Các công ty vận tải và hậu cần có thể hưởng lợi từ RCEP

Các chuyên gia trong ngành cho biết, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ là động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành vận tải biển, các công ty hậu cần và các cảng lớn.

Các nước tham gia RCEP là 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Các nước này chiếm khoảng 30% dân số toàn cầu, tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu và thương mại toàn cầu.

Zhang Jun, một nhà phân tích vận tải từ Guosheng Securities, cho biết hơn 90% hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc được xử lý bởi lĩnh vực vận tải biển và sự gia tăng đáng kể thương mại giữa Trung Quốc và các thành viên RCEP khác sẽ kích thích các ngành đóng tàu, vận tải biển của Trung Quốc cũng như các cảng lớn của Trung Quốc có hoạt động kinh doanh chính là hàng hóa quốc tế.

Trong khi đó, Shen Xiaofeng, một nhà phân tích chuyên về lĩnh vực vận tải tại Huatai Securities, kỳ vọng lĩnh vực vận tải biển sẽ trực tiếp hưởng lợi từ lượng hàng hóa tăng theo thỏa thuận RCEP.  “Chúng tôi kỳ vọng RCEP sẽ đại diện cho một làn sóng tăng trưởng mới cho các cảng và ngành vận tải biển nói chung", ông Shen cho biết.

5fb5c571a31024adbda2bd69

Khu quận Cảng Jingtang thuộc Cảng Đường Sơn ở Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Ảnh: Tân Hoa xã

Theo ông Shen, các cảng ven biển ở Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 20% trong khoảng 2001-2007, và tốc độ giảm xuống còn khoảng 7% từ năm 2010-2016 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Eric Lin, Giám đốc điều hành và trưởng bộ phận nghiên cứu của UBS Securities Co Ltd., cho biết RCEP sẽ làm cho chuỗi cung ứng châu Á kết nối với nhau hơn và cho phép bán sản phẩm hiệu quả.

Chen Zhuo, nhà phân tích cấp cao của China Merchants Securities, cho biết RCEP đã chống lại xu hướng chống toàn cầu hóa trong vài năm qua và là nỗ lực mới nhất trong việc khôi phục thương mại tự do toàn cầu.

Theo ông Chen, RCEP không chỉ mang lại dấu hiệu tốt cho lĩnh vực vận chuyển mà còn thúc đẩy dòng người tự do đi lại trong khu vực. "RCEP sẽ có tác động lan tỏa đối với các nhà sản xuất Trung Quốc trong ASEAN. Nó sẽ mang lại nhiều hành khách hơn cho các hãng hàng không (ví dụ như Spring Airlines) với mạng lưới và hoạt động kinh doanh mạnh mẽ đến các điểm đến ở Đông Á, Đông Nam Á, Úc và New Zealand," ông nói.

Còn theo Wang Jingtian, nhà phân tích chuyên về giao thông vận tải của China Galaxy Securities, cho biết 15 quốc gia RCEP có tổng dân số 2,27 tỷ người, GDP 26 nghìn tỷ USD và xuất khẩu gần 5,2 nghìn tỷ USD. Tương đương với khoảng 1/3 nền kinh tế toàn cầu, quy mô kinh tế khổng lồ của RCEP sẽ giúp ích cho Trung Quốc khi nước này bắt tay vào mô hình phát triển tuần hoàn kép. Vì RCEP bao gồm các ngành khác nhau như hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, nên nó sẽ nâng cao đáng kể các nỗ lực thương mại tự do tổng thể trong khu vực.

(Theo Chinadaily)