Cần tính toán mức chiết khấu, tránh tình trạng DN xăng dầu "càng bán càng lỗ"

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền cần tính toán mức chiết khấu cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để tránh tình trạng “càng bán càng lỗ” như thời gian quan. Bộ Công Thương cần điều chỉnh, đảm bảo nguồn cung xăng dầu, điều tiết phù hợp.

Cách đây 2 ngày, một số cửa hàng xăng dầu tại quận Gò Vấp, quận Bình Tân, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh,... hết xăng phải tạm ngưng hoạt động. Ngày 19/10, cửa hàng xăng dầu Vĩnh Phú (huyện Bình Chánh) cũng tạm ngưng bán xăng.

Trước đó vào ngày 18/10, nhiều người dân khi lưu thông qua tuyến đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) khi ghé đổ xăng một số cửa hàng tại đây cũng được nhân viên ra hiệu hết hàng. Còn khoảng 10 ngày trước, tình trạng này cũng đã xảy ra tại khu vực TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận khiến nhiều người dân phải chật vật tìm cửa hàng hoạt động và xếp hàng chờ tới lượt đổ xăng.

Ngày 20/10, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, tình hình xăng dầu hiện nay là "đỡ khó khăn hơn thời gian trước". Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong nguồn cung xăng dầu do ảnh hưởng từ giá xăng dầu thế giới. Hiện vẫn còn tình trạng hết xăng dầu. Việc này là thiếu cục bộ và chủ yếu diễn ra ở các cửa hàng xăng dầu tư nhân do phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp phân phối và vận tải. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp lớn, có hệ thống phân phối thì việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu tương đối ổn định bởi có hệ thống kho chứa, hệ thống vận chuyển.

 

Trao đổi bên hành lang Quốc hội về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, trong phiên giám sát Luật Bảo vệ người tiêu dùng, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đã tiếp xúc với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ.

0908-nguyen-thi-viet-nga-hai-duong-1666341564.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương.

Qua các buổi trao đổi, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã phản hồi về việc tỉ lệ chiết khấu rất thấp, thậm chí 0 đồng. Với mức chiết khấu này, doanh nghiệp kinh doanh xăng không có lãi. Vì không có lãi nên nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoặc bán cầm chừng, nhưng việc này khiến các doanh nghiệp đối diện với nguy cơ bị xử phạt. Chính điều này đẩy doanh nghiệp vào thế mắc kẹt.

Theo đại biểu Quốc hội đoàn Hải Dương, các cơ quan quản lý cần có các giải pháp để tránh sự bất công với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh. 

"Các cơ quan có thẩm quyền cần tính toán mức chiết khấu cho doanh nghiệp để tránh tình trạng “doanh nghiệp càng bán càng lỗ” như thời gian quan. Bộ Công Thương - với vai trò là cơ quan quản lý cần có các phương án điều chỉnh, đảm bảo nguồn cung xăng dầu và điều tiết phù hợp để khắc phục tình trạng bất cập như thời gian qua", bà Nguyễn Thị Việt Nga nêu rõ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho rằng, thời gian qua vấn đề xăng dầu gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân và doanh nghiệp. Quá trình tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội cũng nhận được nhiều ý kiến phản ánh. Đây là nội dung thuộc điều hành giá bán lẻ xăng dầu của Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, trong đó nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là giá xăng dầu thế giới có biến động với biên độ lớn, trong chu kỳ điều hành, giá xăng dầu trong nước chưa phù hợp với giá thế giới. Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng lại cơ chế điều hành giá bán lẻ một cách hợp lý hơn vừa đảm bảo lợi ích người dân, doanh nghiệp, thương nhân đầu mối, xuất nhập khẩu, bán lẻ xăng dầu./.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay, mức chiết khấu là mức giảm giá của đơn vị bán xăng dầu, có thể là các doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý, đại lý, thương nhân phân phối bán cho các đối tượng khác. Các quy định hiện hành không có quy định về mức chiết khấu cho kinh doanh xăng dầu và việc điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, chỉ quản lý giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu.

Thứ trưởng Hải cho rằng, với việc điều hành rất công khai, minh bạch, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nắm bắt được xu hướng tăng hay giảm mức chiết khấu giá xăng dầu. Nếu có xu hướng giảm thì các doanh nghiệp đầu mối và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tăng mức chiết khấu để đẩy lượng bán ra, khi giá tăng lên họ lại giảm mức chiết khấu đi. Đại diện Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này cũng đã có báo cáo với các cấp có thẩm quyền về tình hình vừa qua.