Bệnh viện ĐK Bạc Liêu mời thầu thiết bị y tế như “chỉ định thầu”?

Hồ sơ mời thầu được công bố rộng rãi, nhiều sản phẩm trong danh mục đấu thầu được nêu nhãn hiệu cụ thể do doanh nghiệp của một quốc gia sản xuất.

Tòa soạn Pháp luật Plus – Báo Pháp luật Việt Nam nhận được phản ánh về hồ sơ mời thầu các gói thầu thiết bị y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu có một số dấu hiệu “bất thường”.

BV Bac lieu

Bệnh viên Đa khoa Bạc Liêu. (Ảnh: Anh Tuấn VNE)

Nêu nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa

Theo đó, Bệnh viên Đa khoa tỉnh Bạc Liêu phê duyệt hồ sơ mời thầu gói số 02: Y cụ- Bông băng -Vật tư y tế, tổng giá trị gói thầu hơn 90 tỷ đồng do Giám đốc Mã Quốc Thiện ký ngày 16/8/2021.

Theo hồ sơ mời thầu được công bố rộng rãi, nhiều sản phẩm trong danh mục đấu thầu được nêu nhãn hiệu cụ thể do doanh nghiệp của một quốc gia sản xuất.

Đơn cử, tại danh mục hàng hóa số thứ tự 42, vật tư y tế là Thủy tinh thể nhân tạo mềm một mảnh CT Asphina 404 của hãng Carl Zeiss Meditec-Đức, số lượng 15 cái, đơn giá 21 triệu đồng, thành tiền 325 triệu đồng.

Tương tự, số thứ tự 43, Thủy tinh thể nhân tạo SDHB của hãng Sidapharm-HiLạp, số lượng 400 cái, đơn giá 3 triệu đồng, thành tiền 1.200 triệu đồng. Số thứ tự 75, Thủy tinh thể mềm HOYA Isert 151 của hãng Hoya Medical-Singapore, số lượng 400 cái, đơn giá 2,98 triệu đồng, thành tiền 1.192 triệu đồng.

Số thứ tự 253 là Thủy tinh thể nhân tạo mềm một mảnh 1stQ Basis Z Hydrophilic Acrylic của hãng 1stQ GmbH- Đức, số lượng 400 cái, đơn giá 3 triệu đồng, thành tiền 1.200 triệu đồng. Số thứ tự 243 là Thủy tinh thể nhân tạo PreciSAL- 302A của hãng Millennium Biomedical Inc-Mỹ số lượng 400 cái, đơn giá 2,95 triệu đồng, thành tiền 1.180 triệu đồng.

Theo phản ánh, “rõ ràng, nêu tên nhãn hiệu sản phẩm của một hãng sản xuất là có dấu hiệu chỉ định thầu cho nhà thầu có sản phẩm này”.

d984924b0d41fb1fa250

Danh mục hàng hóa mời thầu nêu nhãn hiệu cụ thể do doanh nghiệp của một quốc gia sản xuất.

Đặt tiêu chuẩn kỹ thuật như “chỉ định thầu”?

Sản phẩm CT Asphina 404 của hãng Carl Zeiss Meditec-Đức, tiêu chuẩn kỹ thuật được nêu: Công nghệ MICS; Chỉ số Abbe 58; Hằng số A 118,3; Độ sâu tiền phòng ACD 5,14.

Theo tìm hiểu thì: MICS là chữ viết tắt của tiếng Anh, Còn hằng số A 118,3; Độ sâu tiền phòng ACD 5,14 không phải là tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm Thủy tinh thể nhân tạo, bởi vì mỗi một sản phẩm có một hằng số riêng của một hãng, cũng như độ sâu tiền phòng ACD không liên quan gì đến chất lượng sản phẩm.  

Tương tự, số thứ tự 43, sản phẩm SDHB của hãng Sidapharm-Hy lạp, tiêu chuẩn kỹ thuật được nêu: Chiều dài kính 12,5 mm; Hằng số A =118,5; Chỉ số khúc xạ n = 1,56; Độ sâu tiền phòng ACD: 5,20.

Ở số thứ tự 75 với sản phẩm HOYA Isert 151 của hãng Hoya Medical-Singapore, tiêu chuẩn kỹ thuật còn nêu: Đường kính tổng: 12,5 mm; Kích thước vết mổ: 2,4 mm – 2,6 mm; Chỉ số khúc xạ: 1.52; Chỉ số ABBE: 43; tiêu chuẩn Nhật Bản.

Số thứ tự 253 sản phẩm 1stQ Basis Z Hydrophilic Acrylic của hãng 1stQ GmbH- Đức cũng được nêu Tiêu chuẩn kỹ thuật: Chỉ số ABBE: 57,5; Optic 6,0mm, chiều dài 13,0mm; Hằng số A: 118.0 (Nominal); SF: 1.25; Haigis a0: 0.325 a1: 0.255 a2: 0.141; Hằng số A: SRK/T: 118.1; Hằng số A: SRK II: 118.3, độ sâu tiền phòng (ACD): 5.01, chỉ số khúc xạ (Refractive Index): 1.46.  

Những tiêu chuẩn kỹ thuật đưa ra này gắn với những sản phẩm cụ thể rõ ràng, liệu những dấu hiệu này có phải chỉ dành cho nhà thầu đang có sản phẩm phẩm này?

Để làm rõ những thông tin trên Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã liên hệ với ông Mã Quốc Thiện, Giám đốc Bệnh viện. Ông Thiện cho biết đây là gói thầu công khai và có đơn vị tư vấn đấu thầu, nếu có vấn đề gì sẽ điều chỉnh. Cũng liên quan đến nội dung PV trao đổi ông Thiện cho biết sẽ cử người làm việc với Phóng viên cụ thể sau.

Về tiến trình giải quyết thì được biết lãnh đạo Bệnh viện cho biết sau ngày 15/9 Bệnh viện sẽ họp lại hội đồng đấu thầu để giải quyết những nội dung phản ánh trên.

Điểm i khoản 6 Điều 89 Luật Đấu thầu cấm các hành vi không bảo đảm công bằng, minh bạch: “Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế”.

Khoản 7 Điều 12 Nghị định 63/2014/NĐ của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư của Bộ KH&ĐT hướng dẫn về mua sắm hàng hoá quy định hồ sơ mời thầu: “Không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu nhằm tạo lợi thế cho một, hoặc một số nhà thầu gây ra sự canh tranh không bình đẳng như nêu nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử”.

Khoản 5, Mục I Chỉ thị số 47/2017/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước, quy định: “Khi xây dựng Hồ sơ mời thầu/Hồ sơ yêu cầu, không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”.