanh thu và 0,44% con số lợi nhuận.

Công ty cho biết, trong 6 tháng đầu năm, giá chi phí nguyên liệu (thép, xi măng, bê tông...), nhiên liệu (xăng, dầu) tăng cao, chi phí nhân công trực tiếp tăng (do ảnh hưởng gián tiếp từ tăng giá nhiên liệu) trong khi hợp đồng các gói thầu Công ty đã ký kết từ năm 2021 và đầu năm 2022 đều áp dụng đơn giá cố định dẫn đến đội giá vốn so với kế hoạch triển khai ban đầu. Do vậy, tỷ suất lợi nhuận gộp bị suy giảm trầm trọng so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Đại hội đồng cổ đông, FECON cho biết, trước ảnh hưởng của giá vật liệu leo thang, Công ty đã đàm phán với các đối tác chiến lược để cung cấp vật liệu với cam kết không tăng giá trong suốt thời gian thực hiện dự án. Đồng thời, Công ty cũng đàm phán với khách hàng (chủ đầu tư) điều chỉnh giá gói thầu khi giá vật liệu tăng thêm từ 5% trở lên và đã nhận được sự đồng ý từ một số chủ đầu tư. Tuy vậy, kết quả phản ánh trong nửa đầu năm nay có thể chưa làm yên lòng cổ đông.