Biến thể Omicron đẩy thế giới vào vòng xoáy COVID-19 mới

Từ châu Âu, châu Á đến Mỹ, diễn biến dịch COVID-19 đang có xu hướng nghiêm trọng hơn vào dịp cuối năm, đặc biệt là khi biến thể Omicron xuất hiện, làm thay đổi kế hoạch phòng chống dịch bệnh của nhiều quốc gia.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 14/12 cảnh báo về biến thể Omicron. Tính đến nay, Omicron đã xuất hiện tại 77 quốc gia và vùng lãnh thổ. WHO cho rằng biến thể có thể đã lan rộng đến hầu hết các quốc gia mà không bị phát hiện "với tốc độ chưa từng thấy" ở bất kỳ biến thể nào của SARS-CoV-2. WHO hối thúc các nước cần nhanh chóng có hành động để hạn chế sự lây lan, bảo vệ hệ thống y tế, tránh tâm lý chủ quan.

Ca bệnh nặng ở Hàn Quốc cao kỷ lục; Trung Quốc phát hiện ca Omicron

Hàn Quốc có số bệnh nhân COVID-19 nặng và ca tử vong vì COVID-19 cao kỷ lục những ngày gần đây, gây áp lực lớn với hệ thống y tế quốc gia này.

Theo CNN, số ca bệnh COVID-19 nặng đang ở mức 906, còn số ca tử vong ở nước này đã tăng lên 4.456 sau khi có kỷ lục 94 ca tử vong ngày 14/12. Số ca mắc COVID-19 trong ngày 14/12 ở Hàn Quốc cũng cao kỷ lục với 7.843 ca.

Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Kwon Deok-cheol cho biết số giường bệnh chăm sóc đặc biệt đang sắp kín bệnh nhân ở vùng Seoul khi ca bệnh nặng và tử vong tăng do virus lây lan trong nhóm người cao tuổi.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, ngày 14/12. Ảnh: THX/TTXVN

Còn tại Trung Quốc, ngày 14/12, nước này đã ghi nhận ca nhiễm COVID-19 thứ hai do biến thể Omicron gây ra. Song song với biến thể Omicron, Trung Quốc cũng phải đối phó với đợt bùng phát dịch COVID-19 ở các địa phương. Tại Chiết Giang, trong đợt bùng dịch đầu tiên ở tỉnh năm nay, hàng chục nghìn người dân bị cách ly, hoạt động kinh doanh bị đình chỉ, các chuyến bay và sự kiện bị hủy bỏ. Tỉnh Chiết Giang xác nhận 74 ca lây nhiễm trong cộng đồng có biểu hiện triệu chứng, tăng gần gấp đôi so với 38 ca trong ngày 11/12, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở tỉnh này lên 173 ca kể từ khi xuất hiện ca đầu tiên trong đợt dịch mới nhất này.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết đợt bùng phát mới nhất này đang lây lan với tốc độ tương đối nhanh, trong khi tình hình dịch bệnh ổn định trên toàn quốc. Diễn biến trên cho thấy Trung Quốc chật vật với chiến lược “zero COVID-19”.

Châu Âu lo lắng vì biến thể Omicron

Nhiều quốc gia châu Âu đang rất lo lắng khi biến thể Omicron lây lan nhanh, bất chấp các biện pháp hạn chế nhập cảnh từ các quốc gia châu Phi – nơi biến thể này lần đầu tiên được phát hiện.
Tại Anh, trong vòng ba tuần qua, biến thể Omicron đã lây lan nhanh, khiến Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) lo lắng về kịch bản số ca lây nhiễm hàng ngày gia tăng.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Số ca nhiễm COVID-19 do biến thể Omicron gây ra ở Anh hiện vọt lên mức 200.000 ca/ngày, chiếm tỉ lệ áp đảo tổng số ca nhiễm được ghi nhận. Đây là số liệu được Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid đưa ra tại buổi điều trần trước Quốc hội Anh. Ông Javid cũng cho biết bùng phát lây nhiễm Omicron là tác nhân chính khiến Thủ tướng Boris Johnson đẩy nhanh kế hoạch tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường cho tất cả người trưởng thành và hoàn tất tiêm chủng vào cuối năm nay.

Tính đến ngày 13/12, tổng số ca nhiễm Omicron được ghi nhận tại Anh dựa trên kết quả giải trình tự gien là 4.713 ca, trong đó có 1.576 ca mới được xác định trong ngày. Tuy nhiên, UKHSA ước tính con số nhiễm mới tính theo ngày trên thực tế còn cao hơn nhiều dựa trên mô hình nghiên cứu mà cơ quan này áp dụng. Thông tin mà ông Javid chia sẻ là dựa trên dữ liệu của UKHSA.

