Bức tranh COVID-19 toàn cầu: Nhiều tín hiệu tích cực nhưng không được chủ quan

24/09/2021 20:37

Mặc dù cuộc chiến toàn cầu chống COVID-19 đến nay ghi nhận nhiều diễn biến tích cực. Song nhìn chung bức tranh toàn cảnh về tình hình dịch bệnh trên khắp thế giới vẫn đan xen những mảng màu sáng-tối

Theo dữ liệu do bản đồ vaccine toàn cầu (Our World in Data), 6 tỷ liều vaccine COVID-19 đã được tiêm phòng trên toàn cầu. 2,54 tỷ người đã tiêm đủ liều vaccine. Tốc độ tiêm chủng trên toàn thế giới hiện tại đã ổn định hơn. Những số liệu này đã phần nào cho thấy nỗ lực đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine của chính phủ các nước trong việc bảo vệ sinh mạng người dân trước mối hiểm họa mang tên COVID-19.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa ghi nhận số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu trong tuần qua là khoảng 3,6 triệu ca, thấp hơn so với mốc 4 triệu ca ghi nhận vào tuần trước đó. Mức giảm này đánh dấu lần đầu tiên số ca nhiễm giảm đáng kể trong hai tháng qua. Đà giảm số ca lây nhiễm mới diễn ra ở toàn bộ các khu vực trên thế giới. Về số ca tử vong, thế giới tuần qua ghi nhận dưới 60.000 ca, tức giảm 7% so với tuần trước đó.

Ảnh minh họa. Nguồn: AECM

Chung tay chống dịch toàn cầu, lãnh đạo nhiều nước đồng loạt đưa ra các cam kết sẽ tăng viện trợ vaccine cho các nước đang phát triển. Tổng thống Joe Biden vừa tuyên bố, Mỹ chi 15 tỷ USD để mua và viện trợ 160 triệu liều vaccine cho hơn 100 nước. Trong thời gian tới nước này cũng sẽ mua thêm 500 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech để viện trợ cho các nước thu nhập thấp và trung bình thông qua cơ chế COVAX của WHO.

Trung Quốc thì cam kết sẽ hoàn thành mục tiêu cung cấp cho thế giới 2 tỉ liều vaccine trong năm nay. Như một phần trong nỗ lực quốc tế nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với vaccine, Nhật Bản thông báo sẽ viện trợ bổ sung 30 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho các nước khác. Trong khi, Italia cam kết viện trợ các nước 45 triệu liều vaccine COVID-19 trước cuối năm nay.

Thủ tướng Italia Mario Draghi hôm nay tuyên bố: “Chúng ta cần khởi động lại chủ nghĩa đa phương và làm cho nó hiệu quả để đối phó với những thách thức của thời đại. Hơn một năm rưỡi kể từ khi bùng phát khủng hoảng y tế toàn cầu, cuối cùng chúng ta cũng có thể nhìn vào tương lai với sự lạc quan hơn.

Chiến dịch tiêm chủng mang lại cho chúng ta niềm tin vào khả năng trở lại trạng thái bình thường mới. Italy hoàn toàn ủng hộ về mặt chính trị và tài chính cho cơ chế COVAX. Chúng tôi dự định sẽ tăng gấp ba lần số lượng quyên góp của mình từ 15 lên 45 triệu liều vaccine vào cuối năm 2021”.

Những cam kết bảo đảm nguồn cung vaccine cho tất cả mọi người đang phát đi tín hiệu lạc quan cho cuộc chiến chống COVID-19 trên phạm vi toàn cầu. Mặc dù vậy, giới chuyên gia y tế và các nhà lãnh đạo trên thế giới vẫn khuyến cáo thế giới dù lạc quan nhưng không được phép chủ quan trước diễn biến dịch bệnh. Bởi thực tế hiện nay, tại các quốc gia nghèo hơn, chiến dịch tiêm chủng cũng chỉ vừa mới được triển khai, trong đó vẫn chủ yếu là dựa vào nguồn cung từ cơ chế chia sẻ vaccine COVAX. Độ bao phủ vaccine chưa đồng đều.

Mới hôm qua, WHO còn lên tiếng cảnh báo về tình trạng thiếu vaccine ngừa COVID-19 tại châu Phi. Theo ước tính của WHO, các lô vaccine ngừa COVID-19 đến châu Phi phải được nhân lên gấp 7 lần, từ 20 triệu liều mỗi tháng lên 150 triệu liều trung bình mỗi tháng để châu lục này có thể tiêm chủng cho 70% dân số vào tháng 9 năm sau.

Tại phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76 đang diễn ra tại New York, lãnh đạo các nước đang phát triển đã bày tỏ quan điểm phản đối việc những nước giàu tích trữ vaccine. Điều này đang tạo cơ hội cho sự xuất hiện của các biến thể mới. Một trong những chủng virus mới nhất đang được nhắc đến nhiều trong những ngày gần đây là biến thể R1 được cho là chứa những đột biến mới có khả năng vượt qua khả năng bảo vệ của kháng thể thậm chí ở những người đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19./.

Bạn đang đọc bài viết "Bức tranh COVID-19 toàn cầu: Nhiều tín hiệu tích cực nhưng không được chủ quan" tại chuyên mục THẾ GIỚI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#