Các nút thắt của thị trường chưa được tháo, doanh nghiệp bất động sản 'buộc bụng'

Trong khi các nút thắt của thị trường chưa được tháo gỡ, doanh nghiệp bất động sản phải tiết giảm tối đa chi phí để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Xoay đủ cách để tồn tại

Trong tình hình hiện nay, việc các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cắt giảm nhân sự, hay cho nhân viên nghỉ Tết sớm đã không còn là chuyện hiếm. Thậm chí, để tồn tại, nhiều chủ doanh nghiệp đã chọn giải pháp ngừng kinh doanh, tạm chuyển làm việc khác để có tiền nuôi quân.

Đơn cử, tại Công ty cổ phần Địa ốc Đ.L Real (quận Bình Thạnh, TP.HCM), từ đầu năm 2022, doanh nghiệp này gặp khó trong việc bán hàng, lượng hàng bán ra không đủ để trả lương nhân viên và chạy marketing. Vì vậy, Công ty đã phải giảm bớt nhân sự để tinh gọn bộ máy.

Bên cạnh đó, lãnh đạo công ty cũng quyết định tạm dừng việc bán hàng vì thanh khoản thị trường giảm mạnh, trong khi chi phí marketing quá lớn. Để tồn tại, lãnh đạo công ty đã xoay chuyển bằng cách đi buôn đất.

Cụ thể, lãnh đạo công ty này đi các tỉnh lân cận TP.HCM để tìm mua quỹ đất rồi bán lại cho các nhà đầu tư khác, hoặc làm môi giới quỹ đất cho các bên lấy tiền hoa hồng và dùng tiền đó để bù đắp vào các khoản chi phí của doanh nghiệp hàng tháng. “Làm như vậy tuy vất vả, nhưng đây là giải pháp hiệu quả nhất để giúp doanh nghiệp của tôi có thể tồn tại vượt qua tình hình khó khăn chung của thị trường hiện nay”, đại diện Công ty Đ.L Real nói.

Các lãnh đạo doanh nghiệp khác cũng cho biết, đang cố gắng tìm mọi cách để vượt qua khó khăn hiện nay. Với Trần Anh Group, để bán được hàng, thay vì bán nhà thô, doanh nghiệp này quyết định hoàn thiện luôn nội thất sản phẩm để khách hàng có thể mua về ở ngay. Bên cạnh đó, công ty liên kết làm nội thất sẽ được doanh nghiệp thanh toán bằng trả sản phẩm bất động sản thay vì trả bằng tiền mặt. Cách này giúp doanh nghiệp giải quyết lượng hàng và đa dạng dòng sản phẩm bán cho khách hàng.

Nhiều tập đoàn lớn khác thì chấp nhận bán lỗ, giảm từ 45 tới 50% giá trị sản phẩm nếu khách hàng mua nhà thanh toán trước, để doanh nghiệp có dòng tiền duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp quyết định bán bớt quỹ đất của mình để lấy tiền duy trì doanh nghiệp.

Sau cơn mưa trời sẽ sáng

Là doanh nghiệp chuyên phân phối những dự án lớn, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty DKRA Vietnam cho hay, dù thị trường trầm lắng, nhưng lượng người tìm hiểu thông tin bất động sản vẫn tăng, cho thấy các “thợ săn” vẫn không ngừng tìm kiếm sản phẩm tốt để đầu tư. Trong đó, nhóm nhà đầu tư trung - dài hạn sẽ dẫn dắt thị trường trong thời gian tới, bởi hiện là thời điểm phù hợp để lựa chọn sản phẩm tốt.

Cũng theo ông Lâm, bất động sản phải có giá trị khai thác được thì mới có cơ hội phát triển. Trường hợp muốn đầu tư vào các dự án đang phát triển, nhà đầu tư cần quan tâm đến một số yếu tố căn bản như quy hoạch, pháp lý dự án, thương hiệu và uy tín của chủ đầu tư...

“Thị trường bất động sản được ví như đang trong mùa mưa, ai ở ngoài đường sẽ ướt, nhưng người bị ướt vì mưa không đại diện cho toàn thị trường và quan trọng hơn là sau cơn mưa, trời sẽ sáng”, ông Lâm ví von, đồng thời nhấn mạnh, thay vì bi quan, nhà đầu tư nên có tâm lý đón nhận. Bởi sau mỗi giai đoạn tăng nóng, thị trường cần có sự điều chỉnh, chỉ như vậy mới tạo ra sự ổn định sau này.

Bà Lê Thị Thanh Hằng, CEO Vietnam Groove cũng cho rằng, về dài hạn, thị trường bất động sản vẫn có một số lợi thế đáng chú ý. Do những ưu thế có được từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đã và đang tiếp tục thu hút được nhiều doanh nghiệp quốc tế lớn, tạo ra sức cầu cho các phân khúc bất động sản công nghiệp, văn phòng hay căn hộ dịch vụ.

Việc mở cửa đường bay quốc tế trở lại, cùng với đà hồi phục tích cực của nền kinh tế khiến du khách nước ngoài dần đông đảo trở lại, tạo động lực lớn cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Về phân khúc bất động sản nhà ở, dân số trẻ cùng với nhu cầu ở thực cao, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng là những trợ lực mạnh mẽ.

“Thị trường bất động sản sẽ phát triển theo hướng lành mạnh và bền vững hơn. Điều này một mặt đến từ các biện pháp quản lý vĩ mô của cơ quan chức năng có thẩm quyền, mặt khác đến từ quá trình số hóa tiếp tục được áp dụng mạnh mẽ và cả sự trưởng thành hơn của các chủ thể tham gia vào thị trường”, bà Hằng chia sẻ.