Theo Nikkei Asia, con số trên được JCER tính toán qua so sánh tăng trưởng GDP thực tế của các nền kinh tế trên và con số dự báo trước đại dịch của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tháng 10/2019.
15 nền kinh tế được khảo sát là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Hong Kong, Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Đài Loan.
Theo nhóm nghiên cứu, nếu đại dịch không bùng phát, tổng GDP của các nền kinh tế trên có thể đạt khoảng 29.840 tỷ USD. Tuy vậy, con số thực tế thấp hơn khoảng 1.680 tỷ USD.
Với quy mô lớn nhất châu lục, Trung Quốc là nền kinh tế chịu thiệt hại nhiều nhất (638 tỷ USD) dù vẫn tăng trưởng 2,3% trong năm 2020. Ấn Độ chịu thiệt hại nhiều thứ hai (480 tỷ USD), theo sau là Nhật Bản (162 tỷ USD).
Trung Quốc thiệt hại hơn 600 tỷ USD do đại dịch Covid-19 trong năm 2020. Ảnh: AFP.
Xét theo cơ cấu ngành, các ngành nghề liên quan đến du lịch chịu tác động nặng nề nhất do đại dịch. Trong số đó, doanh số của ngành kinh doanh sòng bạc giảm 53%, ngành hàng không giảm 49%.
Campuchia, đất nước có 20% GDP đến từ du lịch, mất 4 tỷ USD. Thiệt hại đối với GDP Thái Lan lên tới 71 tỷ USD, theo ước tính của JCER. Hãng hàng không Thai Airways thậm chí phải nộp đơn phá sản vào tháng 5/2020.
Trong khi hầu hết nền kinh tế lớn ở châu Á chịu thiệt hại do đại dịch, Đài Loan là nền kinh tế duy nhất hưởng lợi. So với dự báo năm 2019, GDP của Đài Loan năm 2020 tăng thêm 44 tỷ USD. Thành công này đến từ sự gia tăng trong nhu cầu sản phẩm công nghệ khi nhiều người phải học tập, làm việc tại nhà.