Bình Thuận: Dự án King Sea Phan Thiết nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia

Dự án King Sea Phan Thiết tại xã Tiến Thành, TP Phan Thiết do Công ty TNHH Đại Thanh Quang làm chủ đầu tư đang bị cơ quan chức năng kiến nghị thu hồi vì chậm triển khai và nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014

Chậm tiến độ, bị kiến nghị thu hồi

Dự án Khu du lịch biệt thự cao cấp Legend Sea Phan Thiết (Dự án King Sea Phan Thiết), tại xã Tiến Thành, TP Phan Thiết do Công ty TNHH Đại Thanh Quang làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Bình Thuận cấp Giấy chứng nhận đầu tư chứng nhận lần đầu ngày 30/11/2010 với diện tích khoảng 86 ha.

Ngày 06/3/2018, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Đại Thanh Quang, thay thế cho Giấy chứng nhận đầu tư, chứng nhận lần đầu ngày 30/11/2010.

Theo đó, Dự án King Sea Phan Thiết chỉ còn 55,4ha. Trong đó có 49,3 ha đất thuê trả tiền hàng năm tại Quyết định số 672/QĐ-UBBT ngày 24/3/2005. Số diện tích đất còn lại bao gồm đất song suối, một phần đất rừng phòng hộ với diện tích 12.198m2 và rất nhiều diện tích đất của dân chồng lấn trong dự án mà chưa được thương lượng, đền bù theo giá thị trường.

Theo chủ trương trên, thì trong năm 2018, Công ty TNHH Đại Thanh Quang phải triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động khách sạn, căn hộ du lịch cao tầng; năm 2019 đưa vào hoạt động khối biệt thự liên kết, biệt thực độc lập…và năm 2021 phải hoàn thành đưa toàn bộ dự án vào hoạt động kinh doanh.

Thế nhưng, năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận kiểm tra việc sử dụng đất của dự án này vẫn chỉ là cây keo lá tràm, cây điều và một vài công trình xây dựng phần thô. Dự án King Sea Phan Thiết đã bị kết luận chậm triển khai, không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích, thuộc diện phải thu hồi.

du-an-king-sea-phan-thiet-bo-hoang-nhieu-nam-qua-bi-kien-nghi-thu-hoi-1662949962.jpg

Dự án King  Sea  Phan  Thiết bỏ hoang nhiều năm qua bị kiến nghị thu hồi 

 

Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận thì toàn bộ diện tích Dự án Kinh Sea Phan Thiết nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 06/5/2014.

Theo quy định tại điểm I, Điều 64 Luật đất đai năm 2013 nêu rõ: “Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc chậm tiến độ 24 tháng khi gia hạn mà chủ đầu vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất”.

Như vậy, căn cứ quy định trên thì đến thời điểm này Dự án King Sea Phan Thiết vẫn chưa đưa vào sử dụng thì phải thu hồi.

Không thương lượng đền bù dẫn đến tranh chấp kéo dài

Hộ ông Nguyễn Văn Thảo nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp từ bà Nguyễn Thị Huệ diện tích đất 22.195m2 tại thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành, TP Phan Thiết, Bình Thuận từ nằm 2004, có nguồn gốc rõ ràng. Thửa đất này từng được UBND xã Tiến Thành đề nghị cấp GCNQSDĐ vào năm 2004.

Bà Nguyễn Thị Huệ là chủ sử dụng hợp pháp từ ngày 11/11/1988, được chính quyền xã Tiến Thành và Phòng đăng ký đất đai địa chính TP Phan Thiết xác lập hồ sơ, đo vẽ diện tích thửa đất mang tên bà Nguyễn Thị Huệ.

Qua rà soát của UBND xã Tiến Thành, vị trí đất của ông Nguyễn Văn Thảo nhận chuyển nhượng của bà Nguyễn Thị Huệ có nằm trong quyết định của UBND tỉnh Bình Thuận cho Công ty TNHH Đại Thanh Quang thuê đất làm khu du lịch.

UBND xã Tiến Thành đã mời các bên là Công ty TNHH Đại Thanh Quang và ông Nguyễn Văn Thảo lên hoà giải, nhưng do mẫu thuẫn trong việc xác định diện tích đất quy hoạch 03 loại rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Phú quản lý, cùng với các hợp động mua bán đất mà các bên đưa ra, nên vẫn chưa thể hoà giải được.

ong-nguyen-van-thao-trinh-bay-qua-trinh-mua-dat-cua-ba-hue-1662950020.jpg

Ông Nguyễn Văn Thảo trình bày quá trình mua đất của bà Huệ

 

Ngày 02/06/2022, Chủ tịch UBND xã Tiến Thành có công văn đề nghị Phòng TN&MT và UBND TP Phan Thiết kiến nghị thu hồi dự án trên.

Dự án King Sea Phan Thiết chồng lấn lên hàng chục hộ dân đã ở ổn định hàng chục năm qua. Thế nhưng, đến nay Công ty TNHH Đại Thanh Quang mới chỉ khảo sát, đo vẽ cho một vài hộ dân mà không đưa ra phương án đền bù thoả đáng cho dân. Điều này khiến hàng chục hộ dân luôn phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu. Nhiều hộ dân đến nay nhà bị xuống cấp hư hỏng, bị gió thổi sập nhưng không được sửa chữa do bị vướng vào Dự án King Sea Phan Thiết.

Ngày 14/02/2022, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận có Công văn số 525/STNMT-CCQLĐĐ gửi Sở KH&ĐT và Công ty TNHH Đại Quang Thanh nêu: Ngày 11/11/2021, Sở TN&MT nhận được đơn kiến nghị của công dân về việc đề nghị thu hồi đất Dự án King Sea Phan Thiết tại xã Tiến Thành, TP Phan Thiết của Công ty TNHH Đại Thanh Quang vì có hành vi làm giả hồ sơ giấy tờ để chiếm đất của dân, không đền bù tiền.

Ngày 28/12/2021, Công ty CP Tư vấn Đầu tư Thương mại dịch vụ Địa ốc Thái Dương có đơn đề nghị không thực hiện và không chấp thuận cho phép Công ty TNHH Đại Thanh Quang thực hiện các giao dịch (làm chuyển dịch về quyền) liên quan đến tài sản đang tranh chấp là Dự án Legend Sea Phan Thiết (bao gồm quyền sử dụng đất và toàn bộ tài sản trên đất).

Trong công văn trên, Sở TN&MT đề nghị Công ty TNHH Đại Thanh Quang làm việc với các hộ dân có đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ. Sau khi các hộ dân đã được cấp GCNQSDĐ thì công ty phải thoả thuận chuyển nhượng, rồi chuyển mục đích sử dụng đất.

Còn một số trường hợp các hộ dân không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ thì công ty thực hiện thoả thuận mua tài sản gắn liến với đất của người đang sử dụng đất theo đúng quy định tại Điều 16 Nghị định 43/2014 của Chính phủ và khoản 15 Điều 2 Nghị định 01/2017 của Chính phủ.

Ngày 06/4/2021, UBND tỉnh Bình Thuận có Công văn số 1151/UBND-KT về việc rà soát tiến độ các dự án đầu tư chậm triển khai. Theo đó UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở KH&ĐT rà soát toàn bộ các dự án đã chấp thuận đầu tư trên địa bàn tỉnh, đối với những dự án chậm triển khai, nhất là các dự án đã cho gia hạn thì phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hết thời gian gia hạn phải báo cáo kịp thời, đề xuất biện pháp xử lý, trường hợp không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện thì kiên quyết đề xuất thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án theo quy định pháp luật. Trường hợp có dự án chậm triển khai nhưng không được rà soát, xử lý thì Sở KH&ĐT phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.