Có nhiều lý do khiến các thế hệ từ trước đến nay coi vàng là kênh tích trữ lâu dài. So với đầu tư chứng khoán, bất động sản hoặc kinh doanh thì các nhà đầu tư thường ưa chuộng vàng vì cho rằng vàng ít rủi ro hơn ngay cả khi kinh tế suy thoái, lạm phát gia tăng.
Đồng thời, vàng có tính ứng dụng trong thực tế ở các lĩnh vực như trang sức hay đồ điện tử và trữ lượng tài sản này có giới hạn. Với đặc tính có số lượng giới hạn tương tự, bitcoin (tiền điện tử) cũng được nhiều người biết tới với tên gọi “vàng điện tử”.
Tuy nhiên, với việc bitcoin liên tục trượt giá trong năm nay, lập luận đồng tiền mã hóa có thể là một biện pháp phòng vệ trước lạm phát trong tình trạng kinh tế đi xuống không còn được nhiều người ủng hộ.
Ảnh minh họa
Khác với tiền pháp định của các Ngân hàng Trung ương, bitcoin có sự khan hiếm vì chỉ có một số lượng đồng tiền cố định. Do đó, những người ủng hộ bitcoin từ lâu đã cho rằng ngay cả khi lạm phát tăng, tính khan hiếm của đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới sẽ bảo vệ giá trị của đồng tiền này.
Theo nhà đầu tư tỷ phú Paul Tudor Jones, bitcoin có thể là một giải pháp phòng vệ trước lạm phát, trong khi Mark Cuban lại cho rằng điều này chỉ giống với một slogan dùng để marketing. Một số nhà đầu tư khác tin rằng bitcoin sẽ dần dần có giá trị nội tại trong việc lưu giữ giá trị khi nó được nhiều người chấp nhận hơn, tương tự như vàng. Những người này cho rằng bitcoin là một tài sản sẽ không bị mất giá qua thời gian.
Thời điểm hiện tại chưa có bằng chứng nào chứng minh điều này là đúng khi bitcoin đã giảm tới trên 59% so với hồi đầu năm nay. Bà Anjali Jariwala, người sáng lập Fit Advisors cho biết khó có thể xem tiền điện tử như một tài sản có thể lưu giữ giá trị trong thời gian dài vì mức độ biến động giá của nó quá lớn.
Bà nhận định, về cơ bản, bitcoin là một loại tài sản mới chưa thể có được chức năng giống như tiền mặt hay vàng bởi chúng vẫn gặp khó trong việc đổi lấy dịch vụ hoặc hàng hóa. Dù khan hiếm nhưng giá bitcoin vẫn chủ yếu phụ thuộc vào tâm lý người tiêu dùng. Trong khi đó, bitcoin mới tồn tại hơn 10 năm qua, do đó, chưa có đủ dữ liệu để hiểu rõ mục đích của chúng dưới thể thức một dạng đầu tư.
Nhà sáng lập Fit Advisors khuyến nghị các nhà đầu tư chỉ nên “chi tiền” vào tiền điện tử trong khả năng có thể chấp nhận sẽ mất đi tất cả. Đầu tư vào tiền ảo không phải là một chiến lược ngắn hạn và hãy áp dụng chiến lược đó cho dù giới đầu tư đang ở bất kỳ tình trạng nào.
Ảnh minh họa
Ngược lại, vàng là loại tài sản từng được ghi nhận như một cách để phòng vệ lạm phát trong quá khứ. Lần gần nhất khi nước Mỹ trải qua giai đoạn lạm phát không thể kiểm soát là vào những năm 1970 và đầu những năm 1980.
Giá dầu tăng và thiếu hụt năng lượng khiến tỷ lệ lạm phát trung bình năng của Mỹ chạm mốc 8,8% từ năm 1973 tới 1979. Trong 6 năm này, vàng lại được các nhà đầu tư yêu thích khi mang về lợi nhuận năm tới 35%.
Song, thời điểm lạm phát được duy trì ở mức trung bình 6,5% trong năm 1980 đến 1984, giá vàng lại giảm trung bình 10% mỗi năm. Dù con số này cũng không hẳn quá tệ so với tỷ lệ lạm phát, nhưng vàng dường như không hiệu quả bằng các kênh như hàng hóa, bất động sản và cổ phiếu của nhóm công ty S&P 500.
Jason Porter, Giám đốc Đầu tư cao cấp tại Scottish Heritage SG, khẳng định một tài sản phòng vệ lạm phát tốt thông thường sẽ tăng giá cùng với tỷ lệ lạm phát gia tăng. Trong khi đó, vàng có thể mang tới lợi nhuận âm cho các nhà đầu tư trong một số thời kỳ lạm phát cực đoan tại Mỹ trong thời gian gần đây. Do vậy, cần thời gian mới có thể chứng minh được vàng có phải “tấm rào chắn” lạm phát hiệu quả hay không.
Các nhà kinh doanh kim loại quý cho rằng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn của hầu hết các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới hiện nay sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và làm giảm nhu cầu tiêu dùng và thương mại đối với kim loại. Những nhà đầu cơ giá vàng vẫn đang lo lắng về rủi ro sắp tới trên thị trường đã không làm gia tăng sức hấp dẫn của vàng với vai trò là tài sản trú ẩn an toàn.