Trong khi giao dịch nhà ở như căn hộ, nhà phố, đất nền đều sụt giảm mạnh do thị trường chung gặp khó khăn thì nhu cầu thuê nhà ở và mặt bằng bán lẻ lại đang phục hồi tốt, thậm chí có xu hướng bùng nổ.
Nhu cầu tăng vọt
Theo bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield, thị trường bất động sản quý III vừa qua có một số điểm chênh lệch giữa nhu cầu của các phân khúc. Cụ thể, trong quý III, nguồn cung và tỉ lệ hấp thụ căn hộ mới ở TP HCM lần lượt giảm mạnh 56% và 54% so với quý trước, với 4.100 căn được chào bán và 4.150 căn được tiêu thụ. Nguyên nhân là do nhà nước kiểm soát tín dụng, gây khó khăn trong việc giải ngân vốn vay của các chủ đầu tư và người mua bất động sản.
Trong khi đó, nhu cầu thuê căn hộ và mặt bằng bán lẻ vẫn tiếp tục phục hồi và đã quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng của thời điểm trước đại dịch. Tỉ lệ lấp đầy toàn thị trường đạt 93% trên tổng nguồn cung tích lũy của trung tâm thương mại, bách hóa tổng hợp và khối đế thương mại là 1 triệu m2 sàn. Giá thuê trung bình đạt 48,3 USD/m2/tháng (tương đương 1,1 triệu đồng), tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của trang Batdongsan.com.vn cũng cho thấy quý III vừa qua, trong khi thị trường bất động sản để bán (chung cư, nhà phố, đất nền) khá trầm lắng thì các phân khúc cho thuê lại ghi nhận những tín hiệu tích cực hơn. Cụ thể, nhu cầu tìm thuê mặt bằng, nhà ở tại Hà Nội tăng tới 58% so với quý I/2022; còn tại TP HCM, nhu cầu thuê tăng đến 70%. Trong đó, nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ chiếm tỉ lệ áp đảo.
Ở phân khúc căn hộ cho thuê, nhu cầu thuê chung cư ở Hà Nội tăng khoảng 13% so với quý trước, còn ở TP HCM tăng đến 24%. Giá thuê cũng đồng loạt tăng ở cả hai thành phố lớn, với mức tăng 12%-16% so quý trước. Tại TP HCM, những khu vực có mật độ chung cư dày nhất và thu hút người thuê nhất là quận 1, quận 4, quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức.
Không chỉ mặt bằng bán lẻ, chung cư thu hút người thuê trở lại mà nhu cầu thuê nhà trọ cũng đã nhộn nhịp hơn, nhiều khu nhà trọ đã lấp đầy. Chủ nhà trọ ở các quận, huyện vùng ven TP HCM cho biết trong 3 tháng qua, nhu cầu thuê trọ của công nhân đã tăng mạnh trở lại với tỉ lệ thuê lấp đầy từ 95-100%. Trong khi giai đoạn đầu năm chỉ 20%-30%. Giá thuê phòng trọ theo đó cũng tăng 20%-30% so với trước.
Theo ông Hoàng Phúc, quản lý khu nhà trọ 38 phòng ở đường Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh, TP HCM), trước đây một căn phòng trọ ông thu 3-3,5 triệu đồng/tháng, khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, ông hạ còn 2,5 triệu đồng/tháng. "Hiện giá thuê đã trở lại như giá cũ trước đại dịch nhưng nhu cầu thuê vẫn tăng, hễ có phòng trống là có khách hỏi thuê ngay" - ông Phúc nói.
Trước tình hình cho thuê tăng vọt, chuyên trang Batdongsan.com.vn cho rằng lợi suất cho thuê nhà phố đã hấp dẫn trở lại với mức tăng 3%/năm tại Hà Nội và đến 2,9%/năm, tại TP HCM.
Tuyến đường Lê Lợi, quận 1, TP HCM đã sầm uất trở lại sau khi tháo gỡ rào chắn từ đầu tháng 9-2022. Ảnh: TẤN THẠNH
Tiềm năng còn rất lớn
Tìm hiểu của phóng viên, giá cho thuê ở hầu hết các khu căn hộ trung cao cấp tại TP HCM đều tăng do nhu cầu của khách thuê ngày càng tăng. Chị Giàu, chuyên môi giới cho thuê tại khu căn hộ ở các quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức (quận 2 cũ), cho biết từ sau đại dịch COVID-19 đến nay thì đây là thời điểm khách thuê có nhu cầu cao nhất.
Nhiều căn chung cư 1-2 phòng ngủ rao lên là có người thuê ngay. Giá thuê cũng tăng 10%-15% so với đầu năm và tăng 25-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Khách thuê chủ yếu là người đi làm, bao gồm cả người nước ngoài. Nhiều người trước đây về quê tránh dịch, nay hầu hết đã trở lại thành phố làm việc nên nhu cầu thuê nhà tăng cao.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Tổng Giám đốc Công ty VNO - đơn vị chuyên thuê và cho thuê lại văn phòng tại TP HCM, cho biết nhu cầu tìm thuê nhà, văn phòng đang gia tăng thấy rõ. Nhiều khách đã chọn đổi văn phòng giá mềm hơn để giảm chi phí, đồng thời những người trước đây trả mặt bằng thì nay đi tìm mặt bằng khác để trở lại kinh doanh.
Theo ông Hải, nhu cầu mua nhà đang gặp khó khăn do dòng tiền hạn hẹp, tín dụng bị siết, trong khi nhu cầu ở, kinh doanh lại đang tăng nên phân khúc cho thuê sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Theo bà Trang Bùi, tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ trong 9 tháng đạt tới 177 tỉ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái; lượng khách quốc tế đạt 1,87 triệu lượt, cao gấp 16,4 lần cùng kỳ năm trước. Điều này sẽ thúc đẩy các dịch vụ liên quan đến nhà ở, mặt bằng bán lẻ, văn phòng gia tăng.
Đặc biệt, khi các hoạt động du lịch đang được mở cửa mạnh mẽ, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam càng khiến các hoạt động thuê mặt bằng kinh doanh hàng hóa, ăn uống, dịch vụ lưu trú, khách sạn... gia tăng mạnh mẽ.
Tiềm năng cho các thương hiệu cao cấp
Theo ông Nick Bradstreet, Giám đốc Bộ phận bán lẻ khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Savills, nhiều thương hiệu bán lẻ quốc tế đang tìm kiếm cơ hội để mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, bắt nguồn từ những tín hiệu tích cực của nền kinh tế và tiềm năng tiêu dùng quốc nội.
Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất doanh nghiệp gặp phải trong quá trình gia nhập thị trường nằm ở điều kiện mặt bằng. Việc thiếu đi không gian tại trung tâm phù hợp với các tiêu chí về thương hiệu và kỹ thuật khiến quá trình mở cửa hàng gặp khó khăn. Điều này khiến các nhãn hàng xa xỉ chần chừ khi đưa ra quyết định đầu tư hay mở rộng tại Việt Nam.
Ông Nick Bradstreet cho biết trong quá trình tìm mặt bằng phù hợp cho cửa hàng flagship mang thương hiệu Louis Vuitton và Dior tại Hà Nội, Savills cùng chủ đầu tư đã thực hiện các phương án cải tạo, kết hợp nhiều nhà phố thành một mặt bằng lớn mới đáp ứng đúng tiêu chuẩn của thương hiệu.
Chính vì vậy, giải pháp để ngành bán lẻ Việt Nam hút các thương hiệu quốc tế, đặc biệt ở phân khúc cao cấp, nằm ở vấn đề nguồn cung mặt bằng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, bên cạnh nhà mặt tiền, thị trường cần bổ sung trung tâm thương mại cao cấp tại khu vực trung tâm thành phố. Những dự án này cần được thiết kế và vận hành một cách chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các nhãn hàng quốc tế.