Tại phiên chất vấn Quốc hội sáng 9/11, đại biểu Quốc hội Mai Dĩ Diến (Thanh Hóa) đặt câu hỏi về kết quả nghiên cứu, sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi và quá trình xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh hiện nay ra sao để đảm bảo ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngay khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, được sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương chỉ đạo sát sao các giải pháp ứng phó, xây dựng các kịch bản phòng chống dịch tả lợn châu Phi cả trong ngắn hạn và dài hạn, một trong những nhóm giải pháp được ưu tiên hàng đầu là nghiên cứu vaccine phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
"Bộ NN&PTNT đã ngay lập tức huy động một lực lượng lớn các nhà khoa học, triển khai nhiệm vụ nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi đến các đơn vị, đồng thời huy động sự hợp tác quốc tế trong nghiên cứu vaccine. Một hội đồng khoa học gồm 13 chuyên gia đầu ngành được thành lập, một thứ trưởng được giao trực tiếp phụ trách việc nghiên cứu, sản xuất vaccine", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, với những nỗ lực, cố gắng của các đơn vị, nhánh nghiên cứu trong nước đã phân lập thành công ngân hàng virus dịch tả lợn châu Phi; giải trình tự gen của virus, nghiên cứu dịch tễ để có cơ sở xây dựng quy trình chăn nuôi an toàn.
Các đơn vị, doanh nghiệp cũng đã sản xuất được một số chế phẩm sinh học để nâng cao sức đề kháng của đàn lợn; sản xuất thử nghiệm một số lô vaccine dịch tả lợn châu Phi vô hoạt, nhược độc, qua khảo sát quy mô hẹp thì cho kết quả tốt, các đơn vị đang hoàn thiện quy trình để sản xuất ở quy mô lớn hơn.
"Bên cạnh sản xuất thử nghiệm vaccine, các đơn vị cũng đã và đang nghiên cứu chọn tạo giống lợn kháng được dịch tả lợn châu Phi, đã có thế hệ lợn con có kháng thể với virus, tạo cơ sở để chọn tạo được giống lợn có kháng thể tự nhiên với loại virus này", Bộ trưởng cho biết thêm.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi.
Cụ thể, ngay khi Mỹ công bố nghiên cứu thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi, Bộ NN&PTNT đã chủ động đề nghị các nhà khoa học Mỹ hỗ trợ và tiếp nhận chủng virus dịch tả lợn châu Phi do phía bạn chuyển giao cùng quy trình công nghệ, quá trình sản xuất, thử nghiệm cho kết quả khả quan.
"Theo báo cáo của các nhà khoa học, nếu điều kiện thuận lợi thì quý 3/2021 sẽ có vaccine dịch tả lợn châu Phi sử dụng", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói. Bên cạnh việc nghiên cứu vaccine, Bộ NN&PTNT cũng đẩy mạnh mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp.