Tại đây, đang có một dự án vướng nhiều sai phạm và dự án này cũng đã “dậm chân tại chỗ” suốt 6 năm qua.
Dự án 6 năm vẫn ngổn ngang
Cho chiếc xuồng giảm tốc độ từ từ lượn quanh đảo Soi Sim, anh lái xuồng tên T. giới thiệu: “Người dân ở đây đều biết đảo Soi Sim là “hoa hậu” trong các đảo ở đây, nên khi trên hòn đảo này có nhiều công trình mọc lên, chúng tôi lo đảo mất đi vẻ hoang sơ, tự nhiên vốn có”.
Theo quan sát của PV, để lên đảo Soi Sim, du khách phải bước lên một chiếc cầu cảng làm bằng sắt kéo dài chừng vài chục mét từ đảo ra mép nước. Tuy nhiên, trên cầu cảng này không hề có lan can, mặt cầu thủng lỗ chỗ.
Cạnh chiếc cầu cảng tạm bợ là một công trình bê tông khá rộng kéo dài từ đảo ra mặt nước. Cũng như chiếc cầu cảng, công trình bê tông này cũ kỹ, gồm những căn nhà làm bằng tôn và một công trình bằng sắt khổng lồ nằm chót vót trên đỉnh - được gọi là bảo tàng đa dạng sinh học vịnh Hạ Long.
Theo tìm hiểu, đây là dự án Khu bảo tồn động, thực vật vịnh Hạ Long trên đảo Soi Sim (Dự án Khu bảo tồn - PV) do Công ty TNHH MTV Soi Sim làm chủ đầu tư.
Dự án có tổng diện tích sử dụng đất và mặt nước 147.173m3, trong đó diện tích mặt đất 65.829m2, diện tích mặt nước 81.884m2.
Tổng vốn đầu tư dự án là 28,481 tỷ đồng, từ nguồn vốn của doanh nghiệp; thời hạn sử dụng là 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu (30/8/2013).
Dự án gồm 4 khu chức năng với bãi tắm; tuyến đường ven đảo phía Tây, phía Đông; nhà trưng bày trung tâm; phòng nghiên cứu, thí nghiệm xử lý tiêu bản; phòng bảo tồn nguồn gen động, thực vật Hạ Long; khu cứu hộ, nuôi nhốt, nuôi thả động vật…
Dự án được yêu cầu đến tháng 2/2017 phải đi vào hoạt động, nhưng đến nay vẫn gần như để hoang.
Mặc dù còn ngổn ngang như vậy, nhưng Ban Quản lý vịnh Hạ Long vẫn liên tục có văn bản “đốc” chủ đầu tư dự án (văn bản ngày 10/3/2022 và 27/4/2022) khẩn trương rà soát các hạng mục công trình, đảm bảo điều kiện để đưa bãi tắm Soi Sim vào hoạt động đón khách tham quan(?)
Không có cơ sở cấp phép, giao đất
Không giống như dự án ở vụng Cặp Táo, dự án bảo tồn của Công ty TNHH MTV Soi Sim ngay từ đầu đã được xin phép cấp có thẩm quyền là Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO.
Tuy nhiên, dự án này lại xuất hiện hàng loạt sai phạm trong quá trình thực hiện.
Theo Đại tá Lê Trọng Hòa, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BCH Quân sự tỉnh Quảng Ninh, vịnh Hạ Long là khu vực biên giới biển, nên theo quy định thì hầu hết các dự án, công trình tại đây trước khi triển khai đều phải có ý kiến đánh giá của cơ quan chuyên trách về quốc phòng - an ninh... Tới đây, đơn vị sẽ chỉ đạo bộ phận chuyên môn phối hợp kiểm tra, rà soát toàn bộ trình tự, thủ tục liên quan đến những công trình đã và đang triển khai.
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Quảng Ninh về việc chấp hành chính sách pháp luật trong thực hiện đầu tư xây dựng Khu bảo tồn trên đảo Soi Sim giai đoạn 2015 - 2019, Công ty TNHH MTV Soi Sim chưa được UBND tỉnh Quảng Ninh giao đất, cho thuê đất.
Nguyên nhân là do vị trí xin thuê đất thuộc khu vực vịnh Hạ Long - là đất di tích văn hóa, nên không có cơ sở để thực hiện giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án.
