Ngày 26/10, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan về việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em.
Theo đó, từ tháng 11, chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em sẽ được tổ chức trên toàn quốc. Loại vaccine sử dụng là Comirnaty do Pfizer-BioNTech của Mỹ sản xuất. Đây là loại vaccine được WHO khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và nhiều nước sử dụng.
Việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 được thực hiện trước với trẻ em ở độ tuổi từ 16 đến 17 tuổi, sau đó sẽ hạ thấp dần độ tuổi. Cha mẹ, người giám hộ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ.
Trẻ sẽ được tiêm chủng tại trạm y tế xã/phường, các trường học, trung tâm y tế và bệnh viện (đối với một số trẻ có bệnh nền, béo phì).
Lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em sẽ được tiến hành trước tại các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, có tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao; mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định yêu cầu hàng đầu khi tổ chức tiêm chủng cho trẻ em là đảm bảo an toàn. “Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các địa phương tăng cường theo dõi phản ứng sau tiêm để kịp thời hỗ trợ xử lý theo đúng quy định”, ông nói.
Bộ Y tế giao Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tổ chức tập huấn chuyên môn cho tất cả tỉnh, thành phố về tiêm chủng cho trẻ em trong ngày 29/10.
Pfizer là loại vaccine đầu tiên được Bộ Y tế lựa chọn tiêm cho trẻ em. Ảnh: Duy Hiệu.
Các địa phương cần thực hiện khám sàng lọc, theo dõi sau khi tiêm theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế và nhà sản xuất. Các tỉnh, thành phố cần tuyên truyền, vận động để người dân đưa trẻ 12-17 tuổi đủ điều kiện tham gia tiêm kịp thời và đầy đủ.
Đối với trẻ em ở độ tuổi nhỏ hơn, Bộ Y tế đã lên kế hoạch triển khai tiêm chủng trong năm 2022 trên cơ sở khoa học và cập nhật các loại vaccine phù hợp.
Song song với việc tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em, Bộ trưởng Y tế yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine mũi 1 và bao phủ vaccine cho người từ 50 tuổi trở lên để bảo vệ đối tượng này trước nguy cơ dịch bệnh, đồng thời giảm nguy cơ tử vong nếu không may mắc bệnh.