Bộ Nội vụ đề xuất thí điểm sáp nhập một số tỉnh

Trên cơ sở hiệu quả của việc sáp nhập một số huyện, xã, Bộ Nội vụ tiếp tục đề xuất thí điểm sáp nhập một số tỉnh giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030.

Nội dung này được Bộ Nội vụ đề cập trong dự thảo báo cáo, tờ trình và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính để lấy ý kiến nhân dân.

Đáng chú ý, Bộ Nội vụ đề xuất thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030. Đồng thời, khắc phục các hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 1211 để việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phù hợp hơn với thực tế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị của đất nước.

Cụ thể, bổ sung một điều quy định về tiêu chuẩn của thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, gồm các tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, loại đô thị và cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng có phân biệt cao hơn so với các đô thị cấp huyện khác.

Ví dụ, quy mô dân số từ 250.000 người trở lên (quận là 200.000 người, thành phố thuộc tỉnh là 180.000 người, thị xã là 120.000 người).

Trường hợp không đạt tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính thì tiến hành nhập, sắp xếp theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan có thẩm quyền.

Bộ Nội vụ cũng nêu rõ không thực hiện chia đơn vị hành chính các cấp, trừ trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu về bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh do Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

de xuat sap nhap mot so tinh anh 1

Bộ Nội vụ đề xuất thí điểm sáp nhập một số tỉnh giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030. Ảnh: Hoàng Hà.

Bộ Nội vụ nhận định sau khi có nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã khắc phục cơ bản tình trạng chia tách làm tăng đơn vị hành chính trong các nhiệm kỳ trước.

Bước đầu thực hiện chủ trương này, Bộ Nội vụ cho biết đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện (từ 713 xuống 705), giảm 563 đơn vị hành chính cấp xã so với năm 2016 (từ 11.162 xuống 10.599), phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa ở các địa phương.

Theo đó, các đơn vị hành chính nông thôn có xu hướng giảm (giảm: 18 huyện, 707 xã, do nhập hoặc chuyển thành đơn vị hành chính đô thị), các đơn vị hành chính đô thị có xu hướng tăng nhanh (tăng 13 thành phố thuộc tỉnh, 138 phường và 6 thị trấn); đồng thời, đã triển khai được mô hình “thành phố trong thành phố” (thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM).

Bộ Nội vụ đánh giá việc thực hiện sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp xã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của nhân dân. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa quyết tâm thực hiện, tiến độ còn chậm so với lộ trình kế hoạch đề ra. Nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp vẫn chưa bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định.

Từ thực tế đã triển khai, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính phù hợp với từng loại hình. Trên cơ sở đó, quy định điều khoản áp dụng đối với việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, làm căn cứ tiếp tục sắp xếp đơn vị hànnh chính cấp huyện, cấp xã.