Cùng đó, vị trí rừng tại đảo Soi Sim là rừng tự nhiên và dự án không phải trọng điểm quốc gia, phục vụ quốc phòng an ninh quốc gia, dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt, nên không có căn cứ chuyển đổi mục đích.
Với việc cho thuê rừng, theo Luật Lâm nghiệp, Công ty Soi Sim không thuộc đối tượng được cho thuê rừng đặc dụng là rừng tự nhiên.
Đặc biệt, Công ty TNHH Soi Sim không phải chủ rừng nhưng đã lập dự án và được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp chứng nhận đầu tư để triển khai dự án là không đúng quy trình, quy định.
Kết luận thanh tra cũng chỉ ra, theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Ban Quản lý vịnh Hạ Long chưa phải là chủ rừng và theo quy định tại Luật Lâm nghiệp, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long không thuộc đối tượng đủ điều kiện được giao rừng.
Do đó, việc Ban này ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng đối với Công ty CP Dịch vụ vịnh Hạ Long (sau chuyển giao cho Công ty TNHH MTV Soi Sim) là không có cơ sở. Trách nhiệm để xảy ra việc này là do sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn thuộc Sở TN&MT, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh.
Thanh tra tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ ra sai sót của Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh tham mưu cho UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Trong khi đó, theo Luật Di sản văn hóa thì không có quy định về đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách tại các khu vực sử dụng đất, sử dụng rừng đặc dụng là rừng tự nhiên trong vùng lõi di sản.
Thanh tra tỉnh còn chỉ ra việc Sở Tài chính chưa cập nhật, hướng dẫn Công ty TNHH MTV Soi Sim nộp 1,224 tỷ đồng vào ngân sách phần giá trị còn lại của tài sản Nhà nước đã đầu tư trên đảo Soi Sim…
Làm việc với PV, đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh cho rằng, những tồn tại liên quan đến trách nhiệm của đơn vị đã được khắc phục.
Tuy nhiên, khi PV đề nghị tiếp cận văn bản liên quan thì vị đại diện Sở này lại “hẹn một dịp khác”.
Trả lời phóng viên qua điện thoại sáng 7/8, đại diện Công ty TNHH MTV Soi Sim cho biết, đến nay, dự án của doanh nghiệp vẫn vướng do chưa đầy đủ thủ tục pháp lý.
“Dự án còn phức tạp lắm, chưa biết bao giờ mới hoàn thành”, vị đại diện nói.
Ngày 8/8, trao đổi với PV về những vấn đề liên quan đến dự án trên đảo Soi Sim, ông Phạm Đình Huỳnh, Phó ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết: Đến thời điểm hiện tại, cơ bản những vấn đề trách nhiệm thuộc thẩm quyền đơn vị mà Thanh tra tỉnh chỉ ra trong kết luận đã được khắc phục. Trong đó, đơn vị đã tiến hành kiểm điểm và kỷ luật 2 cán bộ, đảng viên sai phạm.
Khi được hỏi về việc xử lý như thế nào với dự án này, ông Huỳnh cho biết: “Hiện nay, Ban Quản lý vịnh Hạ Long chưa được cấp có thẩm quyền giao đất, giao rừng, nên chưa thể ký hợp đồng với doanh nghiệp. Bởi đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng của tỉnh mới hoàn thành việc đánh giá rừng tại đảo Soi Sim, sau bước này mới đến việc trình thủ tục giao đất, giao rừng và ra quyết định cho đơn vị. Tiếp đến là làm thủ tục ký hợp đồng với doanh nghiệp… Và các bước này thì chưa biết bao giờ mới hoàn thành”.
Liên quan đến tài sản trị giá 1,224 tỷ đồng đầu tư từ ngân sách, theo ông Huỳnh, đến thời điểm hiện tại, cơ quan chuyên môn của Bộ Tài chính đã làm việc với Ban Quản lý vịnh và cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Quảng Ninh, nhưng chưa có hướng giải quyết. Còn vướng mắc tại Luật Di sản văn hóa thì cơ quan chức năng cũng chưa có hướng giải quyết, nhưng cũng đang tính toán đề xuất đến mô hình hợp tác công - tư...