Bộ trưởng Javid nhận định biến thể Omicron đang lây lan với “tốc độ cực kỳ nguy hiểm”, đòi hỏi chính quyền phải gấp rút điều phối phản ứng y tế khẩn cấp. Ông cũng khuyến nghị người dân Anh nên tiêm mũi vaccine tăng cường bởi những đối tượng đã hoàn thành tiêm chủng vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Theo ông, chỉ trong vài ngày nữa đây sẽ là biến thể áp đảo tại Anh.

Trên thực tế, ước đoán về lây nhiễm tại Anh khác với số ca lây nhiễm chính thức vì có những ca nhiễm không triệu chứng hoặc thể nhẹ và người nhiễm chưa bao giờ làm xét nghiệm.

Trong 4 tuần tới, Anh sẽ đối mặt diễn biến dịch bệnh vô cùng khó khăn do Omicron. Các chuyên gia dự báo Omicron sẽ thay thế biến thể Delta tại Anh.

Tại Đan Mạch, ngày 13/12, Viện Statens Serum dự báo biến thể Omicron sẽ trở thành chủng chủ đạo ở nước này trong tuần này. Viện này cũng dự báo số ca mắc hàng ngày ở Đan Mạch sẽ tăng lên 10.000 ca/ngày. Ngày 14/12, Đan Mạch ghi nhận 8.314 ca mắc mới, mức cao kỷ lục từ đầu đại dịch.

Theo Giám đốc Viện Statens Serum, ông Henrik Ullum, ca mắc mới gia tăng sẽ khiến số ca nhập viện gia tăng, đặc biệt là ở nhóm người chưa tiêm vaccine.

Biến thể Omicron sẽ chủ đạo ở Mỹ

Tại Mỹ, biến thể Omicron khiến giới chức y tế lo ngại khi đã lây lan ra ít nhất 32 bang. Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Bệnh truyền nhiễm và Dị ứng Quốc gia Mỹ, nhận định: “Omicron sẽ là thách thức vì nó lan rất nhanh”.

Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại trung tâm y tế ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 14/12, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết chỉ tính riêng trong thời gian từ 4-11/12 vừa qua, biến thể Omicron hiện chiếm gần 3% các trường hợp mắc COVID-19 trong nước, cho thấy biến thể mới đang bắt đầu gia tăng ở Mỹ.

CDC ước tính biến thể Omicron chiếm 2,9% các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong tuần kết thúc vào ngày 11/12, tăng từ mức 0,4% một tuần trước đó. Con số này được cho là sẽ nhanh chóng tăng lên khi số ca nhiễm biến thể Omicron tăng đột biến ở các nước khác.

Giới chức y tế Mỹ cho rằng dù biến thể Omicron đang gia tăng nhanh chóng, song chính quyền Mỹ có các công cụ cần thiết để ngăn chặn, đó là việc tăng cường tiêm COVID-19.

Tầm quan trọng của mũi vaccine tăng cường

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Sonthofen, Đức ngày 30/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi các nhà khoa học khẩn trương nghiên cứu về Omicron và hiệu quả của vaccine hiện tại với biến thể này, nghiên cứu mới cho thấy cả ba loại vaccine COVID-19 được Mỹ cấp phép sử dụng dường như bị giảm hiệu quả chống lại biến thể Omicron, nhưng một liều tăng cường có thể hồi phục đáng kể khả năng bảo vệ.

Kết quả cho thấy những người đã hoàn thành tiêm chủng đầy đủ (hai mũi với vaccine của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna, hoặc một mũi duy nhất vaccine của Johnson & Johnson) đều có nồng độ kháng thể thấp đến mức “gần như không có”. Tuy nhiên, nồng độ kháng thể của những người đã tiêm mũi tăng cường thể hiện khả năng trung hòa mạnh mẽ với biến thể Omicron.

Trước đó, ngày 13/12, các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford (Anh) cho biết hai mũi vaccine của Pfizer/BioNTech hoặc AstraZeneca không tạo ra đủ kháng thể trung hòa chống lại biến thể Omicron.

Trong thực tế, người đã tiêm hai mũi vaccine COVID-19 vẫn có thể mắc COVID-19, thậm chí tử vong nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch đơn giản như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội. Trong bối cảnh Omicron xuất hiện, mũi tiêm tăng cường chính là biện pháp giảm thiểu rủi ro với người đã tiêm hai mũi vaccine.