Bên trong 'nền kinh tế' World Cup, chủ nhà vung tiền… rơi vào túi ai?

Nếu nhìn vào 'miếng bánh' phân chia lợi nhuận thì những khoản béo bở nhất của World Cup như tiền bản quyền truyền hình, tiền bán vé, thậm chí tiền bán đồ lưu niệm đều chảy về túi FIFA.
Bên trong 'nền kinh tế' World Cup, chủ nhà vung tiền… rơi vào túi ai? (Nguồn: Tbsnews)

Bên trong 'nền kinh tế' World Cup, chủ nhà vung tiền… rơi vào túi ai? (Nguồn: Tbsnews)

Nước chủ nhà chỉ được FIFA trích lại lợi nhuận 1,7 tỷ USD. Nhưng trong đó, hơn 400 triệu USD lại sẽ phải chi cho các giải thưởng.

Việc đăng cai tổ chức World Cup 2022 sẽ đưa Qatar trở thành tâm điểm chú ý của thế giới trong 4 tuần, từ 20/11 đến 18/12. Trong thời gian diễn ra sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, chắc chắn sẽ tạo ra phát sinh chi tiêu về du lịch đáng kể.

Nếu khéo léo, “tâm điểm chú ý” đó cũng có thể được kéo dài trong tương lai, thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Tuy nhiên, một câu hỏi lớn đặt ra là, tại sao Qatar hoặc bất kỳ quốc gia nhỏ nào lại tìm cách đăng cai World Cup, vì chi phí để làm điều đó rất lớn, thậm chí có thể tạo ra một khoản nợ có khả năng làm tê liệt nền kinh tế trong dài hạn.

Qatar không sợ tốn kém?

Các nhà phân tích tài chính trên toàn thế giới đã ước tính rằng, GDP của Qatar sẽ tăng 4,1% vào cuối năm 2022. GDP của quốc gia này cũng sẽ tăng trung bình 3,2% mỗi năm, từ năm 2022 đến 2030. Giải đấu cũng sẽ đóng góp khoảng 20 tỷ USD cho nền kinh tế.

Nước chủ nhà Qatar cho biết, đây là kỳ World Cup tốn kém nhất lịch sử, nhưng nó mang lại việc làm cho quốc gia này, điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của đất nước.

Nước chủ nhà ước tính chi khoảng 220 tỷ USD cho FIFA World Cup 2022, nhưng kỳ vọng từ sự kiện thể thao sôi động nhất hành tính sẽ tạo ra hơn 1,5 triệu việc làm trong các lĩnh vực then chốt, như xây dựng, bất động sản và khách sạn. Ngành du lịch cũng được hưởng lợi lớn từ sự kiện này.

Thực tế, đây đúng là World Cup tốn kém nhất lịch sử. Bởi tổng chi tiêu trong 5 phiên bản gần đây nhất của Fifa World Cup, chỉ là: FIFA World Cup 2018 Nga 11,6 tỷ USD, FIFA World Cup 2014 Brazil 15 tỷ USD, FIFA World Cup 2010 Nam Phi 3,6 tỷ USD, FIFA World Cup 2006 Đức 4,6 tỷ USD và FIFA World Cup 2002 Hàn Quốc/Nhật Bản 7 tỷ USD.

Tóm lại, World Cup là cú hích thực sự về hình ảnh với một quốc gia, mang lại lợi ích lâu dài. Với Qatar, tiềm lực tài chính như hiện nay thì có thể không phải quá đáng lo.

Rõ ràng, đăng cai World Cup có nhiều rủi ro, một quốc gia giành quyền đăng cai muốn giữ được “nụ cười chiến thắng”, chắc chắn sẽ phải xử lý những bài toán kinh tế đau đầu.

Tiền thưởng tại FIFA World Cup Qatar 2022 là bao nhiêu?

FIFA đã ấn định tổng số tiền thưởng cho World Cup Qatar 2022 là 440 triệu USD, trong đó đội vô địch giải đấu nhận được 42 triệu USD. Các giải thấp hơn: Á quân 30 triệu USD; Vị trí thứ 3: 27 triệu USD; Vị trí thứ 4: 25 triệu USD; Vị trí thứ 5 đến 8: 17 triệu USD; Vị trí thứ 9 đến 16: 13 triệu USD; Vị trí thứ 17 đến 32: 9 triệu USD.

Ngoài tổng tiền thưởng trị giá 440 triệu USD, còn có 1,5 triệu USD cho mỗi quốc gia tham gia để chuẩn bị cho giải đấu. Mỗi quốc gia tham gia so tài tại World Cup ít nhất sẽ kiếm được 10,5 triệu USD.

Trong kỳ World Cup 2018 ở Nga, tổng số tiền thưởng là 400 triệu USD, nhà vô địch Pháp nhận 38 triệu USD và Á quân Croatia kiếm được 28 triệu USD.

Có sự khác biệt vô cùng lớn giữa Giải vô địch bóng đá nam thế giới với giải nữ. Cụ thể, tổng số tiền thưởng của Giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2019 chỉ có vẻn vẹn 30 triệu USD và người chiến thắng nhận được 4 triệu USD.

Ai đang tài trợ cho FIFA World Cup 2022?

Hiện tại, FIFA đang áp dụng một số cấp độ tài trợ, bao gồm Đối tác FIFA, Nhà tài trợ FIFA World Cup và Nhà tài trợ khu vực. Tổ chức này hiện đang tính toán triển khai thêm một định dạng tài trợ mới với bốn cấp độ, bằng cách tách nhánh nữ và thể thao điện tử khỏi nhánh nam, với hy vọng điều đó sẽ giúp tăng thêm doanh thu tài trợ tổng thể.

Hiện tại, có 7 đối tác “cứng” của FIFA, chuyên tài trợ Giải vô địch bóng đá thế giới - những “ông lớn” có quyền sử dụng thương hiệu FIFA trên toàn cầu, trong tất cả các giải đấu và trên tất cả các chi nhánh.

Bảy tên tuổi “bất khả xâm phạm” đó là gã khổng lồ đồ thể thao Đức – Adidas; thương hiệu nước giải khát Mỹ được giới trẻ toàn cầu yêu thích Coca-Cola; Tập đoàn bất động sản Wanda Group của tỷ phú giàu thứ hai Trung Quốc; Chaebol Hyundai/Kia Motors của Hàn Quốc; Hãng hàng không quốc gia Qatar Airways; Tập đoàn năng lượng quốc gia Qatar Energy và Tập đoàn dịch vụ tài chính đa quốc gia Mỹ Visa.

Ở cấp độ thứ hai - Nhà tài trợ FIFA World Cup. Các tên tuổi này cũng có quyền toàn cầu nhưng bị hạn chế ở một số giải đấu World Cup. FIFA có 7 nhà tài trợ cấp độ này, bao gồm Hãng đồ uống bán chạy nhất nước Mỹ Budweiser; Công ty công nghệ giáo dục đa quốc gia của Ấn Độ Byju's; Nền tảng tiền điện tử Crypto.com của Singapore; Nhà sản xuất thiết bị điện tử và đồ gia dụng Trung Quốc Hisense; Thương hiệu nhà hàng và bất động sản đình đám của Mỹ McDonald's; Nhà cung cấp các sản phẩm sữa hàng đầu Trung Quốc Mengniu Dairy và cuối cùng cũng là một tên tuổi của Trung Quốc - Công ty công nghệ đa quốc gia Vivo.

4,666 tỷ USD là tổng doanh thu được dự tính cho năm World Cup 2022 tại Qatar. Số tiền này được thu về từ 5 nguồn doanh thu chính. Việc bán bản quyền phát sóng truyền hình đóng góp nhiều nhất với 56% tổng thu nhập và lên tới 2,640 tỷ USD. Thu nhập tài trợ (quyền tiếp thị) đứng thứ hai, đóng góp 29%, với 1,353 tỷ USD. Quyền kinh doanh khách sạn và bán vé, quyền cấp phép cũng như doanh thu và thu nhập khác lên tới 673 triệu USD.

Tổng mức đầu tư, hay nói cách khác là chi phí được FIFA “đầu tư” cho World Cup 2022 Qatar là 1,696 tỷ USD. Giảm so với 1,824 tỷ USD chi phí phát sinh trong World Cup 2018 tại Nga.