Cảnh báo nợ xấu 'vây' ngân hàng

Dù nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục báo lãi hàng ngàn tỉ đồng, thậm chí vượt 10.000 tỉ đồng nhưng áp lực nợ xấu trong thời gian tới vẫn rất lớn

Bức tranh lợi nhuận quý II và cả 6 tháng đầu năm 2022 của ngành ngân hàng (NH) đang dần hé lộ khi loạt NH thương mại công bố lợi nhuận tăng trưởng khả quan trong bối cảnh kinh tế phục hồi. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn đang "ngấm đòn" Covid-19 khiến áp lực nợ xấu NH rất lớn.

Lợi nhuận tăng mạnh

Ghi nhận đến ngày 23-7, đã có khoảng chục NH thương mại công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Hàng loạt cái tên báo lãi đậm so với cùng kỳ năm ngoái như NH TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) , NH TMCP Tiên Phong (TPBank), NH TMCP Quốc tế (VIB), NH TMCP Đông Nam Á (SeABank), NH TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB)...

Đứng đầu mức lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm tính theo số tuyệt đối đã công bố đến thời điểm này là VPBank với hơn 15.300 tỉ đồng, vượt hơn 50% kế hoạch cả năm. Kế đến là Techcombank vượt 10.000 tỉ đồng.

VIB cũng báo cáo lãi đậm, hơn 5.000 tỉ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đạt gần 5.900 tỉ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ; còn TPBank cán mức 3.800 tỉ đồng, tăng gần 26%; SeABank vượt 2.800 tỉ đồng, tăng 180%. Riêng NH TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) đạt tổng lợi nhuận trước thuế gần 3.336 tỉ đồng.

Hoạt động kinh doanh của các NH trong nửa đầu năm ghi nhận tăng trưởng ấn tượng nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Dư nợ tín dụng của nhiều NH hiện đã đụng trần tăng trưởng tín dụng được cấp từ hồi đầu năm, một số NH tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều mức tăng chung của ngành. "Thu nhập từ lãi tăng ổn định nhờ tín dụng tăng trưởng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Tăng trưởng mạnh về doanh thu và kiểm soát tốt chi phí, lợi nhuận trước thuế của NH đã có tốc độ tăng tới 70% so với cùng kỳ, đạt hơn 15.300 tỉ đồng" - đại diện VPBank nói.

Ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank, cho hay Techcombank tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ ở quý II/2022 trong bối cảnh thị trường có nhiều thách thức nhờ nguồn doanh thu cốt lõi đạt kết quả tích cực. Nhu cầu tín dụng (tăng 8,5% so với cùng kỳ) và biên lãi thuần đều ở mức cao, các nguồn thu nhập từ hoạt động dịch vụ chính tăng trưởng mạnh. Techcombank đã đẩy nhanh đa dạng hóa dư nợ tín dụng, hướng tới các khách hàng cá nhân - phân khúc chiếm 46,6% dư nợ tín dụng tại thời điểm cuối tháng 6-2022.

Nhiều ngân hàng báo lãi lớn trong 6 tháng đầu năm 2022Ảnh: TẤN THẠNH

Nợ xấu có thể gia tăng

Báo cáo cập nhật ngành NH của Công ty Chứng khoán SSI ước tính tăng trưởng lợi nhuận bình quân 6 tháng đầu năm 2022 của các NH có thể đạt khoảng 26%-29% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả này được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ (tăng 10,3% so với đầu năm), biên độ lợi nhuận (NIM) tăng và áp lực trích lập dự phòng ở mức vừa phải (do các NH lớn đã trích lập dự phòng cho các khoản vay tái cơ cấu do dịch Covid-19 trong năm 2021).

Dù vậy, SSI cũng đưa ra cảnh báo: "Để kiểm soát lạm phát, NH Nhà nước có thể thận trọng hơn trong việc nới hạn mức tín dụng trong nửa cuối năm. Hạn mức được cấp thêm có thể chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện các NH phải hạn chế giải ngân cho các phân khúc rủi ro". Theo SSI, nếu các NH thương mại không được nới hạn mức (room tín dụng) trong 6 tháng cuối năm, bức tranh lợi nhuận sẽ thay đổi.

Trong khi đó, qua thống kê 27 NH niêm yết của đơn vị xếp hạng tín nhiệm FiinGroup cho thấy tỉ lệ nợ xấu nội bảng tăng lên 1,42%, chưa bao gồm các khoản nợ tái cơ cấu do dịch Covid-19 (tính đến hết quý I/2022). Tỉ lệ nợ xấu nội bảng có thể tiếp tục tăng khi các NH chuyển dần các khoản nợ tái cơ cấu về đúng nhóm nợ, đặc biệt khi thời hạn tái cơ cấu nợ của Thông tư số 14 không còn.

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, nhận định lợi nhuận NH lớn và các NH "đua" báo lãi nhưng áp lực nợ xấu trong tương lai là rất lớn, có thể "ăn mòn" lợi nhuận. Theo ông Thịnh, Thông tư 14 liên quan đến cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân và DN do dịch Covid-19 đã hết hạn vào 30-6 và NH Nhà nước không gia hạn. Do đó, các NH đang phải tăng trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu trong bối cảnh nợ xấu có thể gia tăng thời gian tới.

Các chuyên gia của FiinGroup thông tin thêm ngoài những NH đã trích lập sớm, áp lực trích lập sẽ tăng lên với các NH còn lại. Những rủi ro tiềm ẩn với nợ xấu khi thị trường trái phiếu gặp khó khăn cũng là yếu tố cần theo dõi, cộng thêm sức khỏe của các DN bất động sản đang gặp khó sẽ tạo thêm thách thức với tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng nợ của các NH.

Cổ phiếu ngân hàng còn giảm?

Sau khi chỉ số VN-Index rơi xuống vùng đáy thấp nhất dưới 1.150 điểm vào đầu tháng 7, thị trường đã hồi phục trong những phiên vừa qua, giúp giá cổ phiếu nhiều NH thương mại tăng từ 15%-30% so với mức đáy.

Theo các chuyên gia phân tích của SSI, các cổ phiếu NH đã giảm 6%-40% so với đầu năm. Hiện định giá của nhiều NH đã giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm. Sự điều chỉnh này phản ánh cả môi trường lãi suất dần tăng lên cũng như một phần lo ngại liên quan đến rủi ro nợ xấu. Riêng rủi ro tín dụng liên quan đến lĩnh vực bất động sản có thể xuất hiện từ năm 2